Quản lý tài chính trước tết như thế nào, để không rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu là vấn đề người trẻ cần quan tâm.
Bạn trẻ cần cân nhắc mua sắm dịp tết để tiết kiệm hơn ẢNH: LÊ THANH
Đừng để lâm vào cảnh “cháy túi”
Dù học những khóa kỹ năng về quản lý tài chính, chi tiêu, kể cả hay đọc sách về tiết kiệm, thế nhưng Nguyễn Thị Ngọc Hiền, 23 tuổi, nhân viên Công ty giày Thịnh Phát (P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) không khỏi đau lòng trước tình cảnh “hết tết là hết tiền”.
Có một thời gian Hiền tiết kiệm rất giỏi rồi sau đó lại đi vào “lối mòn” tiêu pha theo cảm tính. Hiền kể ngày nhận được tháng lương đầu tiên khi đi làm, cô mừng rơi nước mắt và nghĩ mình sẽ trân quý, cân nhắc từng đồng, tuy nhiên khi có dịp vui, cô tiêu “không phanh”, đặc biệt dịp tết năm nào cô cũng tiêu lố.
“Tôi nhủ mình chỉ được phép tiêu 10 triệu đồng cả một cái tết thôi, nhưng tết năm ngoái tiêu gấp 3 lần số đó. Tôi không lên kế hoạch trước là mua quà tết như thế nào, đến siêu thị thì thấy gì cũng thích nên mua xong thì vỡ kế hoạch”, Hiền nói.
Trong khi đó, dù có lập hết cả danh sách chi tiêu từ trước tết nhưng vì những thứ phát sinh, không thể lường trước được, nhiều bạn trẻ cũng lâm cảnh túng thiếu sau tết như thường.
Phạm Ngọc Nga, 24 tuổi, làm tại Công ty Xương Phát (số 1 Võ Văn Hát, Q.9, TP.HCM), kể rằng mỗi khi hết tết, đến ngày đi làm lại, chỉ biết ăn mì gói cứu đói. “Trước tết, tôi mua quá nhiều quần áo, bánh trái, đồ trang trí trong nhà. Trong kỳ nghỉ tết lại buồn nên rủ bạn bè đi du lịch, số tiền này không hề nhỏ. Tôi có đông cháu, tiền lì xì mỗi năm cho các cháu phải cao hơn năm trước, chưa kể nếu có đi đâu, thấy người ta lì xì cháu mình thế nào, tôi lại móc túi lì xì bằng đó cho đỡ ngại. Tết xong tôi chạy đi mượn tiền tứ tung, lo tiền điện nước, phòng trọ, tiền học cho em… cứ nghĩ để tết xong trả, nhưng tết xong thì lấy đâu ra mà trả”, Nga nói.
Với phái nữ, dịp tết là lúc tốn nhiều tiền cho những khoản mua sắm thì nam giới lại tốn nhiều cho những bữa tiệc tùng, liên hoan, tổng kết. Phan Hoàng Linh, sinh viên năm 3 Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình 2, cho biết dịp tết túi lúc nào cũng sạch sành sanh, dù tiết kiệm tiền cả năm trời. Năm 2018, Linh đi làm thêm, tiết kiệm được gần 5 triệu đồng, dự định mang về làm quà biếu bố mẹ nhưng không thành vì không nỡ từ chối nhiều lời mời ăn uống. “Tiền họp lớp, tiền đi chơi với bạn cũ, tất niên, tân niên… cả năm mới về quê một lần nên bạn bè rủ, tôi từ chối không được. Tết xong chẳng có tiền mua vé xe vào lại Sài Gòn, phải xin cha mẹ”, Linh kể lại.
Đừng bị cảm xúc cám dỗ
Diễn giả mảng kỹ năng quản lý tài chính Lâm Đạo Văn, 28 tuổi, Học viện Kỹ năng Awake Your Power, cho rằng dịp tết là lúc mà con người ta dễ bị cảm xúc cám dỗ, dễ phá vỡ mục tiêu tiết kiệm mà bản thân đặt ra để túi tiền bị hao mòn. Theo anh Văn, quan trọng là phải biết kiềm chế sự ham thích, tập thói quen tiết kiệm từ những việc thường ngày, lâu dần việc tiết kiệm đi vào khuôn khổ. Phải liệt kê ra được những “điểm đen” dễ làm cạn túi, hậu quả khi mình bị cạn túi, cụ thể cần có những kiến thức về tài chính, đặt mục tiêu tài chính cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn như tết này để dành 20 triệu đồng thì trong đầu đừng bao giờ có ý định tiêu đến số tiền đó, nếu tiêu mất sẽ tự phạt bản thân.
“Những vấn đề phát sinh dịp tết muốn xử lý được phải tự hỏi bản thân mình việc đó có thật sự đáng, nếu không chi tiêu sẽ ảnh hưởng điều gì? Đừng để cảm xúc hưng phấn làm ta rỗng túi, lúc tiêu thì cảm giác đã, nhưng sau khi tiêu xong thì hối tiếc. Hãy tập thói quen tiết kiệm nghiêm khắc, đừng dễ dãi với bản thân”, anh Văn khuyên.
Cân nhắc kỹ trước khi vay tiêu dùng
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lê Thị Thanh Vân, Giám đốc marketing Công ty tài chính HomeCredit, cho hay cứ đến tháng 12 hằng năm, nhu cầu vay mua sắm tại công ty lại tăng đột biến, trong đó 60% yêu cầu đến từ các bạn trẻ dưới 30 tuổi. Đa phần các bạn đăng ký thẻ tín dụng hoặc tham gia các chương trình trả góp 0% lãi suất dành cho điện thoại, điện máy vì dịp này có nhiều khuyến mãi và lãi suất hấp dẫn.
Bà Vân cho rằng các bạn trẻ cần cân nhắc, xem xét trước khi muốn vay tiêu dùng dịp tết, có thể tự trả lời những câu hỏi: cân nhắc xem món hàng có thực sự cần thiết không, cân nhắc mua sản phẩm có chức năng tương tự nhưng giá hợp lý hơn, cân nhắc xem thu nhập hằng tháng có đủ để chi trả sinh hoạt phí và khoản góp hằng tháng không… Đặc biệt, khi quyết định vay, cần đọc kỹ hợp đồng, chú ý các điểm sau: lãi suất, kỳ hạn, phí phạt trễ hạn, phí trả nợ trước hạn.
“Khi bạn biết chắc chắn mình không đủ tiền trả góp, vay nhằm trả một khoản nợ khác, vòng đời của sản phẩm cần mua ngắn hơn kỳ hạn vay để mua, tổ chức cho vay không có giấy phép, vay nợ giùm người khác, vay để cờ bạc, cá cược thì tuyệt đối không nên vay”, chị Vân nói.
Theo Thúy Hằng/ Tuổi Trẻ