Cùng tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, đôi bạn trẻ quyết định khởi nghiệp với mô hình du lịch sinh thái ngay trên vườn cây trái quê hương mình.
Ấm và Trang ở mảnh vườn quê mình THIÊN HÀ
Đó là Bùi Phạm Ấm (25 tuổi), trú H.Kế Sách, Sóc Trăng và Bùi Thị Đài Trang (23 tuổi), trú H.Phong Điền, Cần Thơ. Vườn cây ăn trái của gia đình Ấm ở cồn Phong Nẫm, H.Kế Sách, bao nhiêu năm qua bố mẹ anh chỉ biết thu hoạch trái cây và bán cho tiểu thương, thu nhập bấp bênh.
Ngày Ấm về nói chuyện với bố mẹ, muốn làm du lịch ngay trên vườn nhà, cha mẹ phản đối vì lo sợ điều này quá mạo hiểm, cuối cùng Ấm thuyết phục để được làm thử mùa chôm chôm vừa qua (tháng 6.2018). Anh thử chụp ảnh vườn chôm chôm chín đỏ rực và giới thiệu trên Facebook “Vườn chôm chôm 8 Hoài”, bán vé với giá chỉ 40.000 đồng mỗi người vào vườn, cho phép tự tay hái quả, thăm vườn, chụp ảnh thoải mái, mua trái cây mang về giá rẻ. Thành công đến ngoài mong đợi, tuần đầu tiên, mỗi ngày cuối tuần vườn đón 50 người, sau đó cao điểm có đến 300 người/ngày. “Trung bình, mỗi ngày vườn đón 60 người, đó là một khởi đầu tốt”, Ấm nói.
Tuy nhiên, trái cây chỉ theo mùa vụ, nếu hết mùa chôm chôm hay nhãn, măng cụt khó có thể thu hút khách tới vườn. Do đó, Ấm cho hay trong tương lai anh sẽ đầu tư ao cá, vườn sen, trồng thêm táo, các loại hoa, có thể mở cửa đón khách quanh năm để chụp ảnh, câu cá thư giãn, ăn các món dân dã.
Khó khăn nhất với Ấm và người đồng hành đó là cả hai mới ra trường, hạn chế vốn đầu tư và kinh nghiệm. Hiện hai bạn đang lấy ngắn nuôi dài, vừa mở cửa đón khách, vừa thu hoạch trái cây vườn nhà bán tại sạp trái cây sạch tại Cần Thơ để có vốn. Cử nhân ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Cần Thơ này cho biết anh sẽ hoàn thiện kỹ lưỡng dự án, có thể sẽ tham dự cuộc thi kêu gọi vốn để nhận được sự hỗ trợ của nhiều bên.
Là người đầu tiên mang du lịch trên vườn cây về cù lao Sóc Trăng, tuy nhiên Ấm và Trang không hề giữ nghề độc quyền. Để khách có thể thăm nhiều nơi hơn, Ấm kết nối với cù lao của nhà chị gái gần đó (cũng rộng khoảng 20.000 m2) với nhiều cây trái hơn như bưởi, măng cụt để dẫn khách tới. Đồng thời Ấm cũng giới thiệu với các bạn của mình ở Sóc Trăng cách dọn vườn đón khách, để vườn bưởi, mít của bạn bè ở quê có thể cho khách vào thăm thú…
“Tôi không sợ phải cạnh tranh, Sóc Trăng quê tôi vốn có tiềm năng với đất đai màu mỡ, cây trái xum xuê nhưng ít người biết đến. Nếu du lịch sinh thái phát triển, nơi này sẽ có đông du khách biết tới hơn, phát triển kinh tế địa phương, tạo nhiều hơn công ăn việc làm cho bà con”, Ấm nói.
Tháng 9 này, Ấm và Trang sẽ về chung một nhà sau nhiều năm yêu nhau. Trong những giấc mơ đôi bạn trẻ cùng hướng về, có những dự định làm du lịch xanh, ngay trên mảnh đất quê hương.
Theo Thúy Hằng/ Thanh Niên