Tôi xa nhà năm 18 tuổi, đó cũng là thời khắc tôi rời khỏi vòng tay bao bọc của mẹ để tự mình chèo chống giữa biển đời đầy sóng gió. Mùa Vu lan thứ tư tôi không ở bên mẹ, một mùa vu lan ăm ắp nỗi nhớ ngút ngàn…
Quê tôi, mảnh đất chẳng có gì ngoài nắng gắt, gió lào và lòng người nồng hậu, ấm áp. Chính nơi đó đã dạy tôi bài học làm người và chứng kiến những tiếng khóc, bước chân đầu tiên chập chững của tôi. Năm tháng lấm lem bùn đất mà hồn nhiên, vô tư đến lạ!
Mẹ tôi, một người nông dân chân chất, hồn hậu và yêu thương tôi một cách vô điều kiện. Có người từng hỏi tôi rằng có bao giờ thấy tủi thân khi sinh ra trong một gia đình nông dân? Chẳng có gì đáng xấu hổ về điều này cả, ngược lại tôi thấy hãnh diện vì những bài học đáng giá cuộc sống khốn khó dạy tôi.
Miền Trung nắng rực gió cát nhưng nụ cười của mẹ vẫn luôn tươi tắn, và có lẽ nụ cười của tôi cũng từa tựa như thế. Đôi lần khi cuộc sống dội vào tôi gáo nước lạnh ngắt tôi nghĩ đến mẹ để tiếp tục cố gắng, bước chân lại vững hơn trên mỗi chặng đường tôi qua.
Quang gánh nặng trĩu đôi vai mẹ tôi (Ảnh minh họa: Internet)
Tôi sống ở một thành phố xô bồ, nơi hằng ngày tiếng còi xe inh ỏi, dòng người hối hả bon chen mưu sinh. Những cuộc gọi vội vã khi tối muộn, giọng nói ấm áp vang lên ở đầu dây bên kia là khi lòng tôi cảm nhận nỗi an yên một cách trọn vẹn nhất.
Năm thứ tư xa nhà, tôi trưởng thành hơn rất nhiều và những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ cũng in hằn dấu vết thời gian. Mùa Vu lan đầu tiên, tôi đi chùa cầu nguyện và khóc nức nở vì nhớ mẹ. Tôi rất ít khi thể hiện tình cảm với mẹ, nhưng tận thẳm sâu trái tim chẳng có thứ tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử.
Tháng 7, ở quê tôi là mùa bão, những đêm mất ngủ khi đài báo tin, thấp thỏm âu lo bấm số gọi về cho mẹ, tiếng gió rít ngoài cửa sổ cũng đủ làm tôi bất an đến lạ. Xa nhà, mọi thứ đều qua điện thoại, yêu thương cũng chỉ biết gửi trao qua đôi lời hỏi thăm thường nhật.
Ngày còn bé tôi chưa từng nghĩ sẽ có một ngày nào đó rời xa mẹ, rời xa mái nhà nhỏ để vùng vẫy với đời, để khi vấp ngã tự mình xoa vết thương rồi mạnh mẽ mà bước tiếp. Khi lớn lên, khi đã rời xa, tôi luôn khao khát có được tấm vé quay về thơ ấu hồn nhiên, vô lo, vô nghĩ ấy.
Người ta thường nói đi xa để trở về, lớn lên rồi mong bé lại, và chắc chắn, dù khoảng cách xa xôi nhưng tình yêu thương mà tôi dành cho mẹ sẽ không hề cách trở. Chiều nay, đứng trên tầng 4 của tòa nhà nhìn về quê xa, lòng tôi dâng lên niềm xúc cảm khó tả, nước mắt chỉ chực tuôn trào vì nỗi nhớ đầy tim.
Tôi nhớ khói lam chiều nghi ngút sau rặng tre làng, nhớ tiếng sáo của lũ trẻ mục đồng và bước chân nặng trĩu quang gánh mẹ đi làm đồng. Ngày Vu lan, tôi cài bông hồng đỏ lên ngực trái, nơi trái tim hằng ngày vẫn đập những nhịp chung dòng máu với những người thân yêu. Thật hạnh phúc khi năm nào trên áo tôi cũng có bông hồng màu đỏ ấm áp ấy!
Một mùa Vu lan nữa tôi xa nhà, 4 năm trôi qua như một cái chớp mắt, ngày mà tôi cầm trên tay tấm bằng cử nhân về khoe mẹ cũng không còn xa. Những khi mỏi mệt nhất chỉ cần nghĩ đến một ngày mai cùng mẹ đi đến nơi mà mẹ chưa từng đặt chân, tôi sẽ làm cho mẹ món ăn mà cả cuộc đời mẹ chưa nếm một lần… chừng ấy cũng đủ để tôi gạt nước mắt để cố gắng nhiều thật nhiều.
Dù đi hết hành trình của cuộc đời này tôi cũng không thể nào đong đếm hết công ơn sinh thành của mẹ. Những ai còn mẹ, xin đừng làm nỗi buồn hằn lên mắt mẹ, cuộc đời mẹ muộn phiền đã quá nhiều rồi.
Khi gõ xong những dòng này, chắc chắn tôi sẽ nhấc máy lên gọi cho mẹ mà thủ thỉ rằng: “Mẹ ơi! Con gái nhớ và yêu mẹ nhiều lắm”…
Theo Thi Thi/Dân trí