Dù có tổng thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng nhưng vợ chồng trẻ này vẫn không đủ chi tiêu khi sống giữa Hà Nội. Ngược lại họ vẫn phải cầu viện người nhà tài trợ cho 2-3 triệu/tháng mới đủ sống.
Với nhiều người, có tiền ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều. Song với nhiều cặp vợ chồng trẻ sống giữa thủ đô như vợ chồng anh Tuấn, chị Thúy ở Long Biên, Hà Nội dù chi tiêu tiết kiệm nhất có thể nhưng mỗi tháng do tiền lương quá ít ỏi nên vẫn phải nhờ người thân tài trợ.
Kết hôn 2 năm nay nhưng vợ chồng Tuấn - Thúy đã có con gái nhỏ hơn 1 tuổi. Do đó, sau khi đám cưới khoảng 4 tháng thì chị Thúy nghỉ làm vì quá nghén và mệt mỏi khi mang bầu. Từ đó chị Thúy không làm ra thu nhập, ở nhà chồng nuôi hoàn toàn.
Chồng chị Thúy là nhân viên kỹ thuật tại một siêu thị điện máy, lương của anh được 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, vợ chồng chị phải chi tiêu hàng tháng đủ các khoản, từ tiền thuê nhà, tiền nuôi con, tiền ăn… Bởi thế, chưa tháng nào chị Thúy chi tiêu đủ.
Riêng khoản tiền mua sữa và các đồ ăn vặt cho con, chị Thúy cho biết từ ngày sinh con đến giờ, anh chị vẫn phải nhờ tới sự trợ giúp của mẹ chồng chị. Ảnh minh họa.
Cụ thể, hàng tháng, vợ chồng trẻ này chi tiêu cố định những khoản sau:
- Tiền thuê phòng trọ: 2,5 triệu đồng
- Tiền điện nước: 500-1 triệu đồng/tháng (tháng mùa hè do bật điều hòa nhiều nên tiền điện nước thường tăng lên gấp đôi)
- Tiền gas: 150 ngàn đồng (2 tháng hết 1 bình gas nên tính ra tiền gas như vậy)
- Tiền ăn: 4 triệu đồng/tháng
- Tiền xăng xe, điện thoại: 500 nghìn/tháng
Nhà có 3 người, 2 mẹ con chị Thúy lại ăn ngày 3 bữa tại nhà. Tuy nhiên chị Thúy vẫn cố gắng tằn tiện ngày tiêu 100 ngàn đồng/tiền thức ăn. Vì số tiền chi tiêu có hạn nên người phụ nữ này cũng chẳng dám mua đồ ngon để ăn.
- Tiền chi tiêu cưới hỏi, ma chay, con ốm: 2 triệu
Vì nhà có con nhỏ nên bé nhà chị Thúy rất hay ốm đau. Cứ mỗi lần con sốt, đau họng, táo bón đi khám, người mẹ trẻ này lại mất 1 khoản vài trăm ngàn.
Chưa kể, nhà ở quê của 2 vợ chồng và nơi làm việc của chồng thường xuyên có những việc ma chay, cưới xin, sinh nhật.
Do đó, những lúc như vậy, chị Thúy cũng thường gửi tiền mừng, tiền lễ nhờ đi thăm viếng hộ nếu không đi được.
- Tiền mua sữa và đồ ăn vặt cho con: 2-3 triệu
Riêng khoản tiền mua sữa và các đồ ăn vặt cho con, chị Thúy cho biết từ ngày sinh con đến giờ, anh chị vẫn phải nhờ tới sự trợ giúp của mẹ chồng chị.
"Mẹ chồng mình chỉ ở quê làm ruộng thôi nhưng thương con cháu nên hàng ngày bà trồng thêm rau, chăn nuôi gà vịt bán. Mỗi tháng bà nội của cháu thường gửi lên cho vợ chồng mình 2-3 triệu để hỗ trợ các con chi tiêu thêm. Thật lòng mình không muốn nhận viện trợ của bà chút nào. Nhưng nếu không nhận thì không biết xoay xở ra sao", chị Thúy buồn thú nhận.
Từ ngày lấy nhau, vợ chồng chị Thúy chưa từng dám đi ăn nhà hàng hay tính chuyện du lịch mỗi khi nghỉ hè, ăn uống cũng hết sức đơn giản. Ảnh minh họa
Người phụ nữ này cho biết, nhiều lần chị đã nghĩ tới việc đi làm trở lại sau sinh nhưng sau khi cân nhắc, chị lại chưa dám quyết: "Lương của chồng mình mỗi tháng được chừng đó. Lương của mình đi làm cũng chỉ được khoảng 5 triệu/tháng. Trong khi đó, nếu đi làm, tiền thuê người trông con cũng gần hết. Chưa kể giao con nhỏ cho người khác, mình cũng không yên tâm. Vì vậy mình vẫn chưa thể đi làm thời điểm này".
Chia sẻ về việc dù đã chi tiêu tằn tiện hết sức có thể vẫn phải trơ mặt nhận viện trợ dài hạn từ mẹ chồng mỗi tháng 2-3 triệu đồng, chị Thúy than thở: "Từ ngày lấy nhau, vợ chồng mình chưa từng dám đi ăn nhà hàng hay tính chuyện du lịch mỗi khi nghỉ hè. Bởi được đồng nào chi tiêu hà tiện nhất có thể. Dư ra được ít nào thì con ốm, lại đập hết vào tiền thuốc thang. Có lẽ phải đợi khi con lớn, mình đi làm trở lại mới mong chấm dứt được viện trợ từ bà nội cháu".
Theo Minh Anh/ Pháp Luật Và Bạn Đọc
http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/thu-nhap-moi-thang-10-trieu-dong-doi-vo-chong-o-ha-noi-van-phai-nhan-them-vien-tro-tu-bo-me-moi-thang-2-trieu-thi-moi-du-chi-tieu-162201409073004931.htm