190
/
75612
Nuôi con không kháng sinh, cần hiểu đúng
nuoi-con-khong-khang-sinh-can-hieu-dung
news

Nuôi con không kháng sinh, cần hiểu đúng

Thứ 6, 28/06/2019 | 08:19:27
1,237 lượt xem

BGTV- Việc lạm dụng thuốc kháng sinh với trẻ nhỏ để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe. Trước lo ngại ảnh hưởng, nhiều bà mẹ đã tích cực tìm kiếm thông tin, nuôi con theo các phương pháp, kinh nghiệm dân gian, hạn chế dùng thuốc, tuy nhiên cần phải tìm hiểu và thực hiện đúng cách bởi “nói không” tuyệt đối với kháng sinh không phải lúc nào cũng tốt.

Xu hướng hạn chế dùng kháng sinh

Từ 2 năm nay, cháu Vũ Đức Anh, con trai của chị Thu Hà (Phường Đa Mai, TP Bắc Giang) không phải dùng đến viên thuốc kháng sinh nào. Khi con trai được hơn 1 năm tuổi, chị Hà được một người bạn là bác sĩ hướng dẫn cách chữa bệnh kết hợp phương pháp dân gian với phương pháp khoa học hiện đại để giảm viêm, ho cho bé như uống nước gừng, uống nước la hán, vỗ rung khi bé bị đờm… Có những lúc chị rất lo lắng vì con ho dai dẳng cả tháng trời, nhưng được hướng dẫn và kết hợp đọc thêm tài liệu, hiểu rằng ho là phản ứng của cơ thể để tống các chất bài tiết hoặc dị vật ra ngoài nên chị Hà vẫn kiên trì với các phương pháp trên. “Áp dụng các phương pháp dân gian thường thời gian sẽ kéo dài, tuy nhiên khi bệnh không quá nặng nếu kiên trì áp dụng thì hiệu quả sẽ rất tốt, sức đề kháng của con hơn hẳn lúc trước, khi cơn ho tự chấm dứt cháu nhà tôi không còn bị viêm phế quản tái đi tái lại như trước đây nữa, gần 2 năm nay con không phải uống 1 viên thuốc kháng sinh nào, ăn ngủ tốt và rất ít ốm vặt”, chị Hà phấn khởi chia sẻ.

Đối với chị Thanh Thủy (TT Cao Thượng, Tân Yên) có hai con nhỏ 4 tuổi và 2 tuổi, có chung quan điểm nuôi con hạn chế kháng sinh, chị Thủy cho biết: “Thay đổi thời tiết chút thì trẻ nhỏ hay ho sổ mũi là phản ứng bình thường của cơ thể, ông nội 2 cháu trước làm trong viện quân y nên rất quan tâm đến các phương pháp lành tính để tăng cường sức khỏe cho con cháu, thời gian đầu thấy con ho tôi cũng sốt ruột, nhưng ông bảo cứ kiên trì thì sau những đợt như thế, sức đề kháng của cháu tăng lên, ít ốm vặt hơn nhiều”. 

Khi nào dùng, khi nào không?

Theo bác sĩ Đồng Xuân Sắc, trưởng khoa nhi, Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Giang cho biết, nguồn thông tin về chăm sóc sức khỏe rất nhiều nên ngày càng nhiều người nhận thức về nguy cơ kháng thuốc, đặc biệt là kháng thuốc kháng sinh đối với sức khoẻ của trẻ nhỏ. Do đó xu hướng nuôi con hạn chế hoặc không dùng kháng sinh dần trở nên phổ biến, tuy nhiên để thực hiện đúng và hiệu quả phương pháp này đòi hỏi cha mẹ phải thực sự có kiến thức, am hiểu và có kinh nghiệm trong chăm sóc trẻ bởi trong nhiều trường hợp nếu hạn chế hoặc không dùng kháng sinh, trẻ sẽ không được điều trị kịp thời khiến bệnh chuyển biến ngày càng nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Bác sĩ khuyến cáo tốt nhất các phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế nếu thấy trẻ có những biểu hiện bệnh tăng nặng, không nên tự chữa trị tại nhà khi không đủ kinh nghiệm và chuyên môn.

