Cả trong giấc mơ, những bạn trẻ ấy vẫn không nghĩ có ngày mình mở doanh nghiệp, tự kinh doanh… và trở thành các startup, đưa “đứa con tinh thần” của mình đi thi khởi nghiệp.
Bạn Lê Ngọc Thảo quyết khởi nghiệp từ nước mắm để giữ nghề truyền thống xứ Gò
“Thảo Mắm” và khát vọng vươn tầm
Gặp Lê Ngọc Thảo (29 tuổi, quê Tiền Giang) tại cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp vừa tổ chức tại TPHCM, cô say sưa kể chuyện làm mắm tôm chà, rồi “rủ rê” khách tham quan thử loại mắm này. Cứ nghĩ cô gái trẻ này “mê mắm” từ trong máu, nhưng Thảo thừa nhận: “Gia đình có hơn 70 năm sống bằng nghề làm mắm nhưng tôi không cho bạn bè biết nhà mình có nghề này. Từ hồi đi học phổ thông chúng bạn gọi là “Thảo Mắm”, tôi ghét cay, ghét đắng cái biệt danh này”.
Tốt nghiệp đại học, đi làm, Thảo có cơ hội đến nhiều quốc gia, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực khắp mọi nơi… Thảo nhận ra mỗi quốc gia đều có một món ăn để họ tự hào, còn Việt Nam có nhiều mà chưa được nhiều người biết đến.
Đầu năm 2020, do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến công việc, Thảo về quê đúng lúc gia đình đang bắt tay làm mẻ mắm mới. Bỗng, cái mùi mắm dân dã năm xưa mà cô luôn muốn chối bỏ… dậy hương, như thôi miên cô. Những kỷ niệm về mắm, hình ảnh ngoại tỉ mỉ bên từng mẻ mắm ùa về. “10 năm xa quê và từ chối mắm, giờ tôi muốn trở thành “thế hệ nối tiếp” của một ngành nghề truyền thống. Tôi muốn đưa mắm Xứ Gò lên bản đồ ẩm thực thế giới. Tháng 7/2020, tôi bắt đầu khởi nghiệp với thương hiệu mắm Khổng Tước Nguyên” - Thảo chia sẻ.
Để làm ra được mắm thành phẩm, Thảo cho biết phải sơ chế nguyên liệu, ủ mắm lên men, chà mắm, phơi mắm, kiểm tra/ngửi mắm, đóng lọ bảo quản… Hiện giai đoạn chà thủ công đã được ứng dụng bán công nghệ trong một hệ thống khép kín để giữ cho chất lượng tươi ngon và tránh nhiễm tạp khuẩn nhất có thể. “Chỉ cần đặt tâm huyết của mình vào làm, mọi mẻ mắm đều ngon”, Thảo nói.
Biến lốp xe cũ thành những sản phẩm độc đáo
Câu chuyện khởi nghiệp đến với thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng (dạy thể dục Trường THCS Thành Thới A, tỉnh Bến Tre) như một cái duyên. Thầy Hoàng khởi nghiệp với những bộ bàn ghế độc đáo hay những chậu hoa kiểng được làm từ lốp xe bỏ đi. “Đây đều là sản phẩm do phụ huynh của một học sinh trong lớp tôi phụ trách làm ra. Thấy sản phẩm đẹp, tôi xin chụp hình đăng Facebook. Không ngờ nhiều người thích và hỏi mua. Thế là chúng tôi hợp tác kinh doanh từ đầu năm 2020 tới đây”, thầy Hoàng chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, hơn 200 chậu hoa, gần 10 bộ bàn ghế từ vỏ xe cũ đã được khách hàng đặt mua hết. Đa số khách hàng là chủ các quán cà phê muốn tạo phong cách riêng cho quán mình. Nhiều trường học cũng đặt hàng để trồng hoa, bài trí trong khuôn viên trường lớp.
“Vỏ xe cũ tồn đọng, chưa có hướng xử lý tại các tiệm sửa xe lâu nay, thậm chí có nơi đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi đưa chất liệu dừa kết hợp vào các vỏ xe cũ này, để trang trí thêm cho sản phẩm bắt mắt hơn. Hướng đi lâu dài sẽ là nâng tầm lên thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Với nhiều đơn hàng được đặt, chúng tôi sẽ mướn thêm thợ để gia công từng công đoạn, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương”, thầy Hoàng cho biết.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng vẫn không tin có ngày mình đi khởi nghiệp
Về quê làm hóa mỹ phẩm
Đang có việc làm tại TPHCM nhưng lại đam mê làm vườn, chị Hà Thị Như Bình (ngụ tỉnh Đồng Nai) bàn với chồng về quê mua đất rẫy trồng cây ăn trái. Chị bộc bạch: “Tôi không chỉ đam mê với cây trái mà còn có hứng thú cả với những loại cây dược liệu, các loại cỏ dại có mùi thơm. Bởi hứng thú với mùi hương cây cỏ nên trong vườn, tôi trồng rất nhiều chanh, sả, hương nhu… Và thường dùng chúng để nấu nước tắm, gội đầu… thay thế cho các sản phẩm hóa mỹ phẩm hiện hành”.
Dần dần, chị học cách điều chế, tách chiết tinh dầu từ thiên nhiên để tạo thành sản phẩm tẩy tế bào chết, làm sạch da, sản phẩm dưỡng ẩm… Nói thì dễ nhưng làm không hề đơn giản, chị tự tìm tài liệu từ sách vở, internet, các website nước ngoài để học cách làm mỹ phẩm thủ công từ thiên nhiên.
“Mỗi lần nghiên cứu, mỗi lần đọc tài liệu, mỗi lần thử nghiệm là quá trình tôi phải tập trung cao độ. May mắn, chồng luôn hiểu và ủng hộ ý tưởng của tôi nên mọi việc trong nhà đến chăm sóc con cái, anh đều đảm nhận để tôi có thể chuyên tâm thực hiện ý tưởng của mình”, chị Bình chia sẻ. Các sản phẩm sau khi thành hình đều được chị gửi lên TPHCM để kiểm tra về độ an toàn của sản phẩm trước khi sử dụng.
Hiện tại, chị đã tạo ra sản phẩm nước rửa mặt, dầu gội đầu, kem dưỡng ẩm, sáp bôi trị côn trùng cắn dành cho em bé… và ký gửi cho một công ty dược phân phối.
“Ngoài mong muốn phát triển thêm các loại sản phẩm vệ sinh, chăm sóc da dành cho các đối tượng, tôi đang ấp ủ dự định sẽ thực hiện các workshop (trao đổi kiến thức) và du lịch trải nghiệm. Theo đó, du khách đến với vườn, ngoài tham quan sẽ được hướng dẫn tự làm các sản phẩm chăm sóc da từ các nguyên liệu tự nhiên trong căn bếp dành riêng cho khách”, chị Bình kỳ vọng.
“Các bạn khởi nghiệp mà biết đổi mới sáng tạo sẽ có nhiều cơ hội hơn người khác. Vừa qua dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều nhất đến khâu kết nối khách hàng, do đó chỉ cần giải quyết tốt khâu tiếp thị, cách thu hút khách hàng thì các bạn vẫn có cơ hội. Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp nhưng đối với khởi nghiệp sáng tạo, thì đây lại là cơ hội để các bạn trẻ chứng minh khả năng của mình”.
Chuyên gia Trần Anh Tuấn,
Giám đốc Công ty Tư vấn Người mở đường (The Pathfinder)
Theo Uyên Phương/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/gioi-tre/nhung-tay-mo-khoi-nghiep-ke-chuyen-1731140.tpo