Giới quan sát đã đặt câu hỏi vì sao Trung Quốc một mặt tuyên bố họ không giấu diếm điều gì liên quan tới Covid-19 nhưng mặt khác vẫn phản đối một cuộc điều tra quốc tế độc lập về dịch bệnh.
Trung Quốc đang đối mặt với ngày càng nhiều lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về Covid-19 (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo The Hill, chuyên gia Brahma Chellaney, một học giả có uy tín của trung tâm Nghiên cứu Chính sách CPR (Ấn Độ) đã đặt ra câu hỏi nói trên. Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc phản đối điều tra có thể vì họ lo ngại phản ứng mạnh mẽ từ quốc tế, bao gồm cả việc các nước đòi bồi thường vì thiệt hại to lớn sau khi dịch bệnh kết thúc.
Tầm quan trọng của cuộc điều tra
Trung Quốc trong thời gian qua khẳng định họ hoàn toàn minh bạch về đại dịch khởi phát từ Vũ Hán, Hồ Bắc. Tới nay dịch đã lây lan ra toàn cầu, khiến hơn 3,7 triệu người nhiễm bệnh, và trên 263.000 người chết, cùng với hàng loạt các hệ lụy về kinh tế, xã hội. Covid-19 được xem là một trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của thế giới.
Việc điều tra đại dịch Covid-19 là một nhiệm vụ rất quan trọng vì đây không phải là lần đầu tiên có một đại dịch khởi phát từ Trung Quốc, theo ông Chellaney. Năm 2002-2003, việc Trung Quốc chậm công bố thông tin về sự bùng phát của dịch SARS đã khiến dịch lây lan ra toàn cầu. Chính vì vậy, việc hiểu được rõ ràng về SARS-CoV-2 là thiết yếu để thế giới có thể rút ra bài học nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng y tế tương tự trong tương lai.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đồng tình với điều trên. Chính đại diện của tổ chức này ở Trung Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối không WHO tham gia vào cuộc điều tra nội bộ do Trung Quốc tiến hành.
Mặt khác, theo ông Chellaney, Trung Quốc dường như không hồi đáp một cách đầy đủ về những câu hỏi đơn giản nhất. Ví dụ, vì sao Trung Quốc chặn các chuyến bay đi từ Vũ Hán tới phần còn lại của đất nước khi dịch bùng phát, nhưng vẫn cho các chuyến bay quốc tế hoạt động? Hay vì sao Trung Quốc gần đây được cho đã tác động làm giảm bớt các cuộc nghiên cứu chuyên sâu hơn của các nhà khoa học trong nước về dịch bệnh?
Giới chức Trung Quốc cũng đã đóng cửa một phòng thí nghiệm ở Thượng Hải một ngày sau khi cơ sở này công bố bộ gen của SARS-CoV-2 hôm 12/1. Trung Quốc dường như không chia sẻ bất cứ mẫu virus sống nào với thế giới bên ngoài, theo ông Chellaney. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, “điều này khiến việc truy tìm sự phát triển của dịch bệnh trở nên bất khả thi”.
Ông Chellaney nói thêm, Trung Quốc dường như chưa cho phép chuyên gia nước ngoài tới các bất cứ cơ sở nghiên cứu nào của nước này, bao gồm cả viện Virus học Vũ Hán - nơi bị nghi là điểm khởi phát của dịch.
Lý do Trung Quốc từ chối điều tra
Điều tra về nguồn gốc của Covid-19 có ý nghĩa quan trọng với thế giới trong ngăn chặn những đại dịch tương tự xảy ra trong tương lai (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo ông Chellaney, nếu Bắc Kinh tự tin rằng họ minh bạch, một cuộc điều tra sẽ là cơ hội để họ chứng tỏ với thế giới điều này.
Trung Quốc lại nhiều lần từ chối thẳng thừng lời kêu gọi điều tra từ châu Âu, từ Australia. Bắc Kinh nói rằng những lời kêu gọi như vậy sẽ thất bại, vì thế giới phải tránh việc “đổ lỗi, quy trách nhiệm và những cách tiếp cận không xây dựng khác”.
Thậm chí, một nhà ngoại giao Trung Quốc cảnh báo về viễn cảnh người tiêu dùng nước này sẽ tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của Australia nếu Canberra kiên quyết kêu gọi điều tra.
Trong khi các nước G7, Ấn Độ và một số quốc gia khác đang cân nhắc các biện pháp cải tổ WHO, Trung Quốc quyết định rót thêm 30 triệu USD tài trợ cho tổ chức này.
Theo chuyên gia Chellaney, chiến lược chi tiền dường như sẽ không thể sẽ không giúp Trung Quốc trong việc lôi kéo sự quan tâm của dư luận quốc tế về một cuộc điều tra cần thiết. Thậm chí, động thái này còn có thể làm gia tăng hoài nghi từ cộng đồng quốc tế với Trung Quốc.
Ông Chellaney cho rằng Trung Quốc có thể lo lắng rằng khi cuộc khủng hoảng y tế chấm dứt, các cộng đồng và quốc gia bị ảnh hưởng do dịch có thể tính toán thiệt hại và đòi Trung Quốc bồi thường. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết họ đang xem xét yêu cầu Trung Quốc “bồi thường lớn” với hàng loạt các cáo buộc chống lại Bắc Kinh.
Ông Chellaney nhận định, Bắc Kinh dường như đang muốn xây dựng hình ảnh về một quốc gia “lãnh đạo toàn cầu” trong chống dịch. Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, khi các chỉ trích hướng về Trung Quốc ngày càng gia tăng, cách duy nhất mà Bắc Kinh có thể làm để không gây tác động tiêu cực tới hình ảnh quốc gia là cho phép một cuộc điều tra quốc tế độc lập diễn ra.
Ông cũng cảnh báo nếu Trung Quốc kiên quyết từ chối đến cùng lời kêu gọi, họ có thể đối diện với những hệ lụy chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, và có thể liên quan tới việc các nước tính tới phương án rút các công ty và chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi quốc gia tỷ dân. Hành động khuyến khích doanh nghiệp rời Trung Quốc mà Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đang đưa ra gần đây dường như phần nào phản ánh xu hướng này, theo ông Chellaney.
Theo Đức Hoàng/Dân trí
Nguồn The Hill
https://dantri.com.vn/the-gioi/ly-do-trung-quoc-phan-doi-dieu-tra-covid-19-du-tuyen-bo-minh-bach-20200507150910661.htm