Tôi xin lỗi vì đã ngăn cản mẹ bồng bế cháu suốt một năm qua do sợ hãi.
Mẹ chồng tôi có thần kinh không được bình thường như mọi người. Hồi trước tôi đã suy nghĩ, đắn đo rất nhiều mới quyết định về làm dâu nhà anh. Tất cả cũng vì mẹ anh lúc tỉnh táo như người bình thường nhưng có lúc lại mơ mơ màng màng hành xử bất thường. Chồng tôi kể sau khi bố anh mang hết của cải trong nhà đi theo người đàn bà khác, mẹ anh sốc quá nên bị sang chấn tâm lí chứ trước đây bà rất bình thường. Anh thương mẹ lắm. Anh hay kể cho tôi nghe những đau khổ, vất vả, cực nhọc mà mẹ phải gánh chịu khi còn chung sống với bố và mong tôi hãy bao dung, nhẫn nhịn với mẹ.
Thời gian đầu, tôi cũng khó chịu lắm khi mẹ chồng suốt ngày ca hát rồi lẩm bẩm trong nhà. Nhưng rồi tôi cũng quen. Chỉ cần cho mẹ uống thuốc đầy đủ, đi khám định kì và tạo tâm lí thoải mái thì mẹ vẫn sẽ bình thường, còn có thể quét nhà, nhổ cỏ vườn, chăm sóc hoa.
Mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn đến nếu tôi không mang thai. Khi đó, lúc nào tôi cũng sợ hãi mẹ chồng. Bà đi lang thang ngoài đồng, bắt ếch, bắt cá đồng về nấu cho tôi ăn. Mà bà không nấu được bếp gas nên phải nấu bằng củi, có lần còn suýt làm cháy cả nhà bếp. Sau đó, chồng tôi theo can mãi, bà mới thôi nấu đồ ăn cho tôi. Mà những món đó, tôi cũng có ăn được đâu.
Rồi bà còn may vá đồ đạc cho tôi. Nhưng vì không bình thường nên bà dùng kéo cắt cả tấm rèm trong phòng ngủ rồi may thành cái váy bầu cho con dâu. Nhìn tấm rèm mấy triệu bạc bị cắt nham nhở mà tôi chẳng biết nên khóc hay nên cười. Sau lần đó, tôi bàn với chồng việc đưa mẹ vào viện dưỡng lão nhưng anh chần chừ không đồng ý.
Bà hôn cháu, nựng nịu rồi lấy ra tấm áo nhăn nhúm ướm lên người con trai tôi. (Ảnh minh họa)
Khi sinh con, vì sợ mẹ sẽ có những hành động quá khích nên chồng tôi thuê một cô trong xóm đến làm giúp việc để vừa chăm tôi vừa coi chừng mẹ. Tôi ở trong phòng, mẹ cứ gõ cửa suốt. Mở cửa ra, bà nhìn cháu rồi cười ngây ngô. Bà còn đi hái hoa về cắm trong nhà cho thơm. Quần áo cháu, cô giúp việc đi giặt rồi bà đi phơi. Nhìn bà cặm cụi phơi từng cái khăn, cái áo nhỏ xíu mà tôi thấy thương bà.
Từ khi có cháu, mẹ chồng tôi cũng bình thường hơn trước. Bà có thể hỏi tôi đã ăn sáng chưa, thích ăn gì, rồi còn đòi bế cháu nhưng tôi không cho. Suốt một năm như vậy, mẹ càng lúc càng chuyển biến tốt lên, ít cười nói vu vơ, ít ca hát ầm ĩ vì sợ cháu không ngủ được.
Đêm qua, tôi bồn chồn lo lắng chuẩn bị ngày thôi nôi của con nên không thể ngủ được. Tôi đi xuống lầu đun ít nước nóng để sáng ra pha sữa cho con thì thấy phòng mẹ chồng vẫn còn sáng đèn dù đã hơn 3 giờ sáng. Tò mò, tôi nhìn qua khe cửa thì chết lặng khi thấy mẹ đang cặm cụi may một tấm áo nhỏ xíu. Bà vừa may vừa cười ngây ngô, đôi lúc còn đưa áo lên ngắm nghía rồi hôn cái áo một cái. Tôi về phòng, tâm trạng vừa vui vừa hạnh phúc.
Chiều nay là ngày thôi nôi con tôi. Tôi đưa cháu cho mẹ bế. Bà hôn cháu, nựng nịu rồi lấy ra tấm áo nhăn nhúm ướm lên người con trai tôi. Tôi ôm lấy mẹ, nói lời xin lỗi. Tôi xin lỗi vì đã ngăn cản mẹ bồng bế cháu suốt một năm qua do sợ hãi. Xin lỗi vì đã nhiều lần bắt ép chồng đưa mẹ vào viện dưỡng lão.
Chồng thấy tôi thay đổi thì mừng lắm. Anh nói tôi nên để mẹ được gần gũi cháu nhiều hơn. Nghe thế, trong lòng tôi lại dâng lên nỗi sợ hãi vô hình. Lỡ như mẹ lại lên cơn, không kiểm soát được bản thân thì con tôi sẽ gặp nguy hiểm. Tôi nên làm thế nào để giúp mẹ nhanh chóng bớt bệnh mà không ảnh hưởng đến con mình đây?
Theo N.T.M.H/ Pháp Luật Và Bạn Đọc
http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/sinh-con-xong-toi-khong-de-me-chong-be-chau-den-ngay-thoi-noi-nhin-ba-tang-chau-chiec-vay-nhan-nhum-ma-toi-bat-khoc-223779