Ông bố sợ con lười học nên lắp camera theo dõi, nhưng khi đứa con phát hiện, nó khó chịu và dùng mẹo "qua mặt" bố.
Khi bạn đang tập trung làm việc gì đó mà bị làm phiền, tâm trạng bạn thế nào? Thật khó chịu, đúng không? Sự gián đoạn đột ngột không chỉ phá vỡ luồng ý tưởng, mà còn khiến bạn mất một khoảng thời gian để quay lại với mạch suy nghĩ ban đầu.
Trong một chương trình truyền hình thực tế của Trung Quốc gần đây, con của một người chơi rất yêu thích màn biểu diễn kịch bằng tiếng Quảng Đông nên thường tập luyện theo, bé gái còn sử dụng điện thoại di động để ghi hình lại buổi tập và tự sửa lỗi. Mẹ cô bé thường ở bên xem con tập, nhưng đôi khi lại đưa ra lời nhận xét và đánh giá, chỉ bảo. Đối với yêu cầu của mẹ, bé gái tỏ ý kháng cự, bé nói: chỉ tại vì mẹ đến nên bé không thể tập trung tập luyện. Cuối cùng, bé chỉ đồng ý cho mẹ xem với điều kiện mẹ không được bình phẩm, không được nhận xét bất cứ điều gì nữa.
Hành vi sửa sai cho con của người mẹ khiến cho đứa trẻ rất tức giận. Đối với đứa bé, việc tập luyện theo tiết tấu của riêng chúng không chỉ giúp tự sửa lỗi, mà còn giúp cải thiện các động tác không mạch lạc. Tuy nhiên, mẹ bé gái không tin tưởng, sự góp ý lại vô tình làm gián đoạn nhịp điệu của con gái, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tập luyện của con, thậm chí trở thành sự bổ sung thừa thãi.
Xuất phát điểm của người mẹ là tốt, nhưng vì cách làm là sai, cuối cùng dẫn đến thất bại.
1. Sự không tín nhiệm của cha mẹ khiến cho trẻ hình thành tâm lý nổi loạn
Bố của cậu bé Cầu Cầu nói con trai là vua lười học, ông sợ cậu bé lười làm bài tập về nhà nên thường dùng camera để theo dõi tình hình học tập của con và đốc thúc cậu bé. Khi Cầu Cầu bị phát hiện ra lười biếng, người cha thường lập tức răn đe, ông nghĩ chỉ cách đó đứa bé mới tập trung làm bài tập. Sự giám sát của bố khiến Cầu Cầu rất tức giận, đầu óc cũng bắt đầu tính toán, mưu mẹo để tránh sự giám sát của cha.
Cựu tổng thống Pakistan Ayub Khan từng nói: "Niềm tin cũng giống như sợi dây mảnh, đã đứt là khó nối". Khi cha mẹ bắt đầu đối xử với đứa con bằng thái độ thiếu tin tưởng, dưới định kiến này của cha mẹ, trẻ nảy sinh tâm lý dễ nổi loạn, thậm chí làm những việc khiến cha mẹ thêm bất tín.
Ảnh: healthxchange.
Những đứa trẻ không được cha mẹ tin tưởng sẽ cư xử thế nào?
Một chuyên gia giáo dục phát triển của Trung Quốc nhận định, trẻ không được mẹ cha tin cậy trước tiên sẽ hình thành tâm lý tự ti, cảm thấy chúng không thể làm gì tốt. Sau đó, trẻ hình thành tâm lý không tin tưởng những người xung quanh.
2. Cha mẹ không tin tưởng con là từng bước đẩy đứa con ra xa mình
Một câu hỏi được đặt ra: Nguyên nhân gì khiến đứa trẻ không muốn giao tiếp với cha mẹ, trong suốt quá trình trưởng thành? Câu trả lời được đồng tình nhất là "Mất niềm tin".
