Giậm chân mức lương 7 triệu đồng suốt nhiều năm gắn bó với công ty cũ, chị Vân quyết định nghỉ và có ngay việc mới thu nhập tốt.
Ảnh: Hellogiggles.
Bài viết dưới đây là tâm sự của chị Cẩm Vân, 42 tuổi ở Long Biên, Hà Nội về quyết định thay đổi công việc sau 14 năm gắn bó với một công ty.
Dịp cuối năm, khi mọi người nô nức kể chuyện thưởng Tết, nói về những dự định công việc năm mới, tôi lại nhớ về quyết định nhảy việc vào thời điểm này 4 năm trước.
Năm 2003, ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, tôi vào làm cho một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam. Đây là nơi tôi phỏng vấn xin việc đầu tiên và bị choáng ngợp bởi ý nghĩa của công việc hỗ trợ cộng đồng.
Công việc này giúp tôi phát triển được nhiều khả năng và những gì mình đã học được trên ghế nhà trường. Ban đầu, tôi được giao trả lời những câu hỏi qua mạng, viết và thể hiện những văn bản phát thanh nhỏ dành cho thiếu nhi. Sau đó, tôi làm thêm nhiều việc khác đòi hỏi chuyên môn cao hơn, tư vấn qua điện thoại, tư vấn trực tiếp, trở thành tập huấn viên trong các khóa đào tạo kỹ năng.
Có rất nhiều lý do khiến tôi gắn bó với "mối tình đầu" này suốt 14 năm. Thứ nhất, tôi thấy những gì mình làm mang tính xã hội và giúp đỡ được nhiều người. Tôi được trải nghiệm nhiều loại hình công việc, gặp gỡ nhiều số phận và thường xuyên được đào tạo thêm các kỹ năng mới. Những đồng nghiệp cũ đều rất thân thiện, sếp đầu tiên của tôi cũng rất tâm lý, luôn hỗ trợ nhân viên trong công việc lẫn cuộc sống.
Tuy nhiên, tới năm 2010, tôi bắt đầu le lói ở định chuyển việc khi thấy mức thu nhập giậm chân tại chỗ ở con số 7 triệu sau nhiều năm dốc sức làm việc. Ngoài lương, mỗi năm tôi cũng chỉ nhận được tổng khoảng 6 triệu đồng tiền thưởng. Thu nhập không tăng nhưng khối lượng công việc ngày càng nhiều, tôi lại hay phải đi công tác xa trong khi đang có hai con nhỏ.
Yếu tố quan trọng nhất là tôi cảm thấy không còn hứng thú trong công việc và muốn tìm một nơi mới khơi dậy đam mê nhiều hơn cho mình.
Tuy nhiên, tôi dấn dứ mãi không dám quyết bởi lúc đó mình đã sắp 40 tuổi và chỉ có kinh nghiệm làm việc ở một nơi duy nhất. Bao câu hỏi, lo lắng xuất hiện trong đầu: Liệu nghỉ ở đây thì mình có đảm bảo được cuộc sống để chờ tới khi xin việc mới? Không biết mình có đáp ứng yêu cầu ở và làm việc được ở công ty khác?
Trong thời gian định chuyển đổi công việc, tôi cũng thử thi vào làm cộng tác viên của một số công ty truyền thông, báo chí và coi đó như bước đệm để mình thích nghi tốt hơn với môi trường bên ngoài.
Mãi tới năm 2015, tôi mới dám chính thức tạo hồ sơ xin việc trên mạng và hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng, cũng có 3 chỗ gọi tôi đi phỏng vấn.
Quyết định làm việc tại công ty hiện tại là thành công vượt bậc của tôi cho tới thời điểm này, vì tôi phải nỗ lực tới 200% năng lực của mình, lỳ lợm bám đuổi từng mục tiêu. Công việc hiện tại thuần về kinh doanh, nghĩa là tôi phải làm việc với rất nhiều khách hàng, nhiều ngành, mọi việc luôn mới, luôn cần cập nhật và chạy theo các KPI nhất định. Nhưng chính điều đó lại tạo nên một tôi năng động hơn, linh hoạt hơn như hiện tại. Điều quan trọng nữa là thu nhập của tôi cao hơn gấp nhiều lần, đủ chi trả cho sinh hoạt và nhu cầu của gia đình ngày một cần nhiều tiền hơn.
Những bạn bè từng biết tôi trước kia giờ rất ngạc nhiên khi gặp lại. Họ khó ngờ tôi hiền lành, hầu như chỉ biết chăm chú vào công việc chuyên môn của mình, giờ là một quản lý nhanh nhạy, tràn đầy tự tin, quyết đoán. Bản thân tôi cũng khám phá thêm được rất nhiều tiềm năng của bản thân mà trước đây không nhận ra, chưa phát huy được.
Cuộc sống gia đình cũng được cải thiện khi tôi không phải tháng nào cũng vò đầu bứt tai gói chi tiêu cho gia đình trong một khoản thu nhập khiêm tốn. Tôi có điều kiện đầu tư cho con cái học hành, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tất nhiên, để có lương cao, cường độ lao động của tôi cũng phải tăng lên. Tôi cũng có những lúc phải đi sớm, về muộn. Tuy nhiên, tôi có thể cân bằng điều này và không quá khó sắp xếp khi các con đều đã lớn và có thể tự lập lo cho bản thân, tự giác giúp mẹ việc nhà.
Tới bây giờ, tôi thấm rất rõ câu mọi lựa chọn đều khó khăn và phải đánh đổi. Không có công việc nào chỉ toàn những điều tốt, cũng không có việc nào chỉ toàn những điều xấu, vấn đề là mình xác định các thứ tự ưu tiên là gì. Ví dụ trong thời điểm nào bạn cần tích lũy kinh nghiệm, giai đoạn nào bạn đã có thể "bung lụa", giai đoạn nào ưu tiên cho việc kiếm tiền...
Tôi cũng nhận ra rằng, phụ nữ trung niên thực ra có rất nhiều điểm mạnh trên thị trường việc làm:
- Gia đình ổn định, không còn vướng bận việc sinh con và thậm chí cả việc chăm sóc con nhỏ, có thể tập trung cho công việc.
- Có phong cách ứng xử ôn hòa, thấu hiểu bản thân và người khác nên dễ dàng hơn trong các mối quan hệ công sở.
- Đã trải qua nhiều biến cố, mâu thuẫn đủ để không bị nản chí trước khó khăn.
- Có kinh nghiệm trong cách làm việc. Đây là điều quan trọng nhất, còn những điều mới ai cũng có thể học dần được, chỉ cần chịu khó và kiên nhẫn.
- Không bị cuốn vào những mục tiêu kiểu đứng núi này trông núi nọ như các bạn trẻ, nhất quán với công việc đã chọn.
Nói thế, không có nghĩa là chúng ta lạc quan tếu, chỉ thấy "cái được". Hãy nắm rõ gót chân Asin của mình để tìm cách khắc phục và biến nó thành lợi thế. Bạn chưa biết điều gì đợi mình nếu chưa mở cửa và bước tới.
Theo Cẩm Vân/ Vnexpress