Chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu chỉ nên chiếm 50% thu nhập hàng tháng, cần tiết kiệm ít nhất 3 tháng lương nếu bạn sống độc thân.
Theo khảo sát của Master Card năm 2016, Việt Nam đứng thứ 16/17 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chỉ số am hiểu tài chính - bao gồm hoạch định, kỹ năng đầu tư, quản lý tiền cơ bản… Điều đó cho thấy, quản lý chi tiêu cá nhân là kỹ năng quan trọng nhưng chưa nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.
Nếu không biết cách quản lý tài chính cá nhân, vòng xoáy của nhận lương - tiêu pha - trả nợ - nhận lương… sẽ tiếp diễn không có hồi kết. Để trở thành người chi tiêu thông minh, bạn có thể tham khảo các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân dưới đây:
Lập mục tiêu
Một mục tiêu thông minh cần hội tụ đủ 5 yếu tố tương ứng với năm chữ cái đầu của SMART: cụ thể (specific), đo đếm được (measurable), vừa sức (achievable), thực tế (relevant), có thời hạn (time bound).
Chi tiêu mất kiểm soát khiến nhiều bạn trẻ rơi vào vòng xoáy: tiền càng nhiều, tiêu càng nhanh.
Với nguyên tắc này, bạn có thể định hình và nắm giữ mục tiêu trong tương lai. Bạn sẽ biết năng lực của bản thân và xây dựng kế hoạch cụ thể cho chúng.
Ví dụ, mục tiêu "tôi muốn tiết kiệm tiền đi du lịch châu Âu" khá mơ hồ, nhưng “tôi sẽ tiết kiệm 2.300 USD để đi du lịch châu Âu vào tháng 12 năm 2018” thì cụ thể và tốt hơn nhiều. Chỉ khi xác định được chính xác, bạn mới có thể nỗ lực đi đúng hướng.
Quản lý tài chính
Sau khi đã có mục tiêu, bạn cần lên ngân sách thu chi phù hợp và thường xuyên đánh giá kết quả để xem như vậy đã hợp lý chưa, cần điều chỉnh gì không.
Nếu thấy khó khăn, bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của công cụ quản lý tài chính. Hiện nay, trong thời đại 4.0, có nhiều ứng dụng ra đời nhằm giúp người dùng tiết kiệm thời gian, công sức. Hầu hết các ứng dụng đều dễ sử dụng, trực quan và tiện lợi, nằm ngay trên chiếc điện thoại, như Money Lover hiện có mặt trên cả điện thoại Android và iOS.
Lập ngân sách
Sau khi đã nắm vững tình hình tài chính cá nhân, bạn nên tạo lập ngân sách theo quy tắc 50-20-30. Quy tắc này do bà Elizabeth Warren - giáo sư tại trường đại học Havard đặt ra.
Theo đó, 50% thu nhập sẽ dành cho các chi phí cố định như tiền nhà, điện, nước, xăng xe... 20% cho mục tiêu tài chính, gồm tiền tiết kiệm và đầu tư. Bạn cũng có thể thêm những khoản nợ cần chi trả ở mục này.
30% còn lại cho chi tiêu linh hoạt theo cách bạn muốn. Phân bổ số tiền hợp lý sẽ giúp bạn tránh khỏi nợ nần nếu chi quá nhiều cho quà cáp và du lịch.
Tiết kiệm
Quy tắc tiết kiệm 3-6-9 được nghiên cứu và tạo ra bởi LearnVest, một công ty tài chính top đầu của Mỹ sẽ hữu ích cho bạn. Để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, bạn cần tiết kiệm ít nhất 3 tháng lương nếu sống độc thân, chưa có con; 6 tháng lương nếu bạn đã có gia đình và có con; 9 tháng lương nếu bạn là người làm việc tự do hoặc chủ doanh nghiệp.
Theo Thế Đan/ Vnexpress