Cạn tiền sau khi mua nhà, anh Trọng cứ có khoản dư nào mới là sửa sang, sắm thêm đồ đạc nên căn hộ trông nhếch nhác.
Để có không gian ưng ý, đẹp hài hòa, cần lên ý tưởng, thiết kế tổng thể trước khi sắm đồ đạc. Ảnh: Jaenin.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Đức Trọng, 32 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội về sai lầm khi mua sắm nội thất khiến không gian căn hộ thiếu hài hòa:
Cuối năm 2016, vợ chồng tôi nhận bàn giao căn hộ chung cư gần 70 m2 và về ở ngay để cắt khoản tiền thuê nhà phải trả mỗi tháng. Chúng tôi phải vay ngân hàng tới 70% giá trị căn hộ, tài chính lúc đó cạn kiệt nên xác định sẽ không đầu tư sửa sang nhà nữa mà tận dụng lại các đồ cũ.
Vì mua chung cư bình dân nên căn hộ nhà tôi hầu như chưa có đồ đạc gì ngoài các thiết bị vệ sinh cơ bản. Hầu hết hàng xóm mới đều sửa sang như sơn lại tường, làm trần thạch cao, lắp bóng đèn downlight, thuê thiết kế hay sắm nội thất trọn gói từ bàn ghế, giường tủ, rèm...
Vợ tôi cũng bàn mượn thêm một khoản lãi thấp (nhờ ông bà ngoại vay quỹ tín dụng) tầm vài chục triệu để hoàn thiện cho ngôi nhà nhưng tôi gạt đi ngay. Tôi chủ trương từ lúc nhận nhà là trả bớt được khoản nào hay khoản đó, không vay thêm.
Đến ở nhà mới, tôi chỉ sắm một chiếc tủ quần áo và làm bộ giàn phơi vì không có không được. Giường, bếp mang từ nhà cũ sang. Sau đó 2 tháng, vợ chồng để ra được 3 triệu thì đặt thợ lắp rèm. Cứ thế, vài tháng dư ra được khoản nào thì tôi lại sắm hay làm thêm một món, khi thì sơn lại tường, lúc làm trần, lắp quạt, lần thì ốp tường bếp, rồi tiếp đó là làm tủ bếp, mua bàn ghế ăn, kệ TV... Gần đây, tôi bỏ đi chiếc giường cũ, sắm thêm 2 giường mới, một cho phòng mình, một cho phòng con để cháu lớn ngủ riêng. Chúng tôi cũng phải lắp thêm lưới an toàn cho ban công, cửa sổ vì mấy đứa trẻ nghịch ngợm hay bắc ghế đứng lên rồi ngó xuống từ tầng 20.
Trong suốt thời gian này, vợ tôi kêu trời vì nhà gọn ghẽ được ít ngày thì lại bày bừa khi sửa hay lắp thêm hạng mục nào đó. Không những thế, mỗi lần như vậy, chúng tôi lại mất thời gian ở nhà để trông thợ làm rồi phụ giúp họ khi cần. Do đang ở, nên sau khi lắp đồ gỗ mới hay sơn lại, chúng tôi cũng không thể đợi một thời gian cho bay bớt mùi rồi mới dọn tới mà vẫn phải sống chung mỗi ngày.
Vấn đề lớn nhất là, sau gần hai năm dọn về ở và đã sắm mới gần đầy đủ đồ đạc, chúng tôi nhận ra căn hộ của mình trông xộc xệch vì không món nào ăn nhập với món nào. Phòng khách thì tường màu xanh nhạt theo ý thích của vợ, bộ bàn ghế ăn màu nâu đen vì tôi thấy như thế trông sang, kệ TV và sofa màu gỗ, rèm nhung màu đồng... Phòng ngủ không khá hơn khi tủ quần áo là gỗ công nghiệp sơn trắng, giường gỗ thịt màu sậm, rèm xanh biển... Tủ bếp với kiểu đá ốp xung quanh cũng có vẻ không liên quan...
Không những thế việc làm tủn mủn mỗi lần một thứ còn làm đội chi phí lên. Chẳng hạn, nếu thi công trọn gói rèm, giàn phơi, lưới bảo vệ, hít cửa nam châm... tôi chỉ tốn khoảng gần 6 triệu nhưng vì làm riêng lẻ nên cuối cùng tổng số tiền phải chi là hơn 7 triệu. Với đồ gỗ thì khoản chênh còn lớn hơn nữa. Ngoài ra, khi vào ở rồi, vì thấy không thể không làm, phần vì tính tiện ích, an toàn, phần vì ngại khi có nhiều người tới chơi mà nhà mình còn trống hoác nên rút cục tôi cũng vẫn phải vay thêm để làm chứ không kiên định như ban đầu là có tới đâu làm tới đó.
Bây giờ nhìn lại, tôi thấy đúng là nếu nghe lời vợ vay luôn một khoản để hoàn thiện nhà cửa từ ban đầu rồi sau đó tập trung trả nợ một mối thì vừa tiết kiệm tiền bạc, thời gian, lại đồng bộ được mọi thứ. Giờ sửa lại thì quá tốn kém nên tôi đành chấp nhận, mặc dù ngày nào cũng cảm thấy không hài lòng với những thứ xung quanh.
Theo kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải, TP HCM, tình trạng làm nội thất kiểu chắp vá, tủn mủn như gia đình anh Trọng khá phổ biến. Nhiều người là vì tiết kiệm không muốn thuê thiết kế hoặc thi công nội thất trọn gói, không ít người khác lại nghĩ tự tham khảo trên mạng là đủ nên sắm các món đồ theo ý thích, không theo ý tưởng nào, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, thậm chí tốn kém hơn. Kiến trúc sư Hải cho biết, thực tế, ông gặp nhiều người chỉ coi trọng khung nhà, không để ý đến thiết kế, cách sắp xếp đồ đạc nên tiện đâu mua đó, tới 2-3 năm sau nhìn lại thì nhà mình trông như nồi lẩu thẩm cẩm, mỗi thứ một phách, mất sự hài hòa, tổng thể. Ông Hải cho hay, thực ra, không nhất thiết phải thi công trọn gói nội thất ngay mới có không gian ưng ý. Bạn có thể mua rải rác đồ đạc ở các thời điểm khác nhau, chỉ cần có ý tưởng, bản thiết kế chuẩn về tông màu, chất liệu trước, sau đó, mua gì cũng căn cứ vào đó mà chọn. Thậm chí, có những khách hàng của ông sau khi lên ý tưởng cho căn hộ của mình, biết cần lắp những gì vào phần trống rồi thì đợi có khi tới cả vài tháng đến đợt khuyến mãi để mua được món mình cần vì ngân sách eo hẹp. Đôi khi, chỉ một chi tiết nhỏ như thêm chiếc ghế, treo bức tranh phù hợp... cũng tạo ra sự khác biệt cho không gian sống |
Theo Bảo Ngọc/ Vnexpress