Thực chất của công việc này là việc bê lễ, đón lễ khi các gia đình tổ chức ăn hỏi để chuẩn bị cho đại lễ.
Có một nghề không nằm trong danh mục các nghề trong xã hội nhưng lại rất thịnh hành trong những năm gần đây. Người làm nghề này là giới trẻ, những người chưa lập gia đình. Người ta vẫn gọi đó là nghề “bán duyên”…
Nghề “bán duyên” đang rất thịnh hành ở phố thị trong mùa cưới.
Làm nghề vào mùa cưới
Thực chất của công việc này là việc bê lễ, đón lễ khi các gia đình tổ chức ăn hỏi để chuẩn bị cho đại lễ. Xưa kia, công việc này không cần thiết lắm vì đồ lễ thường là gạo, lợn, gà nên chủ yếu là gồng gánh, ở vùng cao ngày xưa và nay, đồng bào dân tộc thường cho đồ lễ vào xe cải tiến để đẩy đến nhà gái.
Nhưng ngày nay, xã hội phát triển, việc tổ chức dạm hỏi với nhiều nghi lễ quan trọng được nhà nhà tuân thủ, đặc biệt là việc sính lễ, rước lễ, giao lễ đối với nhà gái. Chính vì thế, cần có một hàng ngũ nam thanh nữ tú làm công việc này.
Người làm công việc này là những nam thanh nữ tú.
Lễ ăn hỏi thường là 5-10 lễ, tùy theo gia cảnh. Trước ngày ăn hỏi, cả hai gia đình nhà trai, nhà gái đều phải chuẩn bị một đội hình bê lễ, đón lễ. Nhà trai chuẩn bị nam, nhà gái chuẩn bị nữ.
Nếu hai nhà cách xa nhau vài chục, vài trăm cây số thì nhà gái chuẩn bị luôn hộ nhà trai đội hình nam để tránh việc đi đường dài gây nên sự tốn kém. Các tiêu chí cần có ở những người làm nhiệm vụ bê lễ là phải cao ráo, xinh tươi, có học thức, đạo đức tốt. Và đặc biệt, những người này phải còn “tân”, chưa lập gia đình.
Vì thế, việc lựa chọn đội hình chuẩn là rất khó khăn đối với các gia đình, đặc biệt là ở thành phố. Nếu ở vùng thôn quê, người ta có thể nhờ anh em, bạn bè giúp đỡ nhưng ở thành phố thì phải đi thuê người. Vì vậy mới sinh ra cái nghề mà giới trẻ vẫn gọi vui đó là nghề “bán duyên”.
Ở phố thị, dịch vụ cung cấp người “bán duyên” khá sẵn. Người đứng ra làm công việc này chủ yếu đến các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để hợp đồng và chọn người. Công việc này làm khá nhanh và thuận tiện vì sinh viên là những người có học thức, nhanh nhẹn, lại có nhu cầu kiếm thêm tiền, tốn ít thời gian công sức nên dễ dàng nhận lời làm việc.
Sau khi chọn đủ người, người phụ trách chỉ cần tập huấn vài lần về cách đi đứng, hẹn ngày giờ là xong. Trung Hiếu, sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội chia sẻ: “Em làm công việc này vài lần rồi, chủ yếu bạn bè rủ nhau đi làm dịch vụ và thấy thích thú với nó”.
Đa số các sinh viên khi được lựa chọn đi bê lễ thuê cho các gia đình đều hào hứng với công việc và làm việc “hết công suất” cho đến khi hoàn thành. Nhiều bạn trẻ cho rằng, công việc “bán duyên” khá nhàn hạ lại có thu nhập cao. Có xe đưa đón đàng hoàng, được ăn vận đẹp, được nổi bật trong đám hỏi, có thêm một khoản tiền rồi còn được lì xì và dự bữa tiệc túy lúy.
Hoàng Hồng Anh, một nữ sinh trường cao đẳng ở Phú Thọ kể rằng: “Em và các bạn cùng lớp rất hay đi làm công việc bê lễ thuê. Mỗi lần đi chúng em đều được chủ nhà trả công xứng đáng và mời dự tiệc ăn hỏi”.
Ghi lại những bức hình cùng cô dâu chú rể.
Công việc không mấy an nhàn
Tuy thế, công việc bê lễ thuê của giới trẻ không kém gian nan. Ngoài việc trang điểm, ăn mặc chỉnh tề, đi đứng đúng cách thức thì việc bê một mâm lễ cao ngất với bao đồ lễ nặng gồm cả một buồng cau, vài ba chai rượu, các thứ bánh trái, nhà lại xa đường…thì sức nặng đó là quá lớn đối với đôi bàn tay.
Vì thế khi bê lễ, nhiều bạn cảm thấy rất nặng nhưng vẫn phải cố hết sức, vẻ mặt vẫn phải vui tươi. Khi đặt lễ xong thì áo cũng đầm đìa mồ hôi. Nguyễn Đức Hà, sinh viên năm thứ ba tại Hà Nội chia sẻ: “Nhiều lần đi làm bê lễ, em gặp phải mâm lễ toàn hoa quả, nhìn bề ngoài trông rất đẹp và bắt mắt nhưng khi bê từ xe xuống, đi bộ 300 m thì quả là lặc lè”.
Tuy vất vả là thế nhưng dịch vụ “bán duyên” ở nơi phố thị ngày càng đắt hàng bởi chẳng có gia đình nào khó khăn đến mức không bố trí nổi một đội hình bê lễ cho đoàng hoàng.
“Bán duyên” đối với giới trẻ là một sự trải nghiệm thú vị.
Bấy lâu nay có nhiều câu chuyện liên quan đến nghề “bán duyên” như bê xong mà quên không được nhận phong bao lì xì thì coi như mất duyên rồi đi bê lễ nhiều quá kể cả thuê hay hộ thì sợ sẽ hết duyên mà trở nên khó lập gia đình…
Nguyễn Trang Anh (Lào Cai) chia sẻ rằng khi còn là sinh viên, bạn đã từng bê lễ thuê nhiều lần, khi ra trường đi làm, lại tiếp tục bê lễ giúp anh em trong cơ quan tổng cộng trên 10 lần rồi. Đến nay, Trang Anh đã bước sang tuổi 35 mà vẫn chưa lấy vợ. Nhiều người cứ đồn thổi rằng vì đi “bán duyên” nhiều quá nên bị hết duyên mà khó lấy vợ.
Mỗi chuyến đi “bán duyên” đối với giới trẻ không đơn thuần là chuyện làm thuê để có thêm thu nhập mà đó là một sự trải nghiệm hiệu quả. Đây là cơ hội để các bạn trẻ có những hiểu biết về những nghi lễ truyền thống trong lễ cưới của người Việt, có cơ hội được giao lưu, học hỏi.
Tuy nhiên, nếu còn là học sinh, sinh viên thì việc sắp xếp việc công việc này rất quan trọng, tránh việc bỏ bê, xao nhãng công việc chính của mình là học tập./.
CTV Nguyễn Thế Lượng/VOV.VN