11
/
151050
Bố mẹ rút con khỏi trường quốc tế, tiền học thà để... mua căn hộ
bo-me-rut-con-khoi-truong-quoc-te-tien-hoc-tha-de-mua-can-ho
news

Bố mẹ rút con khỏi trường quốc tế, tiền học thà để... mua căn hộ

Thứ 5, 27/07/2023 | 11:38:00
2,175 lượt xem

Sau hai năm cho con theo học tại trường quốc tế học phí hàng trăm triệu đồng, vợ chồng chị Hoa rút con về trường công, nhằm để dành tiền mua căn hộ.

Tiền đóng học thà để... mua căn hộ 

Đầu tuần rồi, chị Lê Thúy Hoa, ngụ ở TP Thủ Đức, TPHCM lên trường cũ rút hồ sơ để chuyển trường cho con. 

Con trai chị Hoa năm nay lên lớp 3. Từ năm lớp 1, cháu theo học tại một trường song ngữ quốc tế đóng ở Thủ Đức, ngôi trường vợ chồng chị đã dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu. Mức học phí những năm đầu tiểu học khoảng 250 triệu đồng/năm.

Bố mẹ rút con khỏi trường quốc tế, tiền học thà để... mua căn hộ - 1

Mùa hè, nhiều gia đình quyết định chuyển trường cho con (Ảnh minh họa: H.N).

Chị Hoa cho biết, điều kiện kinh tế gia đình ở mức trung bình khá, để con theo học tại ngôi trường này, vợ chồng chị cũng phải cân nhắc lên xuống.

Nhưng khi đó, con mới vào lớp 1, mục tiêu lớn nhất của người mẹ là tìm cho con một môi trường học tập thoải mái, không quá gò bó, nhà vệ sinh sạch sẽ, học nhiều tiếng Anh tại trường, không phải học thêm bên ngoài. 

Hai năm con theo học tại đây, chị Hoa đánh giá mọi thứ ở mức "bình thường". Chị không phủ nhận con được học ở lớp học sĩ số thấp, sạch sẽ, mát mẻ, đồ ăn ngon, giáo viên thân thiện, cộng đồng phụ huynh văn minh. 

Tuy nhiên, vợ chồng chị Hoa cho rằng ở đây việc học quá nhẹ nhàng, tiếng Anh của con lại không được như kỳ vọng. Chưa kể, chị thấy học phí hàng năm tại trường tăng mạnh, đẩy con số học phí mỗi năm một cao. 

Cho rằng chưa đáng "đồng tiền bát gạo", cân nhắc thêm điều kiện kinh tế gia đình, năm học này, vợ chồng chị Hoa quyết định rút hồ sơ, chuyển con sang một trường tiểu học công lập cùng khu vực. Lớp con chị Hoa theo học năm nay cũng có 2-3 bạn khác chuyển đi. 

Theo phân tích của vợ chồng chị Hoa, con học song ngữ mỗi tháng hết khoảng  25 triệu đồng còn tăng lên mỗi năm, còn chuyển về trường công lập chi phí tầm 3-5 triệu đồng.

Số tiền chênh lệch này, chị Hoa tính toán có thể mua một căn hộ trả góp mỗi tháng 15 triệu đồng. Sau 12 năm con học phổ thông đã có thể mua xong căn hộ. 

"Tiền học cho con tôi thà để mua căn hộ, sau này chúng tôi có thể cho con căn nhà làm vốn. Trong khi việc học của con vẫn được duy trì ở môi trường khác", chị Hoa nói về quyết định của mình. 

Cần có sẵn "cả rổ tiền"

Trường hợp chuyển con từ trường có học phí đắt đỏ về trường công lập xuất phát từ tính toán kinh tế như chị Hà hay xuất phát từ áp lực tài chính dễ gặp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Xác định con chỉ trường tư mà theo, từ bậc mầm non, hai con của chị Phan Thu Dịu, ở quận 7, TPHCM theo học tại một trường theo mô hình quốc tế với chi phí học tập tầm 300 triệu đồng/năm tùy lớp.

Nhưng rồi ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, kinh tế gia đình chị gặp khó khăn chồng phá sản, rơi vào nợ nần. Lúc đầu, anh chị vẫn gồng gánh, vay mượn thêm để con tiếp tục theo học, không bị xáo trộn nhưng chỉ cố thêm được hơn một năm thì bố mẹ đuối hoàn toàn. 

Giữa năm học vừa rồi, khi con một đứa đang học lớp 3, một lớp 5, không còn tiền để đóng học phí, chị đành phải chuyển con trường công để cắt giảm chi phí tối đa. 

