9
/
59616
Cuộc sống khi về già của những người không có khoản tiết kiệm
cuoc-song-khi-ve-gia-cua-nhung-nguoi-khong-co-khoan-tiet-kiem
news

Cuộc sống khi về già của những người không có khoản tiết kiệm

Thứ 3, 03/04/2018 | 07:59:13
2,070 lượt xem

Nhiều người già Mỹ bế tắc khi vẫn phải mưu sinh, vì thời trẻ không có khoản tiết kiệm nào cho ngày nghỉ hưu.

Một phụ nữ ở California vẫn phải tự mưu sinh khi tuổi đã già. Ảnh: The Atlantic.

Roberta Gordon chưa bao giờ nghĩ mình có thể sống tới 76 tuổi. Bà chắc chắn cũng không hề tưởng tượng tới tuổi đó mình vẫn làm việc. Nhưng mỗi thứ 7, để kiếm được 50 đôla, bà lại phải tới cửa hàng tạp hóa địa phương để giao hàng. "Tôi vẫn phải lao động", bà kể với phóng viên Theatlantic trong phòng cộng đồng của khu chung cư nơi mình sống tại California.

Trong suốt đời mình, Gordon đã làm hàng tá việc - từ lau dọn đến chăm sóc sức khỏe tại nhà, tiếp thị qua điện thoại, thủ thư, nhân viên gây quỹ - nhưng nhiều thời điểm, bà không có công việc ổn định để đóng bảo hiểm xã hội. Bà không có lương hưu và cũng chẳng có khoản dành dụm đủ để dưỡng già.

Vì vậy, ở tuổi 76, mỗi tháng, bà nhận 915 đôla từ quỹ an sinh xã hội và phụ cấp tuổi già của chính phủ. Trong khi đó, tiền thuê nhà - khoản một mình bà phải trang trải sau khi bạn cùng phòng qua đời từ tháng 8 năm ngoái, đã tốn 1.040 đôla/tháng. Bà phải nợ thẻ tín dụng để trả nốt phần còn lại và thanh toán các hóa đơn điện nước, mua thực phẩm và các thứ cần thiết khác. Bà thường xuyên đến nhà thờ xin đồ ăn từ thiện.

Ngày càng nhiều người già rơi vào tình cảnh như bà Gordon khi thế hệ Baby Bombers (nhóm sinh ra trong những năm 1946-1964) đến tuổi về hưu nhưng không có đủ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí sinh hoạt và y tế đắt đỏ. Chẳng hạn, một phụ nữ ở độ tuổi 80 trung bình phải trả 8.400 đôla chi phí y tế mỗi năm, kể cả khi có bảo hiểm. Nhiều người già không có lương hưu vẫn phải làm việc và thường không có đủ tiền tiết kiệm đóng vào Quỹ hưu trí tư nhân để duy trì cuộc sống.

Theo Viện bảo hiểm xã hội quốc gia, khoản tiết kiệm trung bình đóng cho quỹ hưu trí tư nhân với người ở độ tuổi 55-64 hiện chỉ 15.000 đôlaĐiều đó có nghĩa là khi đến giữa tuổi 60, họ hoặc phải thắt lưng buộc bụng, hoặc tiếp tục đi làm để duy trì cuộc sống. "Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy có nhiều người càng già càng nghèo đi", Diane Oakley, giám đốc điều hành Viện bảo hiểm xã hội quốc gia, nói. "Họ sẽ đi từ chỗ cận nghèo tới nghèo".

Vấn đề càng phức tạp hơn khi ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Baby Boomers tới tuổi nghỉ hưu - khoảng 8.000 tới 10.000 người Mỹ bước sang tuổi 65 mỗi ngày, theo Kevin Prindiville, giám đốc điều hành của Justice of Aging, tổ chức phi chính phủ giải quyết đói nghèo ở người cao tuổi.

Theo số liệu từ Cục thống kê dân số Mỹ, người già là nhóm duy nhất có tỷ lệ đói nghèo tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2015-2016. Trong khi tỷ lệ nghèo giảm ở các độ tuổi dưới 18 và 18-64 thì lại tăng tới 14,5% ở nhóm trên 65 tuổi.

Tình trạng này là một mối lo ngại khi hàng triệu nhân công sẽ nghỉ hưu vào vài thập kỷ tới. Nếu người già ngày nay đang phải vật lộn với các khoản tiết kiệm nghỉ hưu, điều gì sẽ xảy ra với lực lượng lao động hiện tại, khi nhiều người trong số đó có công việc bấp bênh, thu nhập manh mún nên chẳng có mấy tiền dành dụm? Làn sóng nghèo đói ở người già hiện nay có thể chỉ mới bắt đầu.

