Ký ức về bếp lửa như một phần kỷ niệm mãi khắc sâu trong mỗi người theo những năm tháng cuộc đời.
Chắc rằng, cái bếp đã ra đời từ khi loài người tìm ra lửa. Trải qua thời gian, bếp vẫn chung thuỷ với nhiệm vụ là nơi nấu ăn cho con người. Bây giờ đa phần người ta dùng bếp ga. Ngay cả ở nhiều vùng nông thôn thì bếp ga cũng đã trở thành quen thuộc. Nhưng thực tế bếp đã trải qua một chặng đường dài.
Hồi nhỏ, khi đủ để nhận thức về cái bếp thì cái bếp được tôi biết đến đầu tiên là bếp dầu. Khi đó tôi ở cùng bố mẹ trong căn nhà lá tập thể. Nhà nào cũng giống nhà nào, nhà nào cũng dùng bếp dầu.
Bếp dầu khi đó gần như là sự lựa chọn duy nhất cho cán bộ công nhân viên chức. Dễ sử dụng, lửa nhanh, và hiệu quả - là những ưu điểm của bếp dầu. Dẫu rằng hồi đó mua dầu bằng tem phiếu khó khăn lắm nhưng phải chấp nhận thôi.
Khi biết giúp bố mẹ làm việc nhà thì châm bếp là một nhiệm vụ quan trọng. Châm bếp dầu xong, đặt ấm nước lên, và… bàn giao lại. Hôm nào châm bếp lửa xanh được bố mẹ khen lắm!
Đầu những năm 90, khi việc thu tiền điện qua công tơ bắt đầu phổ biến thì vấn đề tiền điện quả là nan giải cho việc đun nấu. Bếp than tổ ong đã ra đời như một sự tất nhiên đáp ứng nhu cầu thị trường. Lại nhà nhà bếp than, người người quạt than...
Bếp than tổ ong có ưu điểm là rẻ cả chi phí thiết bị lẫn nhiên liệu, hiệu suất cao xong cũng có quá nhiều nhược điểm: Độc hại, nhóm bếp lâu và phức tạp, phải bê đi bê lại từ chỗ nhóm sang chỗ nấu, thải ra xỉ than…
Nếu như cái bếp điện dây may so là cái bếp nguy hiểm nhất thì bếp than tổ ong được coi là bếp gây ô nhiễm nặng nề nhất. (ở đây chỉ đề cập trong phạm vi bếp đun nấu gia đình). Tôi nhớ khi nhà bắt đầu đun bếp than tổ ong thì nhiệm vụ của tôi chuyển từ châm bếp dầu sang quạt than.
Để từ một viên than đen sì hồng rực lên, phải mất tới 30-45 phút với giấy báo, củi nhỏ… với quạt giấy quạt nan, khói mù mịt và nhem nhuốc. Bếp than tổ ong vẫn tồn tại đến tận bây giờ và còn lâu nữa; vì nhiều nhà vẫn cần rẻ - đặc biệt là các hàng quán đun nấu phục vụ kinh doanh.
Cái bếp tiếp theo là bếp điện. Khi điện sinh hoạt đã ổn định và không thu tiền theo công tơ thì bếp điện dần chiếm chỗ của bếp dầu. Đun bếp điện sạch hơn, rõ rồi; lại không phải trữ dầu hoả trong nhà hôi rình.
Bếp điện làm bằng dây may so đặt chìm trong cái mâm đất nung xẻ rãnh loằng ngoằng. Nhưng bây giờ nghĩ lại tôi vẫn sợ về cái sự nguy hiểm của bếp điện ấy. Có lẽ đấy là cái bếp mất an toàn nhất trong các loại bếp. Nguy cơ chập cháy, rò điện lúc nào cũng có thể xảy ra.
Chưa hết, một biến thể của bếp dây may so này là cái cục “tàu ngầm” – là một dây may so quấn trực tiếp quanh lõi đất nung, thả trực tiếp vào ấm, nồi để đun nước. Nhanh lắm và cũng sợ lắm! Về sau nhà nào có được cái bếp điện của Liên Xô thì thật là tuyệt vời!
Rồi đến bếp ga... Hồi đầu, bếp ga đặt nổi trên bệ bếp đổ bê tông với cái ống ga chạy trên bề mặt. Bây giờ xây nhà, ai cũng làm tủ bếp với bếp ga mặt kính âm bàn đá. Tủ bếp và bếp sạch sẽ và đẹp như… trong tạp chí nước ngoài, chả thua kém gì bếp Tây. Bếp và phòng ăn gần lại với nhau, gần lại với không gian sinh hoạt chung. Vì vậy bếp phải đẹp, phải sạch là điều hiển nhiên!