Một người chia sẻ chuyện thời thơ ấu của mình: "Mẹ chẳng bao giờ tin lời tôi nói. Khi tôi còn đi học, mẹ thường gọi cho giáo viên và nói: 'Con tôi bảo không có bài tập về nhà, có phải thế không?'. Khi tôi hỏi mẹ tại sao lại hỏi cô mà không trực tiếp hỏi tôi, tại sao khi tôi nói rằng không có bài về nhà, mẹ phớt lờ, còn giải thích rằng sợ tôi lười, giấu bài tập nên làm vậy. Bà còn thường xuyên vứt tiền ở những nơi dễ thấy để thử lòng tôi, xem tôi có lấy trộm không. Cách hành xử thiếu tin cậy của mẹ để lại một lỗ hổng lớn trong tâm trí tôi, khiến tôi luôn nghi ngờ mẹ đang kiểm tra mình, không tin mình. Tôi rất ít trò chuyện, tâm sự với mẹ".
Rõ ràng, sự thiếu tin tưởng của cha mẹ đẩy đứa trẻ xa rời họ từng bước.
3. Cha mẹ không tin tưởng, trẻ bị tổn hại năng lực
Khi thiên tài Edison 8 tuổi, ông từng đặt ra câu hỏi với giáo viên: vì sao 2+2=4?. Vì câu hỏi này, ông bị giáo viên cho là chậm chạp, năng lực thấp.
Tuy nhiên, mẹ Edison, người luôn tin tưởng con trai mình, đã luôn kiên nhẫn dạy dỗ cậu bé. Dưới sự dìu dắt của mẹ, Edison say mê đọc sách - thói quen này trở thành nền tảng cho những phát minh lớn trong tương lai của cậu.
Nếu người mẹ tin vào lời giáo viên, tin rằng con trai mình là một đứa trẻ kém cỏi, thế giới sẽ không có vua của những phát minh sau này.
Một đứa trẻ tình nguyện giúp mẹ lau nhà, nhưng mẹ thay vì khuyến khích, lại nói: "Đừng kéo lê cái khăn nữa, con làm ướt nhẹp cả sàn". Hoặc khi trẻ muốn rửa bát, bố cáu kỉnh: "Con đi đi, đừng động vào và làm vỡ bát". Khi trẻ muốn thử nghiệm những thứ mới mẻ, bố mẹ đã tạt gáo nước lạnh: "Chưa đến tuổi làm việc đó, đừng phí thời gian". Rõ ràng, cha mẹ đã kìm hãm sự tự tin của đứa trẻ, không tin tưởng vào năng lực của bé, làm hạn chế ham muốn học tập của bé.
Theo thời gian, trẻ dần rơi vào cảm giác bất lực khi không thể được trải nghiệm, do sự kiểm soát bên ngoài. Khi gặp phải bất cứ việc gì, chúng sẽ tự khắc rụt lại, biến mình trở thành đáng thương, đúng như những lời bố mẹ chúng thốt ra.
4. Vậy làm thế nào, để thể hiện được sự tin tưởng với trẻ?
Điều quan trọng là để đứa trẻ cảm nhận được tình yêu, sự tin cậy nơi bố mẹ. Nhà tâm lý học Alfred Adler (Australia) từng nói: "Người may mắn là người được chữa lành tổn thương trong thời thơ ấu, người không may mắn là người phải dùng cả cuộc đời để chữa lành những thương tổn ấu thơ".
Thế nên, sự tin tưởng con, để con được cảm nhận thực sự thấy tình yêu, sự tự do sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với sự hài lòng về vật chất. Trong quá trình đó, cần chú ý ba điểm quan trọng:
- Cho trẻ cơ hội tự giác
Nhiều cha mẹ phải nghĩ nát óc, trăm phương ngàn kế để xử phạt lỗi lầm của trẻ, uốn nắn trẻ, nhưng không vì thế mà trẻ ngoan hơn. Trong trường hợp này, người cha/mẹ phải đặt câu hỏi: Đây liệu có phải là cách đúng đắn để giáo dục con ngay từ đầu?
