BGTV- Những câu chuyện về giáo dục giới tính (GDGT) với nhiều gia đình Việt Nam vẫn được xem là đề tài “tế nhị” ít được đề cập đến trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, không khó để các em đang độ “tuổi ăn tuổi lớn” tiếp xúc được với nguồn thông tin này, đáng lo ngại là chính sự e dè của một số bộ phận người lớn, không trang bị kiến thức cho con em mình đã khiến trẻ khép kín, không muốn chia sẻ và đi “lệch hướng” trong nhận thức.
Tại các nước phát triển, GDGT đã trở nên phổ biến từ khi trẻ con rất nhỏ, các kiến thức về giới tính, cách bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại được đề cập từ khá sớm, tuy nhiên với nước ta, vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi khi một số phụ huynh cho rằng không nên “vẽ đường cho hươu chạy” hay “đến tuổi tự sẽ biết” – đây có lẽ là câu nói thường trực của nhiều bậc phụ huynh khi được hỏi về chuyện tình yêu, tình dục của con em mình khi bước vào lứa tuổi dậy thì.
Chị Lê Thị T. (thị trấn Neo, Yên Dũng) có con gái lớn năm nay học lớp 11, song chị T cho biết rất ít thời gian để đề cập đến những vấn đề này. Chị chia sẻ: “Công việc chợ búa bận rộn nên cũng ít khi nói chuyện giới tính với con, mà nhiều khi vấn đề này tôi cũng chẳng biết phải nói gì vì ở nhà có máy tính, cần tìm hiểu gì cháu nó toàn lên mạng xem là có hết, trước các cụ cũng có dạy gì mình đâu vẫn con đàn cháu đống đầy ra đấy thôi”.
Việc tìm hiểu kiến thức về GDGT trên mạng internet là “con dao hai lưỡi” đối với lứa tuổi vị thành niên.
Không chỉ riêng chị T mà còn rất nhiều bậc cha mẹ có con ở độ tuổi vị thành niên khi được hỏi đều có chung thái độ và câu trả lời như vậy, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa sự thờ ơ, thiếu hiểu biết ngay cả chính ở những “thế hệ đi trước” đã khiến khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lớn. Cuộc sống mưu sinh hằng ngày đã khiến họ vô tình quên mất thiên chức giáo dục con cái của mình.
Ngại ngùng khi chia sẻ, tâm lý khép kín trước những vấn đề “tế nhị” của người lớn đã khiến nhiều trẻ tự mày mò tìm hiểu, song đối với vấn đề sức khỏe sinh sản, giới tính, việc “tự học” của những trí tuệ còn non nớt đôi khi lại trở nên sai lệch. Theo quy luật tự nhiên, bước vào độ tuổi dậy thì, các em có xu hướng độc lập trong suy nghĩ và hành động, muốn được coi và được đối xử như người lớn, nhưng trong suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ, các em vẫn là những đứa trẻ, sự khác biệt trong suy nghĩ, sự xa cách trong tâm lí cùng vô số mối quan tâm thường nhật vô hình chung đã làm khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa.
Việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết đối với vấn đề GDGT có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất, đây là “báo động đỏ” đối với xã hội bởi lẽ hệ quả từ sự thiếu hiểu biết sẽ để lại tổn thương nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến nhận thức và sự phát triển của thế hệ trẻ trong tương lai. Mỗi bậc phụ huynh cần hiểu rằng việc cung cấp kiến thức về lứa tuổi dậy thị, về sức khỏe sinh sản, tình dục... là cách trang bị kỹ năng sống để trẻ tự điều chính hành vi của mình một cách đúng đắn, lành mạnh, tránh những sai lầm không đáng có.
Công tác định hướng nhận thức cho trẻ trong vấn đề giới tính nên tiến hành từ sớm.
Theo TT Chăm sóc SKSS tỉnh Bắc Giang, việc trang bị kiến thức giới tính cho con nên bắt đầu từ cấp bậc tiểu học, hoặc ngay khi trẻ những câu hỏi, thắc mắc đầu tiên về vấn đề này. Cha mẹ cũng nên cởi mở, thẳng thắn và trung thực trong cách trả lời, sử dụng những ngôn từ, cách biểu đạt dễ hiểu để trả lời trẻ, không nên né tránh hay không trả lời bởi ở lứa tuổi nhỏ, cha mẹ là “điểm tựa” an toàn duy nhất, nếu người lớn “phớt lờ” thắc mắc, từ những lần sau trẻ sẽ thu mình lại và không muốn tìm hiểu thông tin, giải đáp thắc mắc của bản thân. Với những trẻ ở độ tuổi lớn hơn, bên cạnh việc trò chuyện cởi mở cha mẹ có thể trang bị kiến thức GDGT cho trẻ thông qua sách, phim vui về giới tính có chọn lọc, đây cũng là hình thức rất phổ biến trên thế giới.
Xã hội ngày càng hiện đại với những thay đổi không ngừng, việc bảo vệ con em mình trước những luồng thông tin giới tính sai lệch là việc làm rất cần thiết mà mỗi bậc phụ huynh cần lưu tâm. Để làm được điều đó, việc trang bị “lá chắn” cho trẻ bằng sự hiểu biết đầy đủ, rèn luyện cho trẻ lối sống lành mạnh, khoa học sẽ giúp các con tự tin, bản lĩnh trong cuộc sống. Và trên hết, dù là cách giáo dục như thế nào, cha mẹ cũng cần thường xuyên quan tâm, nên vui khi con em mình đặt câu hỏi, bởi chính lúc này, khoảng cách giữa các thế hệ sẽ dần được thu hẹp, là điểm tựa tin cậy giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về nhân cách và thể chất.
Minh Anh