Nếu 4 người bạn thân thiết của bạn đều nghèo, bạn sẽ là người thứ 5.
Chẳng ai vui vẻ khi bị nói rằng sẽ không bao giờ có thể giàu có, tuy nhiên, nếu mục tiêu cuộc đời bạn là làm giàu, bạn nên tham khảo danh sách dưới đây.
1. Bạn không hiểu những phép toán cơ bản
Kiếm tiền cũng giống như một quá trình toán học, bao gồm số tiền bạn kiếm được ở mỗi hợp đồng hay mỗi giờ lao động, bạn chi trả cho nhân công, thuế... , sau đó tái đầu tư một phần lợi nhuận để tạo thu nhập mới. Đây thực sự là các phép cộng, trừ, nhân chia cơ bản, và đó là tất cả những gì bạn cần, trừ khi bạn có một công việc phức tạp hơn.
Bạn cần phải hiểu rõ các số liệu, sắp xếp và đưa ra kết luận từ những dữ liệu đó, nếu không bạn sẽ không thể nào đánh giá chính xác công việc của mình và cải thiện cuộc sống.
Ảnh: Vox.
2. Bạn tập trung vào tiết kiệm thay vì kiếm tiền
Đây thực sự là khác biệt giữa người làm việc để trở nên giàu có, với những người cố gắng để không bị nghèo đói. Thực tế, bạn có thể tiết kiệm để không nghèo, nhưng không thể tiết kiệm mà thành tỷ phú.
Cách duy nhất để trở nên giàu có là tăng thu nhập và đầu tư nó. Đây là một quy trình đơn giản: Bạn phải làm sao để kiếm thêm tiền, sau đó sử dụng số tiền ấy đầu tư vào những dự án khác giúp đem về thêm lợi nhuận, và lặp lại quy trình này nhiều lần.
3. Bạn tiêu nhiều hơn là số tiền kiếm được
Nếu bạn chi tiêu nhiều hơn là kiếm được, không những bạn không giàu, mà còn trở nên nghèo khó. Một số người quan tâm tới vẻ bề ngoài nhiều hơn là giá trị nội tâm. Chẳng có gì xấu hổ nếu như bạn không có tiền mua một thứ đồ gì đó, mà việc nhận ra rằng mình không có tiền nên là một động lực để bạn cố gắng hơn sau này.
4. Bạn lấy lời khuyên từ những người không thành công
Đừng quên rằng bạn là trung bình cộng của 5 người mà bạn tiếp xúc nhiều nhất trong cuộc sống. Vậy nên, nếu 4 người bạn thân thiết của bạn đều nghèo, bạn sẽ là người thứ 5. Các mối quan hệ xác định bạn là ai, chúng giúp bạn khám phá tiềm năng của mình hoặc ngược lại, cản trở bạn.
Hãy tìm kiếm những người mà bạn muốn giống họ, sau đó hành động như thể họ đang dõi theo bạn. Nên tìm một người cố vấn, và thêm họ vào nhóm "5 người" của mình.
5. Bạn thiếu kỷ luật
Sự giàu có không thể đến qua một đêm, bởi vì để đạt được bất cứ điều gì, bạn cần phải có thời gian, sự tập trung và kỷ luật. Thành công là tổng hòa của những hành động nhỏ lặp đi lặp lại hàng ngày, trong một giai đoạn dài.
Những người có kỷ luật sẽ luôn hoàn thành mọi việc, bất kể họ cảm thấy thế nào. Nếu bạn không thể làm chủ được hành động của mình, làm sao bạn có thể trông đợi trở thành chủ thế giới mình sống?
6. Bạn không có các khoản đầu tư
Đầu tư là khoản sẽ giúp bạn kiếm được nhiều hơn số bạn bỏ vào. Chúng được chia ra làm hai loại: đầu tư chủ động và đầu tư thụ động.
Đầu tư chủ động là dạng đầu tư tiền, thời gian cho công việc kinh doanh của mình.
Đầu tư thụ động là bạn mua một căn nhà và cho thuê nó.
7. Bạn không có những mục tiêu tài chính
Đối với những người đang dần trở nên giàu có, công việc của họ chính là làm giàu. Đó là ưu tiên số một của họ, họ lập ra những mục tiêu tài chính cụ thể và sau đó tiến hành công việc cần thiết để thực hiện nó. Nếu thiếu đi kế hoạch cụ thể, một mục tiêu tài chính chỉ đơn thuần là một ước mơ.
Hầu hết mọi người không bao giờ tự hỏi tại sao họ không thể kiếm được nhiều tiền hơn. Lý do là họ chỉ sống cho hiện tại. Nếu bạn không phá vỡ điều nó và nhìn vào số tiền thực tế bạn được trả, bạn sẽ mãi mãi sống trong khó nghèo.
8. Bạn nghĩ người khác giàu nhờ vào may mắn
Bạn nghĩ rằng ai đó giàu nhờ vận may, hoặc họ không trải qua những khó khăn như bạn. Thực tế nhiều người còn ở hoàn cảnh khó khăn hơn bạn nhưng thành công nhờ vào làm việc chăm chỉ và cống hiến.
