Đi cùng những người bạn tiêu tiền mạnh tay, chồng chị Hằng cũng phải cố chi sang để không bị mang tiếng kém cỏi.
Giày, vợt tốt để chơi tennis có giá tiền không rẻ - Ảnh: NewEnglandsealcoating.
Dưới đây là chia sẻ của chị Lê Thu Hằng, 34 tuổi, hiện sống tại TP HCM:.
Mùa hè năm ngoái, chồng tôi (36 tuổi) thấy hay mỏi lưng và đau cổ tay, bụng bắt đầu phình ra, phải thay một loạt quần cài cúc... nên quyết định đi tập một môn thể thao để khỏe mạnh và lấy lại vòng bụng. Trong lúc còn đang lưỡng lự chọn môn để chơi thì anh được ngay ông bạn thân học cùng cấp ba và đại học rủ đi đánh tennis cùng. Ông bạn cũng chưa biết đánh tennis nên ban đầu, hai người phải thuê huấn luyện viên dạy kèm. Thu nhập hơn 20 triệu, mỗi tháng chồng tôi tốn khoảng 7 triệu cho việc theo đuổi bộ môn này, trong đó có 2,5 triệu tiền thuê huấn luyện viên kèm riêng, 3 triệu thuê sân. Ông bạn muốn thuê sân cao cấp, nói chồng tôi có thể dùng ké nhưng chồng tôi vẫn đòi trả chung. Rồi tiền lặt vặt uống vitamin, cốc bia sau bữa tập, tiền gửi xe, mua trang phục, dụng cụ cũng tốn cả triệu...
Sau mấy tháng học hết khóa cơ bản đến nâng cao, chồng tôi cùng ông bạn kia bắt đầu gia nhập một nhóm chơi tennis vốn là đồng nghiệp và đối tác làm ăn của ông bạn. Anh đi chơi rất chăm chỉ, cứ 6 giờ chiều thứ 3, 5, 7 là xách vợt ra khỏi nhà, đến tối mịt mới về. Nhiều chiều thứ 7, mẹ con tôi đến sân để cổ vũ, rồi ăn nhậu theo các "vận động viên", thấy không khí cũng vui vẻ, sôi động.
Ông bạn là giám đốc một doanh nghiệp về xây dựng và trang trí nội thất nên rất khoái nhậu nhẹt sau buổi tập, để mở rộng giao lưu và tăng cơ hội có thêm bạn hàng. Chồng tôi chỉ là một kỹ sư thuần túy trong một công ty xây dựng của Nhật, đi làm nhận lương, chẳng cần hợp đồng nào nhưng cũng khoái theo bạn nhậu nhẹt giao lưu. Chi phí cho tập thể thao tốn một thì chi phí cho giao lưu sau buổi tập phải tốn đến 2, nên dù không phải trả tiền thuê thầy nữa, tiền sân bãi cũng giảm do có nhiều người thuê chung nhưng tổng tiền cho môn thể thao của chồng tôi lại không hề giảm. Trong khi tôi đi tập yoga và gym ở một hệ thống trung tâm thể thao có tiếng chỉ tốn khoảng 1 triệu/tháng thì chi phí cho tennis (cả ăn nhậu sau tập) của chồng vẫn đều đặn 7-8 triệu/tháng.
Chúng tôi đã mua được một căn hộ 100m2 ở Hoàng Quốc Việt, quận 7 từ ngày mới cưới nên giờ không phải lo chuyện nhà cửa nữa. Trước đây, khi chồng tôi chưa "dính vào" tennis thì hàng tháng hai vợ chồng vẫn bỏ ra được khoảng 5-10 triệu để dành mua ôtô hay lo việc sau này. Từ ngày chồng gắn bó với tennis, khoản tiền dư hàng tháng này không còn nữa.
Vì mấy bạn trong hội tennis đều đi xe 4 bánh nên dù khoản tiết kiệm của chúng tôi mới có 300 triệu nhưng dịp Tết vừa rồi, chồng vẫn muốn rút ra mua một chiếc ôtô 650 triệu. Chúng tôi được bố mẹ chồng cho vay 200 triệu, vay thêm ngân hàng 150 triệu trong 5 năm, mỗi tháng trả gốc và lãi khoảng 3-4 triệu, cộng thêm chi phí nuôi xe vào khoảng 4 triệu/tháng.
Tính ra, từ ngày chồng gia nhập hội tennis, thu nhập của anh đổ vào thể thao, xe và mấy chi tiêu cá nhân là hết sạch, không còn tiền về đưa cho vợ con. Thu nhập gần 20 triệu/tháng của tôi lo chi tiêu hàng ngày cho cả gia đình cũng hết. Tôi nhắc nhở tiền nong thì chồng bảo đang nghĩ cách kiếm thêm.
Từ ngày có ôtô, nhà càng thiếu tiền, cuộc sống rất bí bách, tôi phải cắt giảm nhiều khoản ăn hàng, vui chơi lặt vặt. Tôi rủ chồng nghỉ chơi tennis, thay vào đó hai vợ chồng cùng đi bộ và ra công viên gần nhà tập với những dụng cụ tập miễn phí nhưng anh vẫn chưa đồng ý. Tôi đã phải ra tối hậu thư, nếu chồng không đưa tiền cho tôi tiết kiệm như ngày xưa thì chúng tôi sẽ không thể sinh con thứ hai vì không có tiền đâu mà nuôi.
Hôm qua, nói chuyện với mẹ chồng, tôi được biết, tháng trước, chồng tôi giấu vợ vay thêm mẹ khoảng 50 triệu để mua sắm trang phục luyện tập (2 đôi giày, mỗi đôi 7 triệu, 2 bộ vợt mỗi bộ 4 triệu... cái gì cũng mua hai để tiện thay đổi) và giao lưu bạn bè. Lúc chồng mang mấy món đồ này về, tôi không nghĩ nó đắt như thế. Tôi thấy bực mình quá, từ ngày chồng chơi tennis, sức khỏe không biết cải thiện được bao (vì giảm được chút calo khi luyện tập thì lại tích cực nạp thêm lúc nhậu nhẹt giao lưu) mà đi suốt và cũng không có tiền mang về nhà.
Vợ chồng tôi thu nhập khiêm tốn, bố mẹ hơi khá giả nhưng từ khi chơi với mấy người giàu kia, anh chi tiêu tốn kém như người thu nhập cao. Tôi chưa biết cách thuyết phục chồng thế nào để đưa gia đình trở lại tình trạng cân bằng tài chính như trước kia.
Theo chuyên gia tài chính cá nhân Lê Thị Kim Oanh (TP HCM) đầu tư cho sức khỏe là việc cần làm của mỗi người. Tuy nhiên, có nhiều cách tăng cường sức khỏe rẻ mà vẫn hiệu quả, như đi bộ, đạp xe, chạy... tùy thuộc thể trạng từng người, không nhất thiết phải tiêu tốn đến 1/3 thu nhập như chồng chị Hằng. Trong cuộc sống có rất nhiều nhu cầu đến tiền: chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm, đầu tư. Nếu quản lý tiền theo công thức quản lý tài chính bằng 6 chiếc lọ, nếu xếp việc chơi tennis vào danh mục hưởng thụ (giống như một sở thích), chồng chị Hằng chỉ nên dành cho nó tối đa 10% thu nhập của mình. Còn nếu coi đó như một nhu cầu thiết yếu hàng ngày (gồm cả ăn uống, đi lại...), thì tổng các khoản cũng không nên vượt quá 55% thu nhập. |
Theo Hoàng Anh/ Vnexpress