Thùng rác của gia đình bạn sẽ không chứa chất thải từ thực phẩm bởi nếu bạn khéo léo sử dụng chúng, bạn sẽ sở hữu nguồn phân bón tuyệt vời cho cây. Đặc biệt hơn là bạn đang góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình cũng như môi trường sống xung quanh mình
Thực phẩm thừa sau khi sử dụng nếu bỏ vào bên trong thùng rác có thể gây thối rữa, có mùi hôi khó chịu. Bạn có thể không lãng phí nguồn rác thải này bằng nhiều cách khác nhau.
Nếu như các đồ dùng không còn sử dụng với chức năng chính như chai, lọ, hộp nhựa... có thể tái chế trang trí nhà hoặc phân loại để bỏ vào thùng rác thì thực phẩm thừa lại là thứ chúng ta không nên lãng phí.
Tùy vào nơi sinh sống để bạn chọn lựa được phương pháp xử lý chất thải khác nhau. Chất thải thực phẩm có thể là thức ăn thừa, được sử dụng làm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, cá...
Một phần rác thải sẽ sử dụng để làm nguồn phân bón hữu cơ. Một phần còn lại bỏ vào thùng rác. Khi làm được điều đó, bạn sẽ thấy nguồn thực phẩm luân chuyển hài hòa sẽ giúp cuộc sống thêm nhiều thú vị.
Rác thải thực phẩm có thể sử dụng để làm nguồn phân bón hữu dụng hoặc thức ăn cho động vật.
Rác thải thực phẩm có thể trồng lại: Bạn sử dụng gốc rau, củ hay hạt của quả để trồng. Các loại dễ trồng và được trồng thành công rất nhiều như húng quế, bạc hà, xà lách, cà rốt, khoai tây, khoai lang...
Rác thải dùng để nuôi động vật: Các con vật được con người nuôi như chó, gà, vịt, cá... sẽ là nguồn quan trọng giúp chúng ta phân loại chất thải thực phẩm một cách đơn giản và dễ dàng nhất. Bạn có thể phân loại bằng cách chọn các rác thải thực phẩm phù hợp với nhu cầu của chúng.
Những mảnh rau, trái cây không ăn có thể chuyển sang cho gà, vịt. Các loại xương cá chuyển sang cho mèo, các loại xương lợn, gà có thể chuyển sang làm nguồn thức ăn cho chó. Những mảnh vụn thực phẩm như bánh mì... có thể bỏ xuống ao cho cá...
Tận dụng rác thải thực phẩm cũng là cách bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, bạn có thể tận dụng nguồn rác thải thực phẩm với nhiều công dụng khác nhau:
Bã cà phê được sử dụng để lau thùng chứa hoặc nồi có vết dầu mỡ, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Bạn cũng có thể dùng bã cà phê làm phân bón cho cây.
Dầu đã qua sử dụng có thể đổ vào chai để tặng cho những người sản xuất dầu diesel sinh học.
Vỏ trứng có thể dùng làm phân bón bằng cách nghiền và trộn vào đất để bổ sung khoáng chất cho đất, ngăn ốc sên không làm hại cây.
Hành tây bóc vỏ và tích lũy lại, đun sôi trong nước dùng để ngâm vải trong nửa giờ đồng hồ, bạn sẽ có ngay mảnh vải thật đẹp với màu cam đất.
Bạn cũng có thể dùng phế liệu thực phẩm để ủ cùng với phân vi sinh để tạo nên nguồn phân bón chất lượng, dùng phân bón trộn với đất tạo nên chất dinh dưỡng trồng cây.
Phân bón nước lên men sinh học có thể sử dụng để bón cây, cải tạo đất.
Làm phân bón nước lên men sinh học: Thực phẩm thừa cũng có thể là nguồn phân bón nước dễ dàng bằng cách: Sử dụng 3 phần vỏ rau hoặc trái cây trộn với 1 phần rỉ mật kèm thêm 10 lít nước. Nếu bạn thích dạng cô đặc thì không cần dùng thêm nước.
Để lên men trong thùng có nắp trong 1 tháng, thỉnh thoảng có thể mở nắp để loại bỏ khí, ngăn chặn thùng bị bục nắp. Bạn dùng chất lỏng đã lên men dạng sinh học để pha loãng với nước tưới cây. Để đẩy nhanh quá trình ủ men, có thể bỏ thêm dứa, vỏ cam, quýt, chanh...
Theo Nhật Ánh/ Nhịp Sống Việt
http://nhipsongviet.toquoc.vn/dung-bo-phi-nguon-phan-bon-huu-co-giup-cay-trong-lon-nhanh-nhu-thoi-nho-rac-thai-thuc-pham-2220206722334503.htm