Với nhiều nỗi đau để lại sau khi ly hôn các cô vợ Nhật, nhiều ông bố Tây còn sống trong cảnh đau khổ ngày qua ngày khi bị cấm cản gặp con. Vậy thực hư ra sao?
Emmanuel de Fournas đứng cạnh con búp bê của con gái tại một công viên ở Bangkok (Thái Lan), nơi ông từng chơi đùa với con gái mình - Ảnh: AFP
Emmanuel, Henrik, James, và Stephen có lai lịch khác nhau, nhưng họ chung một số phận: Đấu tranh với hệ thống pháp lý của Nhật Bản để được gặp mặt con sau ly hôn.
Theo hãng tin AFP, đó là thực trạng mà những ông bố Tây kết hôn với phụ nữ Nhật Bản đang đối mặt hiện nay. Nếu mối quan hệ vợ chồng đổ vỡ, các ông bố Tây sẽ bị cấm liên lạc với con cái, dù tòa án ra phán quyết có lợi cho họ.
Luật pháp khắt khe và các chuẩn mực văn hóa tại xứ sở hoa anh đào cho người mẹ quyền chăm sóc con cái gần như tuyệt đối sau ly hôn. Theo các số liệu chính thức, các bà mẹ Nhật hưởng tới 80% thời gian chăm sóc con, tức các ông bố sẽ hiếm khi được gặp lại con mình.
Emmanuel de Fournas, một công dân Pháp, nhiều năm nay đã đấu tranh đòi được cấp quyền gặp con gái sau khi vợ cũ của ông quay về Nhật Bản.
Mặc dù thắng kiện tại Pháp và trình đơn khiếu nại theo Công ước La Haye năm 1980 về Khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế (1980 Hague Convention on the Civil Aspects of International Child Abduction) hồi tháng 9-2014, Emmanuel hiện vẫn còn đấu tranh đòi quyền gặp con gái.
"Tôi nghĩ rằng mình có thể hưởng quyền theo các quy định rõ ràng của Công ước La Haye, nhưng nó không được xem trọng tại Nhật Bản", Emmanuel tâm sự.
Người đàn ông chia sẻ: "Tôi đã mất mọi thứ, từ tiền tiết kiệm cho tới công việc".
James Cook ngồi cạnh đồ chơi và những bức tranh mà con ông từng vẽ - Ảnh: AFP
Cùng chung câu chuyện với công dân Pháp này là Henrik Teton đến từ Canada và James Cook đến từ Mỹ.
"Còn gì là công lý nếu các phán quyết không được thực thi?", Richard Yung, một thượng nghị sĩ Pháp từng đến Nhật để biện hộ cho một số ông bố người Pháp, đặt câu hỏi.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mặc dù Nhật đã ký Công ước La Haye về việc ngăn cha/mẹ chuyển con trẻ sang một quốc gia khác và cho phép con trẻ tiếp xúc với cha/mẹ sau ly hôn, Tokyo vẫn cho thấy "thái độ không ưng thuận" với công ước.
Thậm chí khi các ông bố ngoại quốc thắng kiện tại một tòa án Nhật Bản, việc thực thi vẫn rất lỏng lẻo.
Báo cáo năm 2018 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã mô tả "những hạn chế" trong luật pháp Nhật Bản, chẳng hạn quy định yêu cầu "việc thực thi phán quyết phải diễn ra ngay trong nhà và có sự hiện diện của bố/mẹ giữ quyền chăm sóc", đồng thời "nếu trẻ em muốn rời người cha/mẹ giữ quyền chăm sóc thì phải đảm bảo đứa trẻ không bị những tổn thương về tâm lý".
Vì những tranh cãi liên quan tới vấn đề tổn thương tâm lý ở trẻ em, nếu một đứa trẻ đã sống tách biệt với cha/mẹ đã lâu, nhà chức trách Nhật sẽ càng do dự trong chuyện can thiệp. Họ viện dẫn "nguyên tắc liên tục" để nói về vấn đề này.
Ông John Gomez - Ảnh: AFP
Theo ông John Gomez, nhà sáng lập tổ chức Kizuna chuyên ủng hộ các ông bố/bà mẹ bị chia tách con cái, "không phải vì tòa án Nhật ưu ái các ông bố/mẹ Nhật, mà là vì họ ưu ái ‘kẻ bắt cóc’ - người đang nuôi đứa trẻ".
Chính phủ Nhật cho biết hầu hết trong số 81 vụ kiện được trình lên theo Công ước La Haye kể từ năm 2014 đều đã được giải quyết.
"Hầu hết các vụ kiện mà chúng tôi can thiệp đều đã được giải quyết, nhưng chúng tôi nhận thấy có 6 hay 7 vụ mà phán quyết không thể được thực thi", Shuji Zushi, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nhật, cho hay.
"Trong những trường hợp này, có một sự mâu thuẫn rất lớn giữa hai bên, dẫn tới sự chú ý của truyền thông hay các động thái chính trị", theo ông Zushi.
Một trường hợp đặc biệt là Stephen Lambert. Ông đã mất nhiều năm đấu tranh đòi quyền gặp con trai sau khi đứa bé cùng vợ ông rời khỏi nhà ở Nhật Bản - một trường hợp không được bao hàm trong Công ước La Haye.
"Cảnh sát Nhật không làm bất cứ điều gì trong trường hợp này", Stephen kể lại.
Ông cho biết: "Dựa trên phán quyết của tòa án, tôi được gặp con trai mình trong tổng cộng 14 tiếng đồng hồ vào năm sau đó, nhưng cuối cùng tôi không hề được gặp vì vợ tôi khước từ".
"Tôi không ngừng nghĩ về con trai của mình. Cứ nhìn vào tấm ảnh thằng bé mà tôi rơi nước mắt. Tôi phải học quên dần nó", Stephen chia sẻ một cách đầy xúc động.
Không chỉ các ông bố Tây mà những phụ nữ ngoại quốc kết hôn với đàn ông Nhật Bản cũng chịu cảnh tương tự. Sự chia cách ảnh hưởng không ít tới quá trình phát triển của con cái.
Như trường hợp của Joichiro Yamada. Khi cậu bé mới lên 10, cha (người Nhật) và mẹ (người Mỹ) của cậu đã "đường ai nấy đi". "Cha cháu lúc đó bảo với cháu rằng: Từ nay con sẽ sống với cha", Yamada, hiện đã 20 tuổi, kể lại.
Theo Tuổi Trẻ