Bà Margot Machol Bisnow cho biết, khi viết cuốn sách Nuôi dạy doanh nhân, bà đã trò chuyện với 70 bậc cha mẹ, những người đã nuôi dạy những người con thành công.
Margot Machol Bisnow là một tác giả, cựu quan chức chính phủ Mỹ. Bà là cựu ủy viên của Ủy ban Thương mại Liên bang dưới thời các Tổng thống Ronald Reagan và George H. W. Bush, đồng thời bà từng làm việc cho Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Reagan.
Với kinh nghiệm 20 năm làm việc trong chính phủ Mỹ, bà Margot Machol Bisnow đã xuất bản nhiều cuốn sách bán rất chạy ví như: Nuôi dạy doanh nhân: 10 quy tắc nuôi dưỡng, giải quyết vấn đề và thay đổi.
Bà Margot Machol Bisnow cho biết, khi viết cuốn sách Nuôi dạy doanh nhân, bà đã trò chuyện với 70 bậc cha mẹ, những người đã nuôi dạy những người con thành công.
"Khi tôi hỏi họ đã dạy những kỹ năng gì cho con mình khi còn nhỏ, có một điều đặc biệt mà tất cả đều đồng ý đó là sự tò mò.
Sự tò mò còn đi xa hơn một mong muốn đơn giản là muốn biết một điều gì đó. Nó liên quan đến việc cố gắng sửa chữa một cái gì đó. Đó là vấn đề liên quan đến việc đặt câu hỏi: Cái này hoạt động như thế nào? Nó có phải theo cách này không? Tôi có thể làm cho nó tốt hơn không?", bà Margot Machol Bisnow nói.
"Đáng ngạc nhiên, sự tò mò là một kỹ năng hiếm có ngày nay. Các chuyên gia nghề nghiệp thậm chí còn gọi nó là một "kỹ năng đang phát triển" và các nhà nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard gọi nó là một đặc điểm rất được săn đón trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Sự tò mò cho phép người ta suy nghĩ sâu sắc và chín chắn hơn, không cần phán xét quá nhanh và đưa ra các giải pháp sáng tạo hơn.
Dưới đây là cách mà các bậc cha mẹ mà tôi đã phỏng vấn nuôi dưỡng sự tò mò ở con cái họ".
Bà Margot Machol Bisnow (trái) khuyến khích cha mẹ giúp con cái phát triển trí tò mò (Ảnh: Youtube, iStock).
Họ khuyến khích con cái sửa chữa mọi thứ
Năm 24 tuổi, Robert Stephens thành lập Geek Squad, một công ty mà sau này anh đã bán với giá 3 triệu USD.
Robert tò mò về cách mọi thứ bắt đầu hoạt động từ khi anh còn là một cậu bé. Khi còn nhỏ, Robert tháo gỡ tất cả các tay nắm cửa trong nhà. Robert nói: "Bố mẹ tôi không tức giận, họ chỉ nói rằng tôi phải lắp chúng trở lại".
Robert Stephens nhanh chóng trở thành người sửa chữa mọi thứ trong gia đình. Anh nói: "Tôi đã tháo rời một chiếc radio để nghiên cứu nó. Mọi người thường nói: "Robert có thể sửa chữa bất cứ cái gì". Điều đó cho tôi cảm giác tự hào và tự tin".
Sửa chữa mọi thứ có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề. Nếu bạn có thứ gì đó trong nhà cần sửa chữa, chẳng hạn như bóng đèn hỏng hoặc vòi nước bị rò rỉ, hãy sử dụng nó như một cơ hội dạy dỗ đối với con bạn.
Họ truyền sự tự tin để con giải quyết các vấn đề lớn trong thế giới thực
Jessica Jackley là người đồng sáng lập Kiva, một tổ chức phi lợi nhuận cho phép những người thu nhập thấp, các công ty ít vốn hoặc sinh viên ở hơn 70 quốc gia trên thế giới có thể vay tiền qua Internet. Kiva đã cho các doanh nghiệp nhỏ vay hơn một tỷ USD.
Jessica Jackley chia sẻ: "Mẹ tôi đã bồi đắp sự tự tin cho tôi mỗi ngày. Bà ấy nói với tôi rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì mà tôi muốn làm, cho dù tôi có thể sẽ không đạt được thành công lớn. Và theo những cách rất cụ thể, chúng tôi sẽ nói về các cơ hội lãnh đạo khác nhau.
Tôi và mẹ luôn học mọi thứ cùng nhau, chơi trò chơi, khám phá hoặc có những cuộc phiêu lưu nhỏ. Thái độ sống đó đã chuẩn bị cho tôi trở thành một doanh nhân, người luôn chủ động và nhìn thấy những cơ hội trên thế giới".
Dạy con là quá trình dài đòi hỏi nhiều nỗ lực từ cha mẹ (Ảnh: Vecteezy).
Họ hỏi những câu hỏi khó
Ellen Gustafson nổi tiếng trong vai trò đồng sáng lập Dự án FEED vào năm 2007, dự án chuyên bán túi xách và các vật dụng khác để gây quỹ cho các bữa ăn ở trường học. Ngày nay, cô ấy là một nhà lãnh đạo tư tưởng về đổi mới xã hội.
Bà Maura, mẹ của Ellen cho biết, khi con gái bà còn nhỏ, thay vì luôn nói với Ellen phải làm gì, bà Maura khuyến khích con tự lập và tự suy nghĩ. "Cách tốt nhất để làm điều đó là đặt câu hỏi cho chúng", bà Maura nói.
Ví dụ khi con bạn quyết định ra ngoài trời khi có sấm chớp. Bạn có thể hỏi con rằng: "Con đã đặt mình vào một tình huống rất rủi ro. Con phân tích nó như thế nào?" hoặc "Điều gì đã khiến con quyết định làm vậy?".
Những câu hỏi thông minh cho thấy rằng bạn tôn trọng phán đoán của con mình, điều này giúp chúng xây dựng sự tự tin. Nó cũng dạy cách quản lý rủi ro và cách lựa chọn giữa các khả năng khác nhau với những sự đánh đổi và kết quả khác nhau.
Theo Vĩnh Ngọc/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nhung-nguoi-con-thanh-cong-duoc-cha-me-day-ky-nang-nay-khi-con-nho-20221108125250407.htm