Các nhà nghiên cứu của Cục thống kê dân số cho biết, 2/3 người dân không để dành chút nào vào Quỹ hưu trí hay các khoản tiết kiệm cho việc nghỉ hưu khác. Và điều này có thể có mối liên quan lớn hơn tới nền kinh tế. Nếu các hộ trung lưu hiện nay hạn chế chi tiêu khi họ về hưu, toàn nền kinh tế cũng gánh hậu quả.

Hệ thống tiết kiệm hưu trí tại Mỹ có ba nhánh: Bảo hiểm xã hội, trợ cấp từ chủ doanh nghiệp hay các quỹ tiết kiệm hưu trí và các khoản tiết kiệm cá nhân. Nhưng với sự gia tăng các công việc ít ổn định và thiếu lương hưu, ngày càng nhiều người già phụ thuộc vào bảo hiểm xã hội mà không có hai "chân chống" còn lại để đảm bảo tài chính cho bản thân. Điều này có nghĩa là họ có ít tiền hơn so với lúc còn đi làm: Bảo hiểm xã hội chỉ trả 40% thu nhập trung bình khi họ về hưu, trong khi các chuyên gia tài chính nói rằng người về hưu cần có nguồn thu bằng ít nhất 70% thu nhập trước khi nghỉ để sống thoải mái. 

Người già ngày nay quá phụ thuộc vào bảo hiểm xã hội một phần vì các công ty từng trả lương hưu, trong những năm 1970, lại đặt trách nhiệm tiết kiệm hưu trí sang các cá nhân. Thay vì áp chế độ hưu trí theo mức hưởng - mọi người được đảm bảo có một khoản tiền nhất định mỗi năm khi nghỉ hưu, họ lại thực hiện chế độ hưu trí theo mức đóng - nghĩa là số tiền được nhận của người tham gia phụ thuộc vào số tiền đã đóng góp và khoản tiền lời từ việc đầu tư các khoản đó. Sự thay đổi này tiết kiệm tiền cho các công ty vì nó yêu cầu người lao động, thay vì người chủ, phải gánh rủi ro đi liền với việc đầu tư dài hạn. Điều này có nghĩa là khoản tiền người ta nhận được chịu tác động nhiều hơn bởi sự lên xuống của thị trường chứng khoán, khoản lương của họ và cả tỷ lệ lãi suất. 

Sự suy thoái và xu hướng kinh tế trong các năm qua cũng góp phần làm xấu đi tình hình kinh tế của hàng triệu người cao tuổi. Một số mua nhà khi cơn sốt nhà đất đang lên và sau đó không đủ khả năng trả nợ nên phải bỏ dở. Một số khác đầu tư vào thị trường chứng khoán và bị lỗ. 

Jackie Matthews, hiện 76 tuổi, đã mất khoản đầu tư trong đợt suy thoái kinh tế và sau đó phải bán vội ngôi nhà ở Arizona trước khi nó bị ngân hàng thu hồi. Nay bà sống gần gia đình mình ở Nam California, thuê một căn phòng trong căn hộ của người bạn và chi tiêu chắt chiu, không ăn thịt và chẳng bao giờ mua đồ gì mới.

Nhưng ngay cả những người không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế cũng chật vật tiết kiệm, theo báo cáo năm 2017 của Cơ quan thẩm định trách nhiệm chính phủ. Tiền lương trung bình không tăng bao nhiêu so với những năm 1970 càng khiến người lao động khó khăn trong việc tăng khoản tiết kiệm. 

Với nhiều người cao tuổi, giải pháp cho vấn đề này là làm việc lâu hơn, như điều bà Roberta Gordon đang thực hiện. Ngày nay, khoảng 12,4% dân số Mỹ trên 65 tuổi vẫn đang lao động, tăng lên 3% so với năm 2000, theo Oakley

Deborah Belleau, 67 tuổi, tại khu nhà di động nơi bà đang làm việc ở Palm Springs, California. Ảnh: The Atlantic.

Bà Deborah Belleau, 67 tuổi, đang làm quản lý một khu nhà di động tại Palm Springs, California. Bà đã làm bồi bàn 30 năm và từng phải nhờ tới trợ cấp của chính phủ để một mình nuôi hai con. "Bạn sẽ không nghĩ tới ngày mai khi còn phải lo từng bữa ăn hôm nay", bà nói. Hiện tại, dù nhận trợ cấp 778 đôla từ bảo hiểm xã hội, bà không đủ tiền để mua một chiếc TV hay điện thoại di động khi riêng tiền thuê nhà mỗi tháng đã là 600 đôla. Bà phải làm việc cả ngày dù thỉnh thoảng ngủ dậy không thể bước nổi vì bị đau lưng, đau chân.