Đừng quên, những người giàu không nhờ may mắn, còn bạn là nạn nhân của trí tưởng tượng của chính mình.
9. Bạn luôn đưa ra lời bào chữa
"Đó không phải lỗi của tôi", "Đó là sự thiếu công bằng"... Đây là tất cả những gì mọi người nói để bao biện cho sự thiếu thành công của họ. Nếu tất cả mọi người mà bạn gặp đều không đối xử với bạn theo cách bạn muốn, hãy lùi lại để nhìn vào mẫu số chung: đó là do bạn.
Bạn là vấn đề chính, vậy thì hãy ngừng đưa ra bào chữa cho sự thiếu nỗ lực của mình để có kết quả tốt hơn.
Hầu hết mọi người ghét phải nghe điều này, bởi đột nhiên họ phải đối diện với thực tế rằng không phải do thế giới quá khúc khuỷu, quanh co, mà là do chính họ. Sự nhận ra rằng mình chưa đủ trưởng thành, chưa đủ nỗ lực... vốn là điều đáng sợ mà hầu hết mọi người không muốn đối diện. Và vì thế, họ bao biện, đổ lỗi cho mọi thứ ngoại trừ chính mình, cũng như hy vọng thế giới thay đổi để tạo điều kiện cho họ.
10. Bạn không chịu học hỏi liên tục
Hãy nhìn lại bản thân mình, những gì bạn đang làm - bao nhiêu trong đó là tính giáo dục, hay đơn thuần là giải trí?
Học hỏi là một quá trình suốt đời, khoảnh khắc bạn ngừng lại, tức là bạn đã không còn lớn lên nữa, bạn mờ nhạt dần theo thời gian.
Hãy tự giúp mình trở nên tốt hơn. Giải pháp đơn giản nhất là kiểm tra xem năm vừa rồi bạn đọc bao nhiêu sách? Người bình thường đọc 1 cuốn mỗi năm, nhưng các CEO hàng đầu đọc 50 cuốn mỗi năm. Khi bạn đọc những câu chuyện về những nhân vật xuất chúng, cách họ đưa ra quyết định, cách họ tìm thấy niềm đam mê, đối mặt với khó khăn, thất bại... , bạn cũng sẽ học hỏi được nhiều điều.
11. Bạn không thử nghiệm những điều mới mẻ
Bạn hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi thế nào, nếu bạn không chịu thay đổi những điều mình làm? Hẳn nhiên sự thay đổi là đáng sợ, nhưng đó chính là khởi đầu cho những điều tốt đẹp bạn không biết đến đang tồn tại trong mình.
Cần thúc ép bản thân bước vào những tình huống mới, những tình huống có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, sợ hãi phải đối mặt, bởi vì đó là nơi bạn có thể học hỏi nhiều hơn về bản thân mình, cũng như mong muốn của chính bạn.
12. Bạn sợ thất bại
Không ai muốn thất bại, nhưng đó là sự khác biệt chính giữa những người sẽ đeo đuổi mục tiêu của mình và những người chối từ thử nghiệm.
Sự sợ hãi là một cơ chế tự nhiên để chống lại những điều bản thân không kiểm soát được. Nhưng không giống với nỗi sợ hãi trước "sinh tử", thất bại này chỉ có ý nghĩa là bạn phải bắt đầu lại từ đầu. Nếu bạn quá sợ hãi thất bại, chúng sẽ ngăn cản bạn cố gắng.
13. Bạn chỉ làm việc 40 tiếng một tuần, thậm chí là ít hơn
Làm việc 40 tiếng một tuần tức là bạn làm việc chưa đủ. Những người thành đạt thường làm việc ít nhất 60 tiếng một tuần, thậm chí là 80 tới 100.
Đừng quên rằng tất cả chúng ta đều có 24 tiếng một ngày. Một số người sử dụng chúng để trở nên thành công, những người khác lại chọn phung phí. Không quan trọng bạn làm việc thông minh thế nào, nếu bạn muốn có kết quả tốt hơn, bạn cần phải làm việc nhiều hơn nữa.
14. Bạn được trả lương theo giờ
Nếu bạn được trả lương theo giờ, tức là bạn đã có một định mức giới hạn, một con số giới hạn về giờ mà bạn có thể làm trong ngày: tối đa 24 giờ, và bạn không được trả hơn thế. Giải pháp duy nhất là cần phải được thăng cấp.
15. Bạn trông đợi vào những phép màu
Bạn chơi xổ số, bạn hy vọng được thừa kế một khoản lớn, đầu bạn luôn nghĩ về việc mình sẽ tiêu số tiền (trong tưởng tượng) như thế nào... Đã đến lúc bạn cần phải tỉnh táo trở lại và đốc thúc mình khỏi sự lười biếng, bắt tay vào làm việc.
Theo VnExpress