9
/
174412
Phụ huynh hoảng sợ vì con nói chuyện với AI nhiều hơn nói chuyện với mình
phu-huynh-hoang-so-vi-con-noi-chuyen-voi-ai-nhieu-hon-noi-chuyen-voi-minh
news

Phụ huynh hoảng sợ vì con nói chuyện với AI nhiều hơn nói chuyện với mình

Thứ 2, 30/12/2024 | 15:55:00
3,204 lượt xem

Trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng tìm đến trí tuệ nhân tạo (AI) để trò chuyện, giải đáp thắc mắc và thậm chí là tìm kiếm sự an ủi. Điều này không chỉ làm gia tăng khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình mà còn khiến nhiều phụ huynh lo lắng về tác động tâm lý và xã hội đối với con cái.

'Tại sao con phải giao tiếp với con người, trong khi nói chuyện với AI vui hơn'?!

Tại một buổi nói chuyện về nghệ thuật tổ chức cuộc sống hôn nhân, gia đình do Sở Y tế TP.HCM tổ chức vào tháng 12.2024, tiến sĩ Tô Nhi A, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, đã đặt ra câu hỏi: "Tương lai, liệu thế hệ Alpha có hỏi ba mẹ rằng tại sao con phải giao tiếp với con người?". Câu hỏi này khiến rất nhiều bậc phụ huynh băn khoăn.

Phụ huynh hoảng sợ vì con nói chuyện với AI nhiều hơn nói chuyện với mình- Ảnh 1.

Tiến sĩ Tô Nhi A trò chuyện cùng các bạn trẻ ẢNH: PHƯƠNG VY

Theo tiến sĩ Tô Nhi A, thế hệ Alpha – những đứa trẻ lớn lên trong thời đại công nghệ số – đang dần quen với việc giao tiếp qua điện thoại, AI... Trẻ cảm thấy nói chuyện với ba mẹ không còn thấy vui, đặc biệt trong bối cảnh các bậc phụ huynh thường thiếu kiên nhẫn hoặc không đáp ứng được nhu cầu trò chuyện của con. "Mẹ nào nhẫn nại thì nhẹ nhàng bảo: "Con tự chơi nha, mẹ mệt lắm", Nhưng mẹ nào không tích cực thì sẽ cấm đoán hoặc la mắng ngay từ câu hỏi thứ hai của con", tiến sĩ Tô Nhi A nói.

Tiến sĩ Tô Nhi A chia sẻ một câu chuyện thực tế về chính con trai mình, hồi cậu bé học lớp 2. Từ khi nhà chị có tivi thông minh điều khiển bằng giọng nói, cậu bé bắt đầu quen với việc "trò chuyện" với Google. Một lần, trong niềm vui khi bà ngoại sắp lên chơi, cậu bé hớn hở nói với Google: "Bà ngoại của mình sắp lên nhà mình chơi đó. Bạn có bà ngoại không?"

Bất ngờ thay, Google đáp lại bằng một giọng rõ ràng và ấm áp: "Chúc mừng bạn! Niềm vui sum họp gia đình là điều rất đặc biệt. Tuy nhiên, tôi không có bà ngoại. Bạn có thể tham khảo một số ứng dụng khác là "họ hàng" của tôi như Gmail, Google maps…"

Hứng thú, cậu bé tiếp tục hỏi: "Bạn có bạn học không? Trong lớp của mình có bạn Quang Anh đó". Google trả lời: "Xin lỗi bạn, tôi không đi học nhưng tôi có "bạn học". Chúng tôi được các kỹ sư của Google dạy mỗi ngày".

Cuộc trò chuyện kéo dài qua nhiều câu hỏi khác nhau. Tiến sĩ Tô Nhi A chia sẻ rằng "bạn" Google không hề tỏ thái độ bực bội, luôn kiên nhẫn trả lời mọi thắc mắc của cậu bé, kể cả khi cậu hỏi về tên của từng bạn trong lớp. Điều này khiến trẻ cảm thấy AI thú vị và dễ chịu hơn so với việc trò chuyện với người thật, bởi người lớn thường thiếu kiên nhẫn và dễ nổi nóng.

Chị Huỳnh Thủy (37 tuổi), cựu sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết chị từng bàng hoàng khi nghe cậu con trai 12 tuổi thốt lên: "Mẹ khỏi trả lời, để con nhờ AI giải thích nhanh hơn".

"Mình cũng biết AI nhưng không ngờ con trai lại xem ứng dụng AI này như bạn bè. Bé dùng AI để làm bài tập, tâm sự, hỏi ý kiến từ chuyện học hành đến bạn bè. Điều này khiến mình vừa bất ngờ, vừa lo lắng vì cảm giác như bản thân đang "thua" một cỗ máy trong việc trò chuyện với con", chị Thủy nói.