Người mẹ chia sẻ, chuyển sang một môi trường mới nhiều thay đổi, thời gian đầu hai con chị bị sốc tâm lý. Các con phải làm quen với lớp học 40-50 học sinh, cách dạy học, cách học rồi cách giao tiếp giữa giáo viên với học sinh cũng khác... 

"Tháng đầu tiên mới chuyển trường, bé đầu nhà tôi nhịn uống nước, không đi vệ sinh ở trường. Ngày nào đi học về cháu cũng khóc", chị Dịu kể. 

Đó là thời gian vô cùng khó khăn với các con và vợ chồng chị. Đến giờ, sau nửa năm chuyển trường, dù đã chấp nhận trường mới nhưng các con vẫn mong mỏi có ngày sẽ chuyển về trường cũ. 

Theo chị Dịu, nhiều người cho rằng, học sinh từ tư thục chuyển sang công lập không theo nổi các bạn việc học, nhưng việc học chỉ là yếu tố nhỏ, điều khó khăn nhất với các cháu là môi trường nhiều khác biệt. 

Bố mẹ rút con khỏi trường quốc tế, tiền học thà để... mua căn hộ - 2

Nhiều trẻ có thể gặp khó khăn khi chuyển trường (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Hệ thống trường ngoài công lập tại TPHCM (được hiểu bao gồm trường tư thục, song ngữ, quốc tế) phát triển không ngừng tại TPHCM và các thành phố lớn đáp ứng nhu cầu cho con theo học của phụ huynh. 

Tùy mô hình, học phí các trường ngoài công lập muôn hình vạn trạng. Tại TPHCM, có trường tư thục học phí chỉ vài chục triệu đồng/năm cho đến mức cao nhất lên đến cả tỷ đồng tại trường quốc tế. 

Cho con học công hay học tư luôn kéo theo những tranh cãi không hồi kết giữa các quan điểm giáo dục của phụ huynh. Nằm giữa những tranh cãi đó, vẫn luôn có những cuộc "di dân" chuyển trường của học sinh. Đặc biệt sau mỗi mùa hè, khi chuẩn bị vào năm học mới là giai đoạn xáo trộn nhiều nhất ở các học khi học sinh chuyển trường.  

Tùy quan điểm giáo dục, nhu cầu và điều kiện, có người chuyển con từ trường công sang tư, hoặc trường tư sang trường công hay chuyển trong cùng hệ thống với nhau. 

Với trải nghiệm của mình, chị Phan Thu Dịu cho hay, nếu xác định cho con học tư thục, đặc biệt các mô hình song ngữ, quốc tế có học phí đắt đỏ, bố mẹ cần "có sẵn thật nhiều tiền, tiền phải cả rổ".

Phụ huynh cần lên kế hoạch dài hơi, sẵn khoản tài chính dành cho tiền học của con, lường trước cả những biến cố có thể xảy ra tránh trường hợp phải chuyển trường vì... hết tiền như nhà chị. 

Trường hợp bất đắc dĩ phải chuyển trường, đặc biệt lại chuyển vì tiền, chị Dịu cho rằng bố mẹ cần có sự chuẩn bị tâm lý thật kỹ lưỡng cho con. Với nhiều đứa trẻ, chuyển trường là "chuyện nhỏ" nhưng có với nhiều bé khác, có thể là cú sốc không dễ hồi phục. 

Theo Hoài Nam/ Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-me-rut-con-khoi-truong-quoc-te-tien-hoc-tha-de-mua-can-ho-20230727070636378.htm

  • Từ khóa

Sinh viên trường được doanh nghiệp "ưng nhất" khó đạt loại khá, giỏi?

Chỉ hơn 66% sinh viên của trường đại học được các nhà tuyển dụng phía Nam "ưng" nhất khi tuyển dụng xếp loại học lực khá, giỏi, xuất sắc.
08:43 - 27/04/2024
547 lượt xem

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năm 2024

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo nhằm giúp thí sinh có nguyện vọng đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024 có căn cứ để nghiên cứu,...
15:33 - 26/04/2024
952 lượt xem

16 sinh viên học vượt tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhận bằng tốt nghiệp

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM trao bằng tốt nghiệp cho 1.053 sinh viên, trong đó 16 SV học vượt (3,5 năm) với thành tích cao.
14:28 - 26/04/2024
969 lượt xem

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội được công nhận nhãn hiệu độc quyền

Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ vừa công nhận đăng ký nhãn hiệu HSA kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) theo quyết...
10:50 - 26/04/2024
1,073 lượt xem

Những điểm mới cần nhớ khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang đăng ký thử và sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chính thức ngay sau kỳ nghỉ lễ 30.4 (từ 2 - 10.5). Để đảm...
09:23 - 26/04/2024
1,086 lượt xem