Cô dâu Lan muốn đi chụp tận Nha Trang nhưng chú rể xót tiền, gọi điện nhờ nhân viên tiệm ảnh không giảm giá.
Cô dâu Thu Lan, 23 tuổi, và chú rể Mạnh Hải, 30 tuổi, lên kế hoạch chụp ảnh cưới tại một ảnh viện nổi tiếng trên phố Trần Khát Chân, Hà Nội. Trước khi đi, Lan có thủ thỉ với chồng sắp cưới muốn được chụp ảnh biển ở Nha Trang. Định chiều bạn gái nhưng khi xem chi phí chụp hai ngày tới hơn 20 triệu đồng dù đã giảm giá nên Hải do dự. Anh muốn dành tiền cho hai vợ chồng mua đồ đạc cho căn nhà mới.
Không dám từ chối thẳng vì sợ mất lòng vợ sắp cưới, Hải nảy ra ý định gọi điện trước tới ảnh viện này, nhờ họ đưa ra bảng giá cũ, chưa có khuyến mại, để cô dâu chuyển hướng sang gói chụp ở Hà Nội, rẻ hơn cả chục triệu đồng.
"Tôi vẫn còn nhớ giọng anh ấy khẩn thiết gọi đến, xin cửa hàng 'giấu' gói chụp mới được giảm giá đi. Anh ấy bảo không dám nói vì sợ vợ dỗi không cưới nữa", một nhân viên cửa hàng hài hước kể lại.
May mắn là "âm mưu" của anh Hải cuối cùng cũng trót lọt. Sau khi được sự trợ giúp của nhân viên tư vấn, bạn gái anh đồng ý chụp ở Hà Nội. Anh sau đó đã gọi điện cảm ơn ekip vì vẹn cả đôi đường.
Bạn gái Hùng cố gắng trêu đùa vẫn không xoay chuyển được vẻ mặt bạn trai. Cực chẳng đã, đến buổi trưa cô đành xuống nước, nói với ekip thu xếp chuyển sang Sa Pa theo ý anh Hùng. Thế là cả đoàn lại vội vàng hành lý, bắt xe đi luôn.Lần khác, chú rể tên Đức Hùng, ở Đông Anh, muốn được lên Sa Pa chụp, nhưng cô dâu lại chỉ muốn làm luôn ở Hà Nội. Chiều ý bạn gái nhưng cả buổi sáng chụp ngày hôm đó, anh Hùng không nở nụ cười, mặt khó đăm đăm. Thợ chụp nói thế nào anh vẫn giữ nguyên thái độ, khiến bộ hình không được như ý muốn.
"Khỏi phải nói chú rể phấn khởi thế nào. Đi lên đến nơi, cô dâu mệt say ngất ngư, nhưng anh ấy cười không ngớt. Lúc chụp còn sáng tạo ra nhiều kiểu, nhí nhố như một đứa trẻ", một thợ chụp cho hay.
Thu Hà, nhân viên PR của cửa hàng ảnh cưới này cho biết bên cô cũng thường xuyên phải đối mặt với những "gửi gắm" khó nhằn của khách như: tóc cô dâu bị phai hai màu nhưng muốn photoshop thành tóc màu vàng; chú rể hói nhưng vẫn muốn ảnh có thật nhiều tóc, chụp ảnh cưới ở studio nhưng muốn có ảnh đẹp như biển Phú Quốc...
Nhiều đôi bạn trẻ có những yêu cầu khó như chụp trên núi nhưng muốn photoshop như ở biển. Ảnh chỉ có tính minh họa: Anh Ngọc.
Anh Quang Ngọc, một thợ chụp ảnh cưới ở Hòa Bình, cho biết trong suốt 5 năm làm nghề, anh gặp nhiều tình huống vui có buồn có, nhưng nhớ nhất là lần chụp cho một đôi mới ngoài 20 tuổi khoảng nửa năm trước. Cô dâu chú rể muốn chụp gói rẻ nhất vì không có tiền, sau đó còn nằn nì xin bớt một chút bởi cả hai trốn gia đình hai bên, tự đi chụp ảnh cưới.
"Đến ngày chụp hình, chúng tôi đến điểm chụp ở một khu sinh thái. Khi mới bấm máy được vài kiểu, bỗng nhiên người nhà cô dâu từ đâu chạy đến ngăn cản. Chú rể sợ quá cầm tay cô dâu chạy biến vào trong rừng, tôi và một thợ khác bị họ tra hỏi đủ kiểu, sợ toát mồ hôi", anh Ngọc nhớ lại.
Một lần khác, một đôi đến studio của anh chụp ảnh xong, đến ngày lấy album trả tiền thì lấy lý do quên ví ở nhà, hẹn sẽ quay về lấy trả ngay 50% còn lại. Nhưng anh chờ một hôm, hai hôm, rồi cả tuần vẫn không thấy họ quay lại. Album khách đã cầm, còn tiền chờ mãi không thấy đâu. Anh gọi điện thì thấy "thuê bao không liên lạc được".
Nhiều năm trong nghề, anh Đức Tuấn, chủ một studio chụp ảnh cưới ở Ninh Bình, chiều lòng đủ mọi yêu cầu của khách hàng. Từ bóp mặt cô dâu thành V-line, cho người chú rể thon gọn hơn cho đến lặn xuống nước để có ảnh từ phía dưới lên thật đẹp, hay mạo hiểm đứng trên mép đá để có khung cảnh bao quát, ảnh lung linh. Đó là những tình huống anh có thể chủ động được, nhưng cũng có những lần anh ở trong thế bị động, xoay xở chóng mặt.
Thợ ảnh vất vả để có những kiểu ảnh đẹp cho cô dâu chú rể. Ảnh: Đức Tuấn.
Anh kể hồi đầu năm nay anh nhận một yêu cầu là phải chụp một phóng sự cưới trong đêm. Nhà chú rể xem giờ rước dâu là 12 rưỡi đêm, vì vậy ekip của anh phải có mặt từ tối ở cả hai bên gia đình để có những khung hình đẹp nhất. Mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ cho đến lúc đón dâu.
"Nhà trai vừa ngồi được 10 phút thì bác chú rể đứng lên xin phép về luôn vì sợ không kịp giờ đẹp. Chúng tôi nháo nhào vì chưa kịp chụp, chưa quay", anh Tuấn kể.
Một phóng sự sẽ không thể hoàn hảo khi chỉ có những bước chuẩn bị, không có diễn biến chính, vì thế anh phải ra trình bày để mong thay đổi tình hình. Nhưng các cụ không ai nghe, chỉ cho thêm 2 phút thắp hương rồi đi về luôn.
"Tôi và một thợ nữa chạy tới chạy lui, căn đủ góc, cố gắng chớp thật nhanh để có đủ tư liệu. Ban đêm trời tối om, vừa phải chỉnh sáng, cầm đèn, vừa phải đuổi theo họ hàng hai bên khiến hai anh em toát mồ hôi, dù hôm đó trời gió mùa", anh Tuấn nhớ lại.
Theo Mộc Miên/VnExpress