Nhưng có lẽ có một cái bếp mãi ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Đó là bếp củi, bếp rơm ở quê nhà. Cái bếp này đã nuôi sống, sưởi ấm và đốt cháy lên ước mơ của bao người, bao thế hệ.
Bếp củi, bếp rơm gắn liền với đời sống làng quê, với đồng ruộng và nền văn hoá nông nghiệp lúa nước. Những sợi rơm vàng sau khi tuốt lúa trở thành thứ chất đốt hữu hiệu mà nhà nào ở quê cũng có.
Sau mùa gặt rơm được phơi rồi đánh đống để ở vườn, ở sân; để dành đun cho tới mùa lúa mới. Rơm hay củi, trấu cháy thành tro lại trở về đồng ruộng cho xanh đồng, tốt lúa - một vòng tuần hoàn rất kinh tế, vệ sinh và hợp lý. Bếp lửa quê nhà dường như không chỉ là nơi đun nấu, mà nó còn chứa đựng những nét sinh hoạt văn hoá dung dị và thuần phác của con người, của làng quê Việt Nam. Bếp lửa ấy là nơi tâm tình trò chuyện, là nơi chia sẻ buồn vui cuộc sống. Bếp lửa ấy trở thành kỷ niệm, thành ký ức theo suốt những năm tháng cuộc đời.
“…Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…”
…
…Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ,
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm,
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa! …” (Bếp lửa - Thơ Bằng Việt)
Hình ảnh người bà, người mẹ, người chị ngồi bên bếp lửa hồng là một hình ảnh quen thuộc tới mức điển hình, đẹp và xúc động. Tôi chưa bao giờ đun bếp củi bếp rơm, nhưng ký ức về bếp lửa quê nhà như thể một điều gì đó ám ảnh. Mỗi lần về quê, việc đầu tiên là tôi xuống bếp, để xem bà tôi có ở đó không, để ngồi với bà bên bếp lửa ấm áp thơm nồng, để tận hưởng những phút giây hạnh phúc và bình dị của quê nhà… Ngồi bên bếp lửa, lặng im mà như đang lắng nghe câu chuyện làng quê bất tận; thấy tâm hồn như lắng lại, bình yên!
Giờ đây, bếp củi rơm nhiều nơi không còn; bếp lửa ấy của bà tôi cũng không còn vì nhà không làm ruộng nữa. Bà tôi cũng không còn khoẻ để ngồi cời bếp. Tôi thì vẫn cứ nặng lòng với những gì xưa cũ, nuối tiếc khôn nguôi…
Tôi làm nghề, đã thiết kế và thi công không biết bao nhiêu cái bếp - bếp to bếp nhỏ, bếp dài bếp ngắn, bếp thường bếp sang… Nhưng tất cả đều là tủ bếp, với tủ trên, tủ dưới, với bếp ga âm bàn, hút mùi, chậu rửa inox, cùng các thứ phụ kiện tiện dụng và hiện đại đi kèm…; vẫn cứ nhớ cồn cào, nhớ đến nao lòng về bếp lửa cũ xưa ấm áp ở quê nhà, mắt cay mà chẳng phải vì khói…
Nhớ lắm bếp lửa đỏ bập bùng ấm áp!
Nhớ lắm mùi thơm nồng rơm rạ!
Nhớ lắm làn khói lam chiều lãng đãng trên những luỹ tre!
Nhớ lắm bóng bà bé nhỏ bên ánh lửa!...
Ngoảnh đi ngoảnh lại sắp hết năm, Tết sắp đến. Ở thành phố thèm được cảm giác ngồi bên nồi bánh chưng, bếp lửa bập bùng mà hàn huyên trò chuyện. Bất giác chợt buột miệng hát bài hát của anh bạn đồng nghiệp:
“… Nhớ mẹ đun bếp, bố ngồi đun bếp
Và chúng tôi đứa reo đứa ca quanh nồi bánh chưng
Này bạn ơi, bếp lửa hồng, ngày xuân cũ
dào dạt mãi đón xuân này
Này bạn ơi, bếp lửa hồng, ngày xuân cũ,
còn nấu trong trái tim chúng ta những nồi bánh chưng…” (Bếp lửa xuân cũ - Ca khúc Nguyễn Vĩnh Tiến)
Theo CTV Hà ThanhVOV.VN