Doanh nhân Ninh Bình đi bộ quanh lâu đài của mình mất 20 phút, 5 người giúp việc mới dọn xuể trong ngoài.
Để thỏa đam mê kiến trúc, nhiều đại gia Việt sẵn sàng bỏ cả trăm, nghìn tỷ đồng xây những tòa lâu đài theo lối tân cổ điển. Do quy mô lớn, sân vườn rộng, nội thất nhiều chi tiết hoa văn, dễ bám bụi sâu, nên chủ nhân các lâu đài này thường không thể tự mình chăm sóc.
"Cung điện Thành Thắng" của ông Đỗ Văn Tiến (52 tuổi) - một doanh nhân ngành sản xuất xi măng ở Ninh Bình, có diện tích mặt bằng nhà 2.000 m2, cần tới 5 người giúp việc để lau dọn từ trong ra ngoài.
Với nội thất, người giúp việc thường tốn đến nửa ngày để lau các chi tiết nằm thấp bằng máy hút bụi và bàn chải lông ngựa. Những chi tiết trên cao mất gấp đôi thời gian. Để duy trì sự xanh tốt cho vườn cây xanh hơn 500 m2, những người giúp việc này phải tưới ngày 2 lần, mỗi lần mất gần 2 tiếng.
"Cung điện Thành Thắng" xây dựng trong 3 năm, được gia chủ đầu tư nghìn tỷ đồng. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Ông Tiến chia sẻ, mỗi lần con ông tập chạy bộ quanh ngôi nhà chính mất 10 phút, riêng ông đi bộ phải mất đến 20 phút. Người ở bếp gọi lên phòng khách hoàn toàn không nghe thấy gì. Người ở trên lầu muốn gọi người ở ngoài vườn phải dùng điện thoại. Vì thế, ông đã lắp chuông báo động ở mỗi phòng ngủ để tránh tình huống xấu khi có sự cố mà gọi không nghe thấy.
Để ngôi nhà trông nổi bật vào buổi tối, riêng tiền điện cho đèn chiếu sáng bên ngoài đã mất hơn 40 triệu đồng mỗi tháng.
Vị đại gia chia sẻ ông đoán chắc diện tích nhà không thể ở hết nên dành nhiều không gian cho việc giải trí như phòng karaoke, xem phim... Có đến hơn 20 phòng trong ngôi nhà này. Riêng phòng nghe nhạc rộng 700 m2 đã được gia chủ chuẩn bị đầy đủ bộ sân khấu, hứa hẹn sẽ chứa được đến 300 người.
"Buổi tối ở đây cũng khá tĩnh mịch dù nằm sát mặt đường quốc lộ. Nhiều người đến xin chụp ảnh tòa nhà cũng đỡ buồn", ông Tiến cười nói.
Để dựng bản vẽ "Lâu đài Lan Khoa Khuê", gia chủ phải mất 3 năm. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Cách đó khoảng 60 km về phía đông là "Lâu đài Lan Khoa Khuê" của đại gia Nguyễn Văn Khuê (60 tuổi, Nam Định) - một doanh nhân trong lĩnh vực vận tải tàu biển. Lâu đài theo phong cách Hy Lạp có mặt bằng 470 m2 nằm trên diện tích đất 3.000 m2.
Để chăm sóc khu vườn 300 m2 cây ăn quả và cây cảnh trong sân nhà, mỗi buổi sáng, một mình ông Khuê mất 3 tiếng để tưới. Thường thì ông tự mình làm việc này, mệt lắm mới nhờ đến người giúp việc.
Vì mải đập đi xây lại, 9 năm qua ngôi nhà vẫn chưa được đưa vào sử dụng chính thức, khiến số tiền xây dự kiến 50 tỷ đồng đã tăng lên gần gấp đôi. Nhiều lần hai vợ chồng lớn tuổi đẩy cánh cửa chính làm từ gỗ nguyên khối nặng gần 500 kg đến mức hụt hơi, rồi nhìn nhau cười xòa.
Lâu đài có 12 phòng ngủ, 2 phòng ở của người giúp việc, phòng trưng bày cổ vật, phòng làm việc... Cũng vì chia làm nhiều phòng, có nhiều tường ngăn, nên việc đi lại, bưng bê các vật dụng trong nhà đôi khi hơi vướng víu. Xây nhiều phòng nên hầu như gia chủ không dùng hết, như phòng ăn chứa đến 100 người nhưng hiếm khi ăn quá 10 người.
"Ưng nhất là tới khi thu hoạch bưởi, mít... lại thấy tuổi già thật khoan khoái, dù đôi khi ở nhà to cũng thật vắng lặng", ông Khuê bày tỏ.
"Dinh thự nội thất dát vàng" chỉ xây 2 tầng, với 2 phòng ngủ do nhà ít người. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Dinh thự mạ vàng của doanh nhân lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những công trình nhà dân lớn nhất huyện Yên Định, Thanh Hóa. Diện tích công trình khoảng 1.000 m2, trong đó nhà ở khoảng 400 m2. Chỉ riêng khoảnh vườn đã có diện tích 200 m2, to bằng phần lớn nhà của hàng xóm xung quanh.
Trong nhà, dù có hệ thống điều hòa âm trần, gia chủ vẫn lắp thêm 20 chiếc quạt tường, vì không muốn lúc nào cũng phụ thuộc vào điều hòa. "Ngoài ra, không gian nhà lớn, điều hòa đôi khi cũng không đáp ứng được", chủ nhân cho biết.
Cũng như lâu đài ở Ninh Bình, tòa dinh thự này đầu tư nhiều vào phần ánh sáng với hệ thống khoảng 1.000 đèn led thông minh được lắp âm vào trần nhà. "Đèn này tuy sáng và tiết kiệm điện, tạo không gian hiện đại, nhưng khi hư một vài bóng phải đi xa mới có đồ thay. Vì nhà tôi vốn ở làng quê, chưa có cửa hàng bán bóng led tốt", vị doanh nhân nói.
Nội thất nhà hầu hết được dát vàng từ bàn ăn, bàn khách, tủ tivi, cầu thang, lọ đựng tăm, lọ đựng hoa..., nên khi có khách đông quá, chủ nhân phải dọn bớt các đồ nhỏ đi vì e ngại lũ trẻ nghịch như đồ chơi.
Thú vui lớn nhất của ông là cùng vợ ngồi góc nhà nghe nhạc từ máy chạy đĩa cổ. "Trong nhà, mùi gỗ nhẹ nhàng giúp không gian thơm phức, không cần phải dùng nước hoa, sáp thơm hay xịt phòng", vị đại gia chia sẻ.
Theo VnExpress