Dù sống ở giữa Sài Gòn hoa lệ nhưng con số 20 triệu mỗi tháng cũng không phải là ít. Thế nhưng vợ chồng tôi vẫn chẳng để dành được đồng nào để lo cho con sau này.
Em chồng về sống chung nhưng cũng chẳng hề giúp đỡ tôi việc nhà. (Ảnh minh họa)
Tôi lấy chồng đã gần 2 năm. So với những cặp vợ chồng trẻ khác thì chúng tôi may mắn hơn vì không phải lo chuyện nhà cửa. Bố mẹ chồng sau bao năm tích cóp đã mua sẵn nhà để con trai lấy vợ. Tôi chưa bao giờ phủ nhận sự giúp đỡ lớn lao này của bố mẹ chồng nên lễ tết hay thỉnh thoảng lại gửi biếu ông bà cái này cái kia.
Cũng vì không phải lo lắng chuyện nhà cửa nên vợ chồng tôi không kế hoạch gì cả và có con chỉ một thời gian ngắn sau đó. Khi con được 6 tháng, hết thời gian nghỉ thai sản, tôi có ý định thuê người giữ trẻ thì ông bà nội nhất quyết không cho. Ông bà bảo thời nay bạo hành trẻ nhiều lắm rồi khăn gói từ quê vào Sài Gòn trông cháu dù tôi chẳng hề lên tiếng nhờ. Thực lòng mà nói, tôi không hề muốn ở chung. Nhưng nhà của ông bà thì ông bà vào, tôi chẳng có lý do gì để cản. Tôi đề xuất ra ở riêng thì chồng không chịu, anh bảo: "Nhà cửa đàng hoàng thế này, sao phải đi thuê?"
Ở chung với bố mẹ chồng chưa đủ, ông bà vào được một tháng, cô em gái chồng cũng dọn về. Dù ông bà có lương hưu, em chồng làm tháng cả ngàn đô nhưng mọi khoản từ điện nước, ăn uống, đến cái bóng đèn hư, cái ống nước hỏng cũng đều là tiền của chúng tôi. Dường như mọi người nhà chồng luôn nghĩ rằng vì đã cho căn nhà nên bây giờ chúng tôi phải có trách nhiệm bao nuôi cả nhà.
Tháng đầu tiên tôi gửi ông bà 10 triệu để chi tiêu khi tôi đi làm. Tháng thứ hai bà nói do không rành đường xá nên để tôi tự lo liệu việc chợ búa. Rồi khi em chồng ở chung, bà nói: "Con Nhi có nói với mẹ sẽ phụ tiền ăn uống với anh chị nhưng mẹ bảo không cần. Thêm đôi đũa cái bát có là bao. Với em nó đang gom tiền mua đất nên để nó tập trung". Mẹ chồng đã nói thế chẳng lẽ phận làm con dâu lại đôi co? Nên tôi đành vâng dạ cho qua chuyện dù lòng không mấy vui vẻ.
Nhưng đâu phải chỉ thêm đôi đũa cái bát. Nhà 3 cái máy lạnh, tiền điện cũng ngót 3 triệu. Rồi riêng tiền ăn sáng cũng đã 3 triệu. Ông bà bảo ngày ăn cơm 3 bữa thì ngán nên tôi phải mua đồ ăn sáng riêng. Ngoài những khoản ăn uống cố định ra thì có hàng tỉ thứ phát sinh hàng ngày. Chẳng hạn như: "Tháng này mẹ mệt nên có nhờ bác Tứ mua lạng yến, lãnh lương con gửi lại nhé!" hay "Cây vợt của bố hư, cuối tháng chúng mày đưa bố một triệu mua cây khác". Nói chung cả hai vợ chồng được 20 triệu mà tháng nào cũng hết sạch chẳng tích góp được gì.
Trong khi đó bố mẹ và em chồng, họ để dành tiền rồi cuối năm đi du lịch. Khi đi còn hỏi vợ chồng tôi muốn tham gia cùng không, nếu có thì mỗi người đóng 20 triệu. Không chỉ có thế, lúc ra ngoài, bà lúc nào cũng nói với hàng xóm rằng vợ chồng tôi sướng, có nhà cao cửa rộng để ở, ông bà chăm cháu, đi làm về là có cơm nước sẵn sàng. Mặt khác lại khen em chồng tôi giỏi giang, còn trẻ nhưng đã mua được đất.
Mỗi lần tôi nói với chồng chuyện không tích lũy được gì thì anh bảo: "Có nhà rồi cần gì phải lo. Ở phải thì trời rải cho, em đừng suốt ngày so đo tính toán như thế". Cứ thế nên tôi cũng chẳng muốn nói nhiều nữa. Bây giờ con đã được 20 tháng, tôi muốn cho cháu đi học thì ông bà lại phản đối, bảo ông bà chăm là nhất, không đi đâu cả.
Vừa rồi tôi nói với chồng từ tháng này tôi sẽ trích 5 triệu trong lương để lập tài khoản tiết kiệm cho con, anh đồng ý. Do đó, đồ ăn trong nhà tôi mua ít lại, rau nhiều hơn thịt, chuối nhiều hơn táo… Được một tuần thì em chồng tôi lên tiếng:
- Mình còn trẻ ăn sao cũng được, nhưng bố mẹ lớn tuổi ăn uống phải đủ dinh dưỡng, chị nên xem lại cách đi chợ cho hợp lý.
- Lương 2 anh chị cố định mà ngày càng phát sinh nhiều khoản và vật giá leo thang nên phải ăn tiêu tằn tiện lại mới đủ. Giờ cháu cũng lớn rồi, anh chị còn phải tiết kiệm lo cho cháu nữa.
- Nếu tháng nào thiếu thì chị cứ nói, em sẽ cho mượn chứ không cần nhịn ăn nhịn tiêu kiểu nhà nghèo thế này đâu.
- Lương anh chị chỉ có từng đấy, mượn rồi lấy gì mà trả.
- Thời buổi này mà còn phải lo cái ăn cái mặc thì vợ chồng chúng mày cần xem lại năng lực của mình. Người ta làm chuyện lớn, mua đất mua nhà, còn chúng mày có cái ăn cũng không lo được là dở. - Mẹ chồng tôi nghe được liền lên tiếng.
Đến đây tôi đã quá sức chịu đựng của mình nên tôi nói: "Đúng là con dở thật nhưng suy cho cùng con cũng chưa ngửa tay xin ai một đồng, chưa ăn bám của ai dù chỉ một bữa".
Chồng trừng mắt nhìn tôi, còn tôi không kìm được nỗi uất ức nên bỏ ngang bát cơm giữa chừng, nước mắt chực trào ra rồi bỏ về phòng. Thực sự giới hạn chịu đựng của tôi đã lên đến tột đỉnh rồi. Nếu cứ tiếp diễn như thế này thì tôi sẽ ôm con mà chạy trốn khỏi đây mất.
Theo Trang NF/ Helino