Một người mẹ tên Tử Kỳ, vì vợ chồng đều rất bận rộn, nên cô thường tranh thủ thảo luận với con trai để con chủ động với việc làm bài tập về nhà. Bởi tôn trọng sự phát triển kỷ luật, tự giác của con, nên trước khi rời đi, cô không hề cất các thiết bị điện tử (di động, Ipad.. ) mà vẫn để chúng trên phòng khách.
Buổi tối, khi xong việc trở về nhà, cô thấy con đã hoàn tất bài tập, ra chào mẹ và chuẩn bị đánh răng. Các thiết bị điện tử vẫn cứ ở trong phòng khách. Tử Kỳ chia sẻ rằng cô và con đã có những cam kết riêng và cô không bao giờ cố tình kiểm tra hành vi của con. Sự tự giác, tự kỷ luật của con khiến cô cảm thấy khá bất ngờ, nhưng cô tin rằng trẻ tự nhiên sẽ có xu hướng hoàn thành những việc mà cha mẹ tin tưởng.
- Hiểu nguyên nhân, cho trẻ cơ hội được tin tưởng
Có một câu chuyện gây xôn xao trên mạng xã hội cách đây ít lâu: Cô con gái không chịu ngủ một mình vào ban đêm, bé nói nhìn thấy một con ma. Người bố, dù không tin vào câu chuyện, nhưng kiên nhẫn hỏi con: Con ma ấy trông thế nào, con nhìn thấy nó khi nào? Cô con gái nói rằng trên đường từ trường về tới nhà, bé cảm thấy luôn có con ma đi theo, nhưng khi quay lại, con ma biến mất. Để xác nhận lời của con gái, người cha đã bí mật đi theo con, và thật bất ngờ, ông phát hiện ra có một kẻ đang đi theo con gái. Ông báo cảnh sát, phát hiện đó là kẻ có tiền sử bắt cóc trẻ em. Chính việc lắng nghe những lời tưởng như vô nghĩa của trẻ và việc tìm hiểu cẩn thận nguyên nhân câu chuyện trẻ nói, đã giúp người cha tránh bi kịch.
- Luôn tin con là tốt nhất
So với những lời từ chối tiêu cực của cha mẹ, đứa trẻ thường sẵn sàng hướng tới lời cha mẹ nói với nó: "Con thử xem sao".
Trường hợp bé gái Nữu Nữu là một ví dụ điển hình. Nữu Nữu vì đam mê mà tham gia vào lớp nhảy, nhưng rồi cô bé lập tức mất hứng thú. Lý do: bé nhập lớp khá muộn, các bạn đã biết những bài nhảy phức tạp, còn Nữu Nữu mới chỉ học các kỹ năng cơ bản. Trong khi các bạn rậm rịch lên sân khấu biểu diễn, Nữu Nữu vẫn bận học các kỹ năng cơ bản nhất. Cô bé về thì thầm với mẹ đầy chán nản: "Mẹ ơi, có phải con ngu ngốc lắm không?".
Mẹ Nữu Nữu hỏi con: "Hôm nay con có tiến bộ hơn ngày hôm qua không? Có chứ? Chúng ta đang tiến bộ mỗi ngày, thế là tuyệt vời nhất".
Với sự động viên của mẹ, cộng với nền tảng vũ đạo vững chắc, sự tự tin dần được củng cố, Nữu Nữu dù bắt đầu muộn, tốc độ tiến bộ ngày một nhanh hơn. Mọi người nói Nữu Nữu là "vịt hóa thiên nga" trên sân khấu, nhưng mẹ cô bé từ đầu luôn tin tưởng, Nữu Nữu thực sự là một cánh thiên nga.
Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Vân Nam, Cam Túc, Hà Nam, với câu hỏi thăm dò: "Câu mà con muốn nói với cha mẹ nhất là gì". Kết quả cho thấy câu "Hãy tin con" đứng đầu, với tỉ lệ phiếu bầu lên tới 63,5%. Điều này cho thấy tầm quan trọng không thể phủ quyết của việc trẻ em được cha mẹ tin cậy.
Theo Thùy Linh/VnExpress
(Nguồn Aboluowang)