Đứng trước điều kiện của mẹ chồng, tôi thấy mọi việc thật mông lung. Nếu bà tính chắc chắn đường lui cho con trai mình vậy còn tôi thì sao. Nếu hôn nhân có bất trắc, tôi sẽ là người ra đi trắng tay khi làm nhà mà không có tên trong sổ đỏ.
Vợ chồng cưới nhau được 9 năm và hiện đang sống chung cùng gia đình chồng. Ba chồng mất sớm, anh trai đã lấy vợ ra riêng, trong nhà chỉ có mẹ chồng cùng cậu em út đang học lớp 10.
Sau bao năm dành dụm, chúng tôi tích lũy được ít vốn, định làm nhà ra riêng. Nhưng số tiền đó không đủ xây nhà, nếu phải mua đất nữa sẽ phải vay mượn nhiều. Trong khi đó, đất của nhà chồng còn khá rộng, chồng tôi ngỏ ý muốn mẹ cắt cho một ít để làm.
Bởi vài năm tới, em trai đi học xa chỉ một mình mẹ ở nhà, chúng tôi ở gần cũng tiện qua lại thăm nom. Trước đó, mẹ chồng cũng từng cho anh trai hai mảnh đất khác để xây nhà.
Vợ chồng tôi luôn mơ ước có ngôi nhà riêng. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, mẹ chồng tôi không đồng ý ngay mà đưa ra hai điều kiện. Thứ nhất, bà sẽ cắt đất cho tôi nhưng chỉ chồng tôi đứng tên sổ đỏ, tôi không có tên. Thứ hai, vợ chồng tôi phải viết giấy ghi rõ đã vay của mẹ chồng năm trăm triệu đồng dù không lấy tiền.
Vì vấn đề khó nói nên chồng giấu không cho tôi biết, đến khi mẹ chồng nói thẳng, tôi mới bàng hoàng. Chồng tôi giải thích, mẹ làm như thế xuất phát từ chuyện trước đây của anh trai chồng
Anh trai chồng từng cưới vợ và sống chung trong nhà được vài năm. Lúc mới cưới, vì muốn ra oai với nhà gái, mẹ chồng đã sang tên một mảnh đất cho vợ chồng anh chị. Về sau, mẹ còn phụ thêm tiền để hai người làm nhà ra riêng. Nhưng chỉ được ba năm, chị dâu ngoại tình đòi ly hôn.
Khi ra toà, mọi tài sản đều được chia đôi trong khi đó đất là của mẹ chồng, tiền làm nhà cũng của bà một nửa. Bởi thế, mẹ chồng thấy thiệt thòi cho con trai trong khi con dâu vừa lăng loàn lại được thêm món hời tài sản dù không có đóng góp.
Còn chuyện bà bảo chúng tôi viết giấy vay nợ chỉ làm hình thức đảm bảo. Vì mẹ chồng buôn bán làm ăn, đôi lúc cần xoay vòng vốn. Nếu bà thiếu, chúng tôi có thể cho mẹ mượn tiền vì bà đã cho đất làm nhà.
Đứng trước điều kiện của mẹ chồng, tôi thấy mọi việc thật mông lung. Nếu bà tính chắc chắn đường lui cho con trai mình vậy còn tôi thì sao. Nếu hôn nhân có bất trắc, tôi sẽ là người ra đi trắng tay khi làm nhà mà không có tên trong sổ đỏ.
Và tôi không hề mượn năm trăm triệu của mẹ chồng nhưng có trách nhiệm đưa tiền cho bà khi cần. Đó là bà nói như thế nhưng giấy trắng mực đen rõ ràng, biết đâu bà lại trở mặt thì tôi biết dựa vào đâu làm cơ sở pháp lý cho mình.
Tôi có nên đồng ý với mẹ chồng? Ảnh minh họa
Bao nhiêu vốn liếng dành dụm để làm nhà lại phải sống trong nơm nớp lo sợ một ngày nào đó sẽ bị hất cẳng đi không một đồng xu dính túi. Mặc dù chồng an ủi, những điều kiện mẹ chồng đưa ra chỉ là thủ tục giấy tờ, sẽ chẳng có chuyện ly hôn vì chúng tôi đang chung sống rất hạnh phúc.
Nhưng tôi nghĩ,việc hôn nhân ai biết đâu là ngày mai, nếu khi có người thay lòng đổi dạ thì mọi việc đều phải dựa trên pháp luật để phân xử. Có thể đầu gối tay ấp hôm nay nhưng ngày mai trở mặt là chuyện thường, xã hội đầy rẫy những trường hợp như thế.
Nếu mẹ chồng thực sự muốn vun vén cho con đã không xem con dâu như người ngoài. Nhà ngoại khuyên tôi nên mua đất riêng mà làm nhà, chịu khó tích lũy thêm vài năm nữa cũng được. Chứ đừng vội chấp thuận theo điều kiện của mẹ chồng, giờ có đất xây nhà nhưng sẽ sống trong tâm trạng bất an suốt thời gian còn lại
Theo Anh Thư/Dân Việt