Các vấn đề này đặc biệt khó khăn với phụ nữ, một phần bởi họ thường nhận được mức trợ cấp thấp hơn so với nam giới. Năm 2014, phụ nữ cao tuổi nhận được ít hơn trung bình 4.500 đôla mỗi năm từ trợ cấp bảo hiểm xã hội so với đàn ông. Lý do là vì khi đi làm, họ có lương thấp hơn. Việc nghỉ làm nhiều hơn để chăm sóc con cái hay bố mẹ già - đồng nghĩa với việc họ đóng góp ít hơn vào bảo hiểm xã hội và từ đó khoản trợ cấp được hưởng mỗi tháng cũng thấp hơn.

Ít nhất bà Belleau và nhiều người khác còn có sức khỏe để làm việc. Một số người cao tuổi không có tiền tiết kiệm cũng chẳng có bảo hiểm y tế có thể trở thành người vô gia cư trong vài năm khi giá nhà tăng và họ không có khả tăng tạo thu nhập. 

"Tôi chưa bao giờ gặp nhiều người già vô gia cư như bây giờ", Rose Mayes, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Fair Housing Council tại Los Angeles, nói. 

Ở Mỹ, năm 2016, gần một nửa số người độc thân vô gia cư là trên 50 tuổi, trong khi con số này năm 1990 chỉ là 11%. 

Điều gì có thể giúp người cao tuổi hiện nay và các thế hệ sau này bước vào tuổi già an nhàn hơn? Có hai hướng, theo chuyên gia xóa đói nghèo Prindiville: Giúp mọi người tiết kiệm cho tuổi già và giảm các chi phí cho họ khi về hưu.

Với cách thứ nhất, một số bang đang cố gắng xây dựng các chương trình giúp mọi người tiết kiệm, chẳng hạn như thông qua việc khấu trừ từ lương. Hướng thứ hai có thể bao gồm mở rộng các lựa chọn về nhà ở giá cả phải chăng, tạo ra những chương trình giúp người già trang trải các chi phí y tế và cải cách chương trình trợ cấp an sinh để những người cao tuổi nghèo có thể nhận được nhiều lợi ích hơn. Tuy nhiên, thực tế, hiện chính quyền Trump đang đề xuất cắt bớt tiền với khoản trợ cấp an sinh cũng như chương trình phúc lợi cho người tàn tật.

Vài tháng trước, bà Roberta Gordonin ở Corona đi làm chỉ đủ sống qua ngày. Hiện tại, cuộc sống của bà có vẻ ổn định hơn. Tại sao? Bà đã lọt vào danh sách được duyệt vào chương trình cấp phiếu trợ cấp gia cư tự chọn - giúp bà đỡ được khá nhiều tiền thuê nhà. Bà vẫn làm việc ở tuổi 76 nhưng cảm thấy yên tâm hơn. Bà biết, ít nhất thì mình cũng là một trong số những người may mắn khi có đủ thức ăn và một nơi che mưa che nắng khi về già.

Theo Vương Linh/ Vnexpress

  • Từ khóa

Giới trẻ chờ Black Friday 'thứ sáu đen tối' để dọn sạch giỏ hàng

Rất nhiều bạn trẻ tại TP.HCM đã lên sẵn đơn với các mặt hàng muốn mua, quyết dọn sạch giỏ hàng vào 'ngày thứ sáu đen tối' Black Friday tới.
15:18 - 22/11/2024
419 lượt xem

Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương cho 2 phi công vụ rơi máy bay ở Bình Định

Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 2 phi công vụ rơi máy bay YAK-130 ở Bình Định.
14:10 - 22/11/2024
426 lượt xem

Nữ TikToker có thu nhập “khủng” từ nông sản địa phương

Nổi tiếng trên mạng xã hội TikTok với công việc bán hàng online thu nhập "khủng", chị Lê Nguyễn Mỹ Huyền còn hết lòng với công tác an sinh xã hội, nhất là...
11:40 - 22/11/2024
486 lượt xem

Sinh viên muốn làm đúng ngành, doanh nghiệp lắc đầu do đâu?

Ngày hội Công nghệ thông tin - IT Day 2024 do Đoàn - Hội Sinh viên khoa công nghệ thông tin (Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) tổ chức, ước đón...
07:10 - 22/11/2024
593 lượt xem

Trẻ con công nhân khu công nghiệp thiếu thốn mọi mặt, cha mẹ phải gửi về quê

Trẻ là con công nhân khu công nghiệp gần như thiếu thốn mọi thứ. Nhiều cha mẹ phải gửi con về quê, không có điều kiện chăm sóc bữa ăn dinh dưỡng.
16:31 - 21/11/2024
951 lượt xem