Những trái hồng gọt sạch vỏ, ngâm qua rượu khử chát, sau đó treo ra nắng, gió để se mặt, bên trong vẫn đượm mật ngọt.
Trên nhiều hội nhóm, các chị em thi nhau khoe ảnh "hồng treo gió". Giá hồng đợt này khá rẻ, dao động từ 20.000 - 35.000 đồng tùy loại nên mọi người mua nhiều về treo khô để ăn dần. Khác với cho vào lò sấy, treo hồng dưới nắng và gió sẽ giúp quả hồng ngon hơn, bên ngoài dai dai, giòn giòn, trong vẫn đượm mật ngọt.
Đỗ Linh, ở TP HCM, khoe hồng treo gió ở ban công. Linh còn tỉ mẩn chụp hồng treo như tác phẩm nghệ thuật.
Tường Vi (Quảng Trị) cho biết cô thấy mọi người thi nhau làm món này nên cũng học làm theo. Hồng mua về gọt sạch vỏ, cho vào nước ngâm rượu 3-5 phút, để ráo rồi mang treo khoảng 3,4 ngày ngoài trời nắng là đem vào ăn. "Tôi mua 3 kg được 40 quả, làm xong chỉ còn lại một chút. Hồng tôi làm chưa khô lắm, nhưng vì hóng quá nên ăn sớm. Ăn vào đã thấy ngon lắm rồi, ngon hơn cả ngoài hàng bán sẵn. Hết mẻ này tôi sẽ làm mấy mẻ nữa, để ăn dần không sắp hết mùa rồi", Vi nói.
Chị Thanh Bình (Hà Nội) cho hay chị biết tới phong trào "hồng treo gió" từ năm ngoái nên đã làm theo được mấy mẻ. Hồng khi khô sẽ ngót đi nhiều, 7-10 kg lúc đầu chỉ còn lại được khoảng 1 kg, tùy theo mình để khô vừa hay khô kỹ.
Chị chia sẻ hồng treo nên mang ra ngoài khi trời nắng vừa, vì nếu nắng to hồng sẽ nhanh mất nước, quả bị khô, không còn dẻo ngon.
Chị Bình (Hà Đông) khoe hồng treo gió "ngon dã man" sau 8 ngày. Trên thị trường giá hồng gió bán sẵn khoảng 400.000 đồng/kg, nhưng nhiều nơi đem vào sấy hết nên không có độ dẻo dai ngon như tự phơi.
Hồng được treo ở khắp nơi, ngoài sân, góc nhà hay ban công chung cư.. Chỗ nào cũng được chị em tận dụng.
Có nhiều người dùng dây buộc quanh tai hồng, hoặc quanh cuống. Một số người đan túi thị hoặc dùng túi lưới bọc hoa để treo.
Chị Nguyễn Thu, người đã vào tận Đà Lạt để học hỏi cách làm hồng treo gió ngon từ các chuyên gia Nhật Bản, cho biết hồng ngon nhất để làm là hồng vuông đồng Đà Lạt và hồng tám hải/ hồng trứng, còn hồng Mộc Châu, giá cả mềm mại hơn chút, tuy nhiên màu sắc thành phẩm lại không đẹp bằng. Năm ngoái, chị Thu làm cả tạ hồng, vừa ăn, vừa biếu họ hàng và bán một phần.
Chị Thu gợi ý khi mọi người treo ở nhà, nên tìm khu vực ít bụi. Có nắng, có gió thì càng tốt nhưng ở mức độ vừa phải, phải tuyệt đối tránh mưa và sương mù vì độ ẩm cao là hỏng cả mẻ.
Nếu đang treo gặp mưa hoặc độ ẩm cao có thể mang hồng cất vào tủ lạnh, đợi hết mưa mang ra phơi tiếp. Hoặc mang hồng vào treo tại khu vực ấm áp, trang bị thêm quạt sưởi hoặc máy sấy thực phẩm, sấy quần áo, để cung cấp nhiệt độ, đảm bảo duy trì nhiệt dưới 30 độ C để hồng ấm áp và se mặt. Nếu phát hiện quả nào xuất hiện mốc, lấy rượu lau sạch rồi treo chỗ khô ráo.
Khi thu hoạch, bạn có thể để vào túi bóng hoặc hút chân không, hoặc để ngoài chỗ râm mát, sau 5-7 ngày, hồng dần dần sẽ lên lớp tường bao xung quanh. Đây không phải là mốc là đường từ mật hồng tiết ra. Sau đó có thể để ngăn mát từ 1-2 tháng. Nếu muốn lâu hơn, nên để ngăn đá.
Theo Mộc Miên/VnExpress