Từ tình yêu với gốm từ thuở ấu thơ, Huỳnh Xuân Huỳnh (19 tuổi), sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, đã nhiều lần về làng gốm Lái Thiêu (Bình Dương), mong muốn đưa gốm truyền thống trở lại với người trẻ hiện đại.
Huỳnh Xuân Huỳnh, chàng trai say mê gốm THÚY HẰNG
Huỳnh Xuân Huỳnh sinh ra ở xã Long Thạnh, H.Giồng Riềng (Kiên Giang). Những chiếc chén, thố, chậu cây... bằng gốm với màu men xanh dịu của gốm Lái Thiêu lớn lên cùng tuổi thơ anh. Đi đến đâu, Huỳnh cũng luôn tò mò với những đồ gốm đẹp. Thế nhưng càng trưởng thành, Huỳnh càng thấy đồ gốm xưa mất dấu.
Nhưng hành trình tìm về làng gốm truyền thống nức tiếng một thời không đơn giản như Huỳnh tưởng tượng. Nghề xưa đã mất dấu, anh đi tìm mãi mới gặp được một số lò gốm ở H.Tân Uyên, chợ Búng (Bình Dương). Nhiều chủ lò gốm thở than có lẽ sắp phải đóng cửa vì sản phẩm không tiêu thụ được, cạnh tranh không nổi với nhiều hãng lớn, dây chuyền hiện đại. Những nghệ nhân xưa nhiều người đã 70, 80 tuổi ngồi vẽ những họa tiết cánh hoa, con gà của gốm Lái Thiêu xưa trong niềm tiếc nhớ nghề quay quắt. “Một cụ bà gần 80 tuổi cầm chổi và đưa tay vài đường nét, hình ảnh con gà hiện ra, dù giản đơn nhưng đúng nét tinh anh, duyên dáng của con gà xưa. Cụ bà phải vẽ hàng chục cái chén mới được trả vài ngàn đồng. Cụ bảo, chẳng biết sẽ được làm nghề này thêm bao ngày nữa”, Huỳnh kể. Anh thuyết phục một số chủ lò gốm cho anh được vẽ và nung một số sản phẩm của riêng mình.
Không có xe máy, Huỳnh đi xe buýt từ TP.HCM đến lò. Đều đặn mỗi lần xưởng chuẩn bị làm mẻ mới, anh đến xin được vẽ, tráng men rồi nung, sau đó bỏ tiền mua hết những sản phẩm mình làm. Ngoài họa tiết con gà, hoa cúc quen thuộc người ta vẫn thấy trên gốm xưa, Huỳnh sáng tạo thêm những hình ảnh con cua, con cá, con rùa, con mèo hay chuồn chuồn... để các đồ dùng như chén, thố gốm gần gũi hơn với đời sống giới trẻ.
Huỳnh bảo, ước mơ lớn nhất vẫn là tìm được một lò gốm truyền thống ở Bình Dương đồng ý hợp tác cùng anh, làm ra nhiều sản phẩm truyền thống với họa tiết mới mẻ, phù hợp với người trẻ, để mang gốm về gần hơn cuộc sống của những người trẻ tuổi. Sau đó, anh sẽ có một không gian nho nhỏ ở TP.HCM, nơi đó chàng trai 19 tuổi có thể bày bán, giới thiệu cho mọi người nhiều sản phẩm như gốm, vải nhuộm tràm, vải thêu tay, cây sen đá...
Huỳnh từng học ngành xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, sau đó nhận ra đam mê thật sự của mình, anh thi vào ngành tạo dáng, khoa mỹ thuật công nghiệp cũng trường ĐH này và vừa trúng tuyển.
Theo Thúy Hằng/ Thanh Niên