"Mức lương khủng không phải là tấm vé đưa bạn tới hạnh phúc và cuộc sống thoải mái", cô gái Mỹ viết.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của Anne, một cô gái Mỹ 30 tuổi có lương cao nhưng luôn cảm thấy kiệt sức vì công việc và cuộc giằng co giữa chuyện có nên đánh đổi tất cả vì thu nhập trên The Finacialdiet:
Tôi là cô gái độc thân 30 tuổi, kiếm được tầm 128.000 USD (khoảng gần 3 tỷ đồng) mỗi năm. Tôi chưa gắn bó với ai và cũng chẳng có gánh nặng nào phải lo về tài chính như phụ giúp gia đình hay trả nợ nần.
Nhìn chung, tôi khá khôn ngoan trong vấn đề tiền bạc, có một khoản tiết kiệm tương đối lớn và đang đầu tư sinh lời tốt. Tôi có khả năng để dành khoảng 30% tiền lương mỗi tháng sau thuế mà vẫn có cuộc sống rủng rỉnh.
Ảnh minh họa: TheSelfEmployed.
Thực sự, cuộc sống của tôi vẫn bế tắc mặc dù thu nhập đảm bảo cho tôi có cuộc sống đầy đủ. Tôi, giống như nhiều người khác, từng hình dung rằng khi lương của mình đạt tới mức độ nào đó thì mọi thứ khác sẽ dễ thở và ổn hơn. Tôi không có khoản nợ đại học (do tôi kiếm được học bổng ở một trường không quá tiếng tăm), vì thế, đáng lẽ ra, tôi phải ở vị trí tận hưởng thành quả của mình. Nhưng, dù thoải mái về tiền bạc và không phải lo lắng gì nhiều về tình trạng ổn định tài chính, tôi lại chẳng cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày. Cuộc sống của tôi chẳng vui chút nào. Để tôi giải thích một chút.
Tôi làm phân tích tài chính trong một công ty thời trang ở một thành phố sầm uất. Căn hộ 2.000 USD/một tháng tôi đang thuê rất tiện nghi, nằm ở khu vực đáng sống. Công việc của tôi là đến các doanh nghiệp và phân tích tình hình tài chính công ty để giúp họ tìm ra hướng cải thiện. Điều này có nghĩa là tôi thường xuyên đi công tác vì vài tháng lại có khách hàng mới.
Hầu hết khách hàng của tôi đều không mấy dễ chịu. Chúng tôi không được đối xử một cách tôn trọng và nhiều khi tôi phải chịu đựng thứ văn hóa doanh nghiệp cũ kỹ, cứng nhắc. Họ biết rằng chúng tôi có thể sắp tạo ra một số thay đổi ở công ty họ, như sẽ có người bị sa thải, tái cơ cấu tổ chức... nên đôi khi có thái độ hết sức đề phòng, thậm chí thù địch.
Và hơn thế nữa, tôi không tìm được sự đam mê với công việc. Tôi hiếm khi cảm thấy được truyền cảm hứng từ một khách hàng nào đó và mỗi ngày đi làm đều dài vô tận. Tôi kiệt sức từ những chuyến công tác liên tục và thường quá mệt hay quá bận rộn tới mức chẳng kịp hưởng số điểm thưởng ở các hãng hàng không hay khách sạn mình ở. Tôi biết đây là vấn đề của những người sống quá đầy đủ nhưng đôi khi, tôi cảm thấy muốn tìm một công việc khác, lương thấp hơn nhưng khiến tôi thực sự hào hứng mỗi ngày đi làm. Nhưng tôi lại chưa dám rời bỏ vị trí cũ.
Không hẳn ai lương cao cũng như vậy nhưng phần lớn những người tôi biết, thì những giờ dài mệt mỏi là cái giá họ phải trả để có được thu nhập tốt. Cũng có một số vị trí mà bạn vẫn có được sự tự do, cảm thấy ý nghĩa, có được sự cân bằng giữa công việc của cuộc sống cá nhân và được trả lương cao nhưng số đó rất ít. Tôi, hay nhiều người khác, để có thu nhập này thì phải làm việc theo yêu cầu gắt gao, chỉ có vài giờ lướt qua các ứng dụng hẹn hò vui vẻ và tốn thời gian dài di chuyển trên đường để tới chỗ làm.
Hiện tại, tôi vẫn chọn ở lại với công việc này vì coi đó là một cơ hội và đặc quyền giúp mình có thể tiết kiệm được số tiền lớn trong vài năm tới và sau đó có thể sẽ thay đổi nghề nghiệp. Dù kiệt sức mỗi ngày, những người có lương cao có cơ hội để tích lũy được vốn khá theo cách mà nhiều người không làm được, miễn là họ đừng có thói quen tiêu xài kiểu vung tay quá trán.
Nhưng đừng ai tự huyễn hoặc rằng thu nhập khủng là tấm vé đưa mình tới hạnh phúc và sự thoải mái bởi vì thực tế không phải vậy. Bạn vẫn có thể rơi vào cảm giác chán nản, bế tắc khi có nhiều tiền và những lúc đó, bạn dễ sa vào các cách phung phí tiền bạc để tìm lại sự cân bằng. Còn với những người như tôi, biết tính toán chi ly giữa tiêu xài và tiết kiệm thì đôi khi đó cũng là một cuộc giằng co không dễ dàng.
Theo Vương Linh/ Vnexpress