Dù áp dụng phương pháp chữa bệnh nào cho trẻ, các bậc cha mẹ cũng cần tìm hiểu thật kỹ và tham khảo ý kiến của bác sĩ

Theo các bác sĩ chuyên khoa, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định trong các trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nấm, ký sinh trùng… Thuốc kháng sinh không có tác dụng với trẻ bị các bệnh do virus. Thông thường, cha mẹ khó có thể phân biệt được trẻ ốm, sốt do virus hay vi khuẩn, vì vậy tốt nhất là theo dõi trẻ thật kỹ. 

Bên cạnh đó, trong trường hợp khi đã được các bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, cha mẹ cần cho trẻ sử dụng thuốc đúng theo liều lượng, số ngày như bác sĩ chỉ định, không được cho trẻ dừng thuốc khi thấy trẻ có biểu hiện đỡ, khỏi bệnh mà uống thuốc chưa đủ liều lượng bởi có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc, bệnh sẽ trầm trọng hơn ở những lần mắc sau đó. Ngay cả việc dùng thuốc kháng sinh cũng có quy luật, mỗi nhóm vi khuẩn có kháng sinh điều trị riêng. Khi dùng loại kháng sinh này bệnh không giảm, bác sĩ sẽ đổi loại kháng sinh khác, do đó cha mẹ cần hoàn toàn tuân thủ lịch trình điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự ra hiệu thuốc kể bệnh để các dược sĩ trở thành người kê toa hoặc tự mua thuốc theo kinh nghiệm.

Việc hạn chế kháng sinh, sử dụng các biện pháp tự nhiên trong nhiều trường hợp phát huy hiệu quả rất tốt, thiết lập “rào chắn” sức đề kháng vững chắc cho trẻ, tuy nhiên các bậc cha mẹ cần hiểu không phải áp dụng trong tất cả các trường hợp, với những bệnh nặng, phụ huynh không nên tự ý chữa cho con trẻ hoặc tìm hiểu từ những nguồn thông tin trôi nổi, các hội nhóm trên mạng để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra nếu trẻ không được chữa trị đúng phương pháp kịp thời./.

Minh Anh


WHO: Khoảng trống miễn dịch do Covid-19 đe dọa trẻ em Việt Nam

Giống như nhiều quốc gia khác, dịch vụ tiêm chủng thường xuyên ở Việt Nam đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Trẻ em không được tiêm chủng có nguy cơ...
11:00 - 26/04/2024
54 lượt xem

WHO kêu gọi thành lập mạng lưới toàn cầu phát hiện vi rút cúm gia cầm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-4 kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với vi rút cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm ở một số...
08:17 - 26/04/2024
90 lượt xem

Thêm trẻ ngộ độc chì, nguy kịch do 'thuốc nam'

Bệnh viện Nhi trung ương thông tin đang điều trị tích cực cho một bé 3 tuổi nguy kịch do ngộ độc chì. Đây là trường hợp thứ hai trong vòng 2 tháng...
16:31 - 25/04/2024
486 lượt xem

Uống rượu, hút thuốc xong chớ dại ăn bưởi kẻo hại sức khỏe

Nhiều người thường ăn bưởi sau bữa ăn, kể cả có uống rượu bia vì nghĩ loại quả này nhiều nước và vitamin C nên có thể giải rượu. Tuy nhiên, chuyên gia sức...
17:34 - 25/04/2024
492 lượt xem

Loại củ thường có trong bếp tác dụng không ngờ đối với sức khỏe nam giới

Từ tăng cường khả năng miễn dịch, giảm cholesterol xấu, bảo vệ gan, đến làm chậm sự phát triển của bệnh Alzheimer, ngăn ngừa ung thư, có thể nói tỏi là...
13:12 - 25/04/2024
549 lượt xem