Nấu đồ cúng chay, trồng cây xanh, nói không với hoa đào rừng, chọn hoa quả tươi và trái cây sấy khô thay vì bánh kẹo công nghiệp…; nhiều bạn trẻ đang chọn tết xanh.
Chị Ngọc Bích dạy con gái tưới rau nhà tự trồng đón tết ẢNH: THIÊN HÀ
Chị Đỗ Thị Ngọc Bích, 27 tuổi (ở TP.Hạ Long, Quảng Ninh) khoe bàn tiếp khách ngày tết với những cây sen đá nhỏ xinh xinh chị tự trồng từ 3 năm trước trong chiếc vỏ chụp đèn cũ. Gia đình Bích nhiều năm nay đã nói không với đào rừng để chơi tết vì không muốn tàn phá rừng. Chị thường tự tay trồng cây cảnh, hoa tươi khắp nhà, đến dịp tết thì hoa và cây tự khoe sắc.
“Tết, không phải mua càng nhiều thì càng vui”
“Nhiều người nói tết dần nhạt đi, tôi thì vẫn thấy tết đậm đà, vì đây là dịp tôi có thể dạy con gái những giá trị truyền thống, những ý nghĩa tích cực của tết. Tết với tôi là giảm cỗ bàn ăn nhậu, giảm mua sắm, không phải cứ mua cho nhiều thì càng vui”, chị Bích nói.
Chồng chị Bích, anh Bùi Tất Đạt, 31 tuổi, cũng ủng hộ vợ trong việc đón tết xanh. Anh đã tận dụng các thanh gỗ bỏ đi đóng thành các thùng trồng rau và hoa, anh cũng mua thêm sơn và trang trí thành những thùng gỗ nhiều màu sắc trong dịp năm mới. Năm nay, vợ chồng chị Bích sẽ bàn với mẹ nấu đồ cúng chay, mâm cơm ăn trong ngày tết cũng giảm bớt thịt lợn, gà, bò, tăng các loại rau, trái cây. Thay vì chọn các loại nước ngọt đóng chai, bánh kẹo công nghiệp, chị chọn trái cây tươi, hoa quả sấy vì chúng tự nhiên, tốt cho sức khỏe và môi trường.
“Chúng tôi cũng bàn với bố mẹ chồng, có thể vẽ những bức tranh mùa xuân để tặng mẹ đẻ tôi, vừa ý nghĩa lại tiết kiệm. Chúng tôi cũng tặng quà bố mẹ là món ăn tự làm chứ không phải bánh kẹo công nghiệp, bọc nhiều túi ni lông”, chị Bích chia sẻ.
Sử dụng đồ trang trí tái chế
Chị Nguyễn Thu Hà, 33 tuổi, sống ở H.Tiên Lữ, Hưng Yên, cho hay ngày thường chị và gia đình có thói quen phân loại rác, ngày tết cần tăng cường việc này hơn khi số thực phẩm, hàng hóa mua về nhiều hơn. “Chúng tôi chỉ bỏ rác vô cơ không phân hủy được vào thùng để nhân viên chở rác mang đi. Còn lại thức ăn thừa, vỏ trái cây, rau héo úa… chúng tôi có hầm ủ để thành chất thải, có thể bón cây”, chị cho biết.
Trong khi đó, mẹ chị Hà là bà Phạm Thu Phương, 61 tuổi, thường xuyên mang theo làn đi chợ để không lấy quá nhiều túi ni lông. Bà cũng giữ lại các túi ni lông có thể tái sử dụng, tránh thải nhiều loại túi này ra môi trường.
Anh Nguyễn Vương Hiền (38 tuổi, ở P.9, Q.8, TP.HCM, nghề kinh doanh), cho biết tết xanh là khi chúng ta biết tái sử dụng đồ trang trí các năm trước, không sử dụng bao lì xì làm bằng ni lông.
“Sau mỗi dịp tết, tôi thường thu lại các loại đèn nhấp nháy, bao lì xì chưa xài, thiệp treo, dây kim tuyến, đèn lồng… trang trí cất vào một nơi, tết sau lại mang ra lau, giặt sạch sẽ và dùng như mới. Tôi cũng thường lì xì cho các con cháu trong nhà phong bao làm bằng giấy có thể tái chế”, anh Hiền chia sẻ.
Không đốt nhiều vàng mã
Chị Trần Phương Anh, 22 tuổi, cử nhân Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, ủng hộ đón tết xanh bằng những việc đơn giản như không đốt nhiều nhang, vàng mã ở gia đình hoặc khi đến đền chùa, nấu nhiều món chay trong mâm cỗ tết truyền thống, ăn nhiều rau xanh, trái cây…
Chị Phương Anh chia sẻ bí quyết đón tết xanh từng áp dụng các năm trước: “Tôi thích trồng cây. Dịp tết nào chúng tôi cũng về quê ngoại ở Hải Dương thăm ông bà, người thân. Tôi nói với bố tôi chuẩn bị các cây ăn quả như sấu, khế ngọt, hoặc cây có bóng mát, có thể lấy lá uống như vối để chúng tôi có thể trồng trong mảnh vườn của bà ngoại vào năm mới. Mỗi năm về thăm quê, nhìn những cây mình trồng lớn dần lên có một cảm giác vô cùng thú vị”.
Theo Thúy Hằng/ Thanh Niên