Phụ huynh hoảng sợ vì con nói chuyện với AI nhiều hơn nói chuyện với mình- Ảnh 2.

Các bé có xu hướng dành nhiều thời gian với điện thoại, AI hơn là tương tác với ba mẹ ẢNH: PHƯƠNG VY

Trong thời đại công nghệ, việc giới trẻ sử dụng AI như một công cụ để học tập và giải trí không còn xa lạ. Tuy nhiên, ngày càng có phụ huynh nhận ra con cái đang dần lệ thuộc vào AI để giao tiếp và tìm sự an ủi thay vì trò chuyện với gia đình.

Anh Nguyễn Hữu Long (34 tuổi), ngụ khu dân cư Gia Hòa, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho rằng: "Con trẻ thích sử dụng AI để hỏi vì AI phản hồi nhanh chóng, tuy nhiên câu trả lời đâu phải lúc nào cũng chính xác và an toàn. Các em nhỏ có thể không đủ khả năng để phân biệt đâu là thông tin chính xác và đâu là quan điểm sai lệch. Theo mình, phụ huynh nên hiểu và đồng hành cùng con, biến AI thành công cụ chung để cả nhà cùng trò chuyện, sau đó giải thích cho con biết. Điều này giúp trẻ thấy ba mẹ không "lạc hậu", mà là người bạn đáng tin cậy".

Làm thế nào để kết nối lại với con cái?

Câu chuyện này đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm: khi trẻ em ngày càng thân thiết với AI, liệu chúng có dần xa rời mối quan hệ thực với cha mẹ? Theo tiến sĩ Tô Nhi A, để trẻ gắn bó và sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, điều quan trọng là phụ huynh cần kiên nhẫn và lắng nghe con một cách chân thành ngay từ khi còn nhỏ.

"Nếu ba mẹ không chịu lắng nghe, không kiên nhẫn, trẻ sẽ cảm thấy mình bị phớt lờ hoặc không được thấu hiểu. Lâu dần, các em sẽ tìm đến AI, nơi luôn trả lời mọi câu hỏi mà không phán xét hay trách mắng", tiến sĩ Tô Nhi A chia sẻ.

Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng điều quan trọng là tạo ra một môi trường giao tiếp thoải mái trong gia đình, nơi trẻ cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu. Những lời trách mắng vô cớ hoặc thiếu sự đồng cảm chỉ khiến trẻ ngại ngùng, xa cách. Trẻ cần cảm nhận rằng cha mẹ không chỉ lắng nghe mà còn thực sự quan tâm đến những trải nghiệm và cảm xúc của mình.

"Thứ xử lý duy nhất chính là lòng bao dung, thấu hiểu lẫn nhau. Việc xây dựng mối quan hệ giao tiếp tốt không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái mà còn giúp trẻ nhận ra giá trị đặc biệt của giao tiếp con người. Đây là điều mà AI không thể thay thế. Phụ huynh cần trở thành người đồng hành đáng tin cậy, giúp trẻ phát triển toàn diện và hạn chế phụ thuộc vào những "người bạn ảo" như ChatGPT, Google…", tiến sĩ Tô Nhi A nói.

Theo Phương Vy/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/phu-huynh-hoang-so-vi-con-noi-chuyen-voi-ai-nhieu-hon-noi-chuyen-voi-minh-185241230152120.htm 

  • Từ khóa

Mẹ bỉm sữa bàng hoàng khi lỡ cho con uống sữa giả suốt... 4 năm

Lỡ mua sữa giả cho con uống, nhiều phụ huynh vừa tức giận, vừa hoang mang lo lắng cho sức khỏe của con vì hầu hết các bé đã sử dụng từ vài tháng trở lên,...
16:43 - 18/04/2025
144 lượt xem

Hai thanh niên vướng lao lý vì buôn lậu 5.000 con kiến

Không chỉ hướng vào ngà voi hay sừng tê giác, buôn lậu động vật hoang dã giờ chuyển hướng sang... buôn lậu kiến.
15:44 - 18/04/2025
176 lượt xem

Đằng sau mức lương hàng chục triệu đồng nơi xứ người

Lựa chọn xa quê hương, mỗi người có một hoàn cảnh, lý do khác nhau; nhưng có lẽ đằng sau số tiền hằng tháng họ gửi về cho gia đình là rất nhiều sự đánh...
11:11 - 18/04/2025
283 lượt xem

Bế mạc gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc

Tối 17.4, tại Quảng Ninh, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ bế mạc Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 24, năm 2025.
10:21 - 18/04/2025
318 lượt xem

Giới trẻ đưa công nghệ số, sống xanh vào xây dựng nông thôn mới

Giới trẻ đưa công nghệ số vào sản phẩm bản địa, chuyển giao hàng nghìn lớp tập huấn khoa học và đóng góp hàng trăm tỉ đồng xây dựng nông thôn mới.
07:59 - 18/04/2025
363 lượt xem