Cố đổi nhà to hơn hay cho con vào trường tư đắt đỏ khi chưa đủ tiền có thể khiến bạn hối hận sau này.
Độ tuổi 20 tạo dựng nền tảng và xây dựng các thói quen tài chính tốt. Tuổi 30 đánh dấu các thay đổi trong cuộc đời như kết hôn, sinh con, phát triển sự nghiệp. Ở độ tuổi 40, mọi thứ tiếp tục nhân lên: Con cái đã lớn và bố mẹ già thêm và cái bạn thiếu là những khoảng thời gian rảnh.
Có rất nhiều điều bạn có thể làm trong độ tuổi 40 để bảo vệ tiền bạc và chăm lo cho gia đình trước khi nghĩ về việc nghỉ hưu khi bước sang tuổi 50, 60. Dưới đây là những điều bạn nên tránh, theo Businessinsider:
Mua thêm nhà vượt quá khả năng
Gia đình đông thêm hay các con lớn hơn, ngôi nhà ban đầu không còn đáp ứng đủ nhu cầu nữa. Bỗng nhiên, bạn muốn có thêm không gian cho con vui chơi và muốn con lớn lên ở nơi có nhiều bạn bè cùng tuổi. Ý muốn này khiến bạn nghĩ tới việc mua nhà rộng hơn, có vườn to thêm và ở khu vực dân trí cao. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc khoản vay sẽ lớn hơn, tăng chi phí bảo trì và thuế bất động sản.
Chi quá nhiều cho con cái
Ngày nay, nhiều người dồn hết mọi nguồn lực cho con cái: học thêm, đi du lịch, tham gia các cuộc thi, vào trường tư đắt tiền, đi trại hè....
Thật khó để nói không với những thứ con mình mơ ước và bạn thực sự muốn mang đến cho con tất cả không chỉ vì tình yêu với con mà còn bởi áp lực đến từ những phụ huynh khác, hàng xóm, đồng nghiệp...
Đây là thời điểm tốt để đánh giá lại các giá trị tiền bạc của bản thân và dạy con cái về việc tự tạo ra giá trị sống cho trẻ. Với cách đó, cả gia đình sẽ dùng tiền và thời gian vào những thứ thực sự quan trọng với mỗi người thay vì vào những điều mà hàng xóm đang làm.
Không tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu vì còn để dành tiền cho con vào đại học
Đặt con cái lên trên hết là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, sẽ đáng ngại khi vì thế mà cha mẹ quên tiết kiệm cho mình khi về hưu.
Thực tế là con cái bạn có thể mượn tiền để vào đại học nhưng bạn thì lại chẳng thể vay nữa lúc không còn làm việc. Bạn nghĩ rằng mình lo cho con thì con sẽ hỗ trợ mình khi tuổi già mà quên rằng lúc đó trẻ có khi còn bận chăm lo cho con cái của chính mình. Và như vậy đó có thể trở thành một gánh nặng lớn cho con cái trong tương lai. Món quà thực sự dành cho con chính là sự chuẩn bị vừa đủ cho mình khi về hưu và sau đó là tiết kiệm cho con học hành.
Không có quỹ khẩn cấp đủ lớn
Khoản quỹ 50 triệu khi tuổi 22 có thể đủ khi bạn chỉ có một mình nhưng bây giờ bạn đã có gia đình lớn với rất nhiều vấn đề phát sinh có thể cần chi phí cao. Khi đó khoản dự phòng cũng phải to thêm. Chẳng hạn, khi trẻ, nếu mất việc, bạn có thể lang thang vài tháng, trả nhà thuê để chuyển về ở với bố mẹ. Thử tưởng tượng cảnh bạn mất việc lúc đang phải trả khoản vay mua nhà mỗi tháng và nuôi 3 đứa con tuổi ăn học.
Để không rơi vào cảnh bấn loạn như vậy, hãy luôn duy trì khoản quỹ đủ cho 3-6 tháng sinh hoạt của gia đình và có một khoản thu thụ động hay đầu tư nào đó để có thể rút từ từ trong khoảng thời gian dài.
Không hoạch định di sản
Không ít người trong lúc chịu nỗi đau mất cha, mẹ lại phải chật vật đối mặt với các rắc rối liên quan tới tài sản của phụ huynh. Vì vậy, cần thiết phải có kế hoạch về tài sản để lại nhằm hỗ trợ gia đình nếu lỡ mình qua đời hoặc mất khả năng lao động.
Không có phương án bảo vệ tiền trong các biến cố như ly hôn
Không may là, ly dị đang xảy ra với nhiều gia đình ở độ tuổi này và nó có thể gây suy sụp về tài chính, đặc biệt là cho phụ nữ. Đây là lý do tại sao vợ chồng cần phải tham gia tích cực vào kế hoạch tài chính cho gia đình. Thường trong nhà, một người nắm giữ toàn bộ tiền thì người kia dễ rơi vào tình trạng tay trắng nếu hôn nhân kết thúc.
Nếu hôn nhân của bạn có nguy cơ này, hãy giữ bản kê chi tiết các tài sản trong gia đình và tư vấn luật sư để hiểu rõ luật bất động sản có thể ảnh hưởng thế nào tới những tài sản bạn hay vợ/chồng mình đứng tên.
Không trò chuyện với bố mẹ mình về tài chính của họ
Cũng quan trọng như việc bạn hoạch định di sản sẽ có lợi cho con cái mình, cần thiết phải nói chuyện với bố mẹ về các tài sản, nhà đất của họ.
Người già rất dễ tự ái khi nói về vấn đề tài chính bởi họ tự tin là mình đã quản tiền bao năm qua nhưng thời nay có rất nhiều điều khác xa thời trước. Hơn nữa, bố mẹ có thể mắc chứng đãng trí, suy giảm nhận thức, vì vậy bạn cần giúp họ trong các quyết định tài chính.
Một số người già mãi về sau mới nói với con cái việc mình không tiết kiệm đủ khi về hưu hay mong đợi được các con hỗ trợ. Điều này có thể khiến con cái bất ngờ, chưa lên được kế hoạch giúp đỡ cha mẹ kịp thời hoặc phải bỏ lỡ mục tiêu của chính mình để đỡ đần phụ huynh.
Theo Vương Linh/ Vnexpress