Ngôi nhà trong những ngày đầu năm mới sẽ thêm tươi tắn và rực rỡ khi có sự hiện diện của các loài hoa. Vì thế, trước khi mua cần học cách chăm sóc hoa để tự tin có được bình hoa tươi tắn trong những ngày Tết.
Chăm sóc hoa không quá khó như bạn nghĩ. Bạn đừng để những bông hoa, cành hoa tỉ mẩn chọn lựa mua về nhưng lại bị héo, thậm chí ủ rũ không nở khiến những ngày đầu năm bớt đi nhiều niềm vui. Vì thế, trước khi chọn mua hoa cần hiểu rõ cách chăm loại hoa mà mình chọn để chủ động hơn trong việc làm đẹp nhà.
1. Chọn hoa tươi
Điều đầu tiên cần chú ý khi muốn có những bình hoa đẹp, tươi tắn trong ngày Tết, bạn nên chọn loại hoa mới cắt. Những cành hoa mập mạp, nụ hoa đang hé sẽ là lựa chọn tuyệt vời để nở trong những ngày đầu năm.
Nên chọn các loại cành còn nguyên gốc hoặc nguyên cành lớn. Cầm vào cành hoa thấy hài hòa với nhiệt độ bên ngoài thay vì quá lạnh vì hoa khi được trữ lạnh sẽ không nở hoặc nhanh bị héo. Nên chọn những cành có cả nụ cả hoa, sờ vào hoa thấy cánh tươi, giòn và hơi cứng.
2. Xử lý hoa khi mua về
Sau khi mua hoa về, nếu cắt cành và cắm trực tiếp lên bình hoa hay xốp thì có thể hoa sẽ héo, ủ rũ. Vì thế, khi mua những cành hoa về, điều đầu tiên bạn cần chú ý là xử lý cành bằng nhiều cách khác nhau. Có thể ngâm nước cho những cành hoa ổn định nhiệt độ khi đặt trong nhà.
Với cành đào có thể đốt gốc. Với các loại hoa có nước nên bỏ bớt lá sâu, hoa sâu bệnh và nhánh nhỏ phía dưới. Nên rửa sạch bùn đất bám vào cành hoa để tránh làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và độ tươi của hoa sau khi cắm.
Nên chọn các cành hoa tươi, cứng và có độ đồng đều.
3. Chăm sóc hoa sau khi cắm
Khi cắm hoa, cần bỏ hết các lá hay cành bị giập nát khiến cành hoa nhanh héo. Nên giữ lại các nhành lá phía trên mặt giúp cành hoa được tự nhiên. Khi cắm nên cắm hoa vào nước ấm và dừng kéo thật bén để cắt giúp diện tích tiếp xúc với nước được nhiều hơn, giúp hoa tươi lâu hơn.
Sau khi cắm hoa, bạn nên thay nước hàng ngày để hoa đảm bảo được cắm vào nước sạch. Bình hoa sau khi cắm cũng nên đặt ở những nơi mát mẻ, tránh những nơi quá nắng và có nhiều gió. Đặc biệt, bạn có thể sử dụng dung dịch dưỡng hoa hoặc cho thêm B1 để hoa được bền đẹp và tươi lâu hơn trong ngày Tết.
Ngoài B1, bạn có thể dùng đường, dùng giấm táo, chanh hoặc thuốc aspirin, nước súc miệng để pha một chút vào nước giúp hoa tươi lâu hơn.
Để hạn chế hoa nở bung, giữ độ nở theo ý muốn, bạn có thể dùng keo xịt tóc, cầm bình xịt cách hoa khoảng 30cm và phun hướng lên.
4. Chăm sóc các loại hoa cụ thể
Chăm sóc hoa ly: Hoa ly là loài thân thảo nên rất nhạy cảm với các vi sinh vật khi cắm trong nước ảnh hưởng đến tuổi thọ của hoa. Vì thế, hoa cắt cành khác nhau sẽ có độ nhạy cảm của vi khuẩn khác nhau. Khi cắm hoa, bạn có thể nhỏ vài giọt TOG L-103, loại nước dinh dưỡng chính để cung cấp sự thiếu hụt chất khi cắt cành, kích thích các mạch dẫn hấp thụ nước tốt, kéo dài tuổi thọ hoa và giữ hoa tươi lâu. Bên cạnh đó, để hoa tươi lâu và kéo dài vẻ đẹp nên giữ nước được sạch, không có mùi hôi.
Chăm sóc hoa đào: Hoa đào sau khi mua về cần sử dụng nước sạch để đảm bảo cành đào được tươi tắn. Đào sau khi mua về nên đặt ở nơi khuất gió để tránh hoa và cành bị héo. Nếu cành bị héo nên dùng nước ấm phun sương nhẹ nhàng lên khắp cành. Bên cạnh đó, khi mua cành về nên đốt gốc cháy đen để ngăn nhựa không chảy ra ngoài, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập.
Chăm sóc hoa hồng: Hoa hồng nên chọn loại bông có cánh cứng, giòn, tươi, nụ hé nở. Sau khi mua về cần ngâm nước khoảng 1 – 2 tiếng. Tiếp đó rửa sạch bụi bẩn trên cành hoa, cắt xéo cành và tỉa bớt lá, nhánh trước khi cắm. Khi cắm trong bình nên thay nước 2 ngày 1 lần để hồng nở đẹp và nở từ từ.
Chăm sóc hoa thược dược, lay ơn: Thược dược và lay ơn là loài hoa thân thảo, chứa nhiều nước. Vì thế, khi mua bạn nên lưu ý chọn loại cành có cả củ hoặc gốc để bảo quản trong nước sau khi mua về. Sát Tết bạn có thể cắt xéo cành để cắm sau khi đã rửa sạch bụi bẩn. Thược dược và lay ơn nếu chọn được cành tươi, nụ hé sẽ nở nhè nhẹ, từ từ vào từng ngày Tết. Vì loài hoa này cần nhiều nước nên thay nước và đổ đầy nước vào bình từng ngày.
Theo Mộc Hương/ Afamily