Quảng Ninh tiếp tục giành vị trí thứ nhất (năm thứ 3 liên tiếp) trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019 (PCI 2019). Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng nhất để đón nhận dòng đầu tư mới.
Quảng Ninh tiếp tục giành vị trí thứ nhất PCI cấp tỉnh Ảnh: Lê Hữu Việt
Top 10 ít thay đổi
Ngày 5/5, VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố trực tuyến báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019.
Đây là lần công bố thứ 15, kể từ ngày chỉ số PCI ra đời và điều tra lần này diễn ra trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19. PCI 2019 dựa trên khảo sát từ gần 12.500 DN, trong đó có khoảng 11.000 DN tư nhân trong nước và trên 1.500 DN FDI tại 21 địa phương tại Việt Nam.
Theo kết quả công bố, Quảng Ninh tiếp tục là “sao sáng” với năm thứ ba liên tiếp đứng ở vị trí “quán quân” PCI 2019, tiếp đó là Đồng Tháp, Vĩnh Long và Bắc Ninh. Đồng Tháp là địa phương có 12 năm liên tiếp đứng trong Top 3, dẫn đầu về PCI.
“Các địa phương sẽ có cơ hội vàng để đón nhận các dòng vốn đầu tư mới với chất lượng cao hơn. Và cải cách thể chế, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng nhất để chúng ta đón nhận dòng đầu tư đó”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc |
Về các vị trí về bét, “đội sổ” trong bảng xếp hạng PCI 2019 thuộc các tỉnh: Lai Châu, Đắk Nông, Bình Phước, Hà Giang và Bắc Kạn. Đây cũng là những địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên ...còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế thời gian qua.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, PCI 2019 ghi nhận tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương gia tăng, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, tính minh bạch được cải thiện; cải cách hành chính có kết quả tích cực…
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thì ví von, PCI 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam. PCI 2019 đã thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố.
Bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn. Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80 % DN bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền”,
ông Lộc nói.
Theo Chủ tịch VCCI, niềm tin của DN được tiếp tục khơi dậy, khi thời điểm tiến hành khảo sát PCI (giữa năm 2019), có trên 50% DN trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cho rằng, điều chưa được như mong đợi là những “ngôi sao”cải cách thời gian qua vẫn chưa có được những bứt phá nào đáng kể.
Hơn 50% DN phải chi để “bôi trơn”
Theo điều tra PCI 2019, DN gặp khó khăn nhất ở khâu tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, tìm kiếm nhân sự thích hợp, tìm kiếm đối tác kinh doanh và nỗi lo về biến động thị trường. Các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn so với các DN lớn.
Khó khăn của DN chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm 2020 và thời gian tới bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch COVID-19. Nhiều DN đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản.
PCI 2019 cũng cho thấy một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà.
Có gần 60% DN có công trình xây dựng trong hai năm qua cho biết, họ gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng.
Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây, nhưng vẫn còn cao. PCI 2019 cho thấy, vẫn có tới 53,6% số DN phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Điều này cho thấy, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng dường như vẫn còn không ít thách thức.
Tỷ lệ DN phải chi trả trên 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức năm 2019 là 7,5%, tăng nhẹ so với con số 7,1% của năm 2018.
Tỷ lệ DN cho biết có chi trả loại chi phí “bôi trơn” cho cán bộ thanh, kiểm tra vẫn nằm ở mức gần 40% như con số điều tra năm 2018. Hay với các DN FDI, điều tra PCI cho thấy, có 48% số DN từng chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, với mức chi trả trung bình 24 triệu đồng/giấy phép.
Theo nhóm nghiên cứu, con số trên có thể chưa phản ánh đúng mức chi phí thực tế, chưa tính đến DN FDI đã bỏ qua việc xin cấp giấy phép xây dựng do e ngại vấn đề chi phí không chính thức.
Chủ tịch VCCI cho rằng, đang có hiện tượng “đụng trần” thể chế khi luật pháp chồng chéo, bất cập đang gây rủi ro cho những nỗ lực sáng tạo để vượt lên.
Nói về phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, ông Lộc cho rằng, các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn.
“Các địa phương sẽ có cơ hội vàng để đón nhận các dòng vốn đầu tư mới với chất lượng cao hơn. Và cải cách thể chế, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng nhất để chúng ta đón nhận dòng đầu tư đó”, ông Lộc nói.
Theo Phạm Anh/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/no-luc-cai-thien-don-co-hoi-vang-thu-hut-dau-tu-1653331.tpo