Chỉ cần gõ từ khóa "mặt nạ" trên TikTok, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt video quảng cáo từ các KOLs, KOCs (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) với lời hứa hẹn về một làn da trắng hồng, căng mịn chỉ sau 7 đến 15 ngày đắp liên tục...
Nhưng phương pháp đắp mặt nạ liên tục như thế liệu có thực sự hiệu quả như quảng cáo hay tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho làn da?
Những cái kết bất ngờ…
Bắt đầu video quảng cáo, các TikToker thường gây chú ý với một câu hỏi gợi sự tò mò như: "Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đắp mặt nạ liên tục trong 7 ngày?". Tiếp theo sau đó là hành trình đắp mặt nạ từ ngày 1 đến ngày 7, kèm theo những hình ảnh cận da mặt qua từng giai đoạn. Đoạn kết luôn gây ấn tượng mạnh khi KOLs tự hào khoe làn da căng mịn, trắng hồng đầy sức sống, dễ dàng tạo niềm tin cho người xem về hiệu quả thần kỳ của phương pháp này.
Hàng loạt KOLs, KOCs thực hiện thử thách đắp mặt nạ liên tục, khiến nhiều người thắc mắc về hiệu quả thực sự của phương pháp này ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Chia sẻ với người viết về ảnh hưởng của các video trên mạng xã hội đến thói quen dưỡng da, Nguyễn Thị Yến Như, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Trước đây, vì sợ tốn kém nên mình không có thói quen đắp mặt nạ thường xuyên. Tuy nhiên, thấy sự thay đổi rõ rệt trên gương mặt của các TikToker sau khi dùng mặt nạ liên tục trong 7 ngày, mình đã tin tưởng và có động lực thử phương pháp này".
Tuy nhiên, khi được hỏi về nguy cơ tiềm ẩn đối với làn da nếu đắp mặt nạ liên tục, Nhi cũng thừa nhận bản thân vẫn còn khá mơ hồ về tính hiệu quả của phương pháp này. "Nói chung là da của mình không có nhiều khuyết điểm nên hiện tại vẫn chưa gặp vấn đề gì. Việc đắp mặt nạ liên tục còn khiến da mình trông lúc nào cũng rạng rỡ", Nhi chia sẻ.
Là một "tín đồ" của mặt nạ, Phan Khôi Nguyên (23 tuổi), hiện làm việc tại IDP Education Vietnam, chia sẻ rằng, đắp mặt nạ mỗi ngày đã trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của chàng trai này. Khôi Nguyên cho biết: "Mặt nạ không có tác dụng trị mụn hay xóa thâm, nhưng lại cấp ẩm rất hiệu quả. Làn da khỏe là có độ ẩm cân bằng, vì vậy mình luôn duy trì thói quen này. Nhờ đó, da mình trông rạng rỡ và đều màu hơn".
Tuy nhiên, Khôi Nguyên cũng rất cẩn thận trong việc lựa chọn sản phẩm. "Hiện nay, trên mạng xã hội có quá nhiều thương hiệu mặt nạ mới được các KOLs "phủ sóng" quảng cáo, nhưng mình vẫn chưa thử. Khi chọn mặt nạ, mình ưu tiên những thương hiệu uy tín, đặc biệt không dùng các sản phẩm chứa hương liệu, cồn...", Khôi Nguyên cho biết.
Khác với trải nghiệm trên, Phạm Thanh Bình, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, bày tỏ sự thất vọng khi dùng thử 7 miếng mặt nạ trong 7 ngày. "Da mình bị mụn rất nhiều, việc đến phòng khám da liễu để điều trị rất tốn kém. Vì thế, mình quyết định thử phương pháp này với hy vọng cải thiện làn da. Tuy nhiên, sau 7 ngày đắp mặt nạ liên tục, tình trạng viêm da của mình hầu như không được cải thiện. Mình nghĩ, việc đắp mặt nạ chỉ phù hợp với những bạn da đã đẹp sẵn. Còn da mụn, viêm như mình thì không có tác dụng, mà phải cần những phương pháp trị liệu đặc thù hơn", Thanh Bình cho hay.
Cũng mang tâm lý hoang mang trước nhiều luồng thông tin trên mạng, Lê Phương Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ rằng dù trước đây không có thói quen đắp mặt nạ thường xuyên, nhưng khi thấy nhiều bạn áp dụng và chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, cô nàng cũng tò mò về hiệu quả thực sự của phương pháp này.
"Trước đây, mình nghĩ chỉ nên đắp mặt nạ cách ngày, còn đắp liên tục sẽ gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, gần đây mọi người chia sẻ quá nhiều về lợi ích của việc này, thậm chí có cả những kho sỉ mặt nạ bán gói 70 miếng với giá chỉ 150.000 đồng. Điều này, khiến mình hoài nghi về chất lượng sản phẩm và không biết liệu đắp liên tục có thực sự tốt như quảng cáo", Phương Linh bày tỏ sự băn khoăn.
Có nên đắp mặt nạ liên tục mỗi ngày?
Chia sẻ quan điểm chuyên môn về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Vương Thế Bích Thanh, giảng viên bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, khẳng định rằng, việc đắp mặt nạ thường xuyên chưa bao giờ được khuyến khích trong y khoa. Theo bác sĩ Bích Thanh, thị trường hiện nay có rất nhiều loại mặt nạ với thành phần và mục đích sử dụng khác nhau. Trong đó, mặt nạ dưỡng ẩm là loại thường được quảng bá nhiều nhất, đặc biệt bởi các KOLs, KOCs…
Có rất nhiều loại mặt nạ trên thị trường, bác sĩ da liễu khuyến cáo người dùng nên hiểu rõ về làn da của mình trước khi chọn mặt nạ để sử dụng ẢNH: KIM ANH
Bác sĩ Thanh nhấn mạnh: "Dù mặt nạ dưỡng ẩm có thể được sử dụng thường xuyên hơn so với các loại khác, việc đắp hàng ngày vẫn không phải là lựa chọn tối ưu. Trừ trường hợp da cần cấp ẩm liên tục sau thời gian bị tổn thương, chẳng hạn do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều như đi biển, leo núi… Người dùng nên đắp mặt nạ dưỡng ẩm tối đa 2, 3 lần mỗi tuần. Mỗi lần tối đa 15 phút".
Theo bác sĩ Thanh, khác với các loại kem dưỡng ẩm cùng mục đích sử dụng, mặt nạ thường chứa nhiều hóa chất. Đó là chất tạo mùi và bảo quản. Việc sử dụng mặt nạ liên tục trong thời gian dài có thể gây ra nhiều rủi ro cho làn da.
Bác sĩ Bích Thanh phân tích: "Dù thuộc loại da nào, chúng ta đều có một lớp dầu tự nhiên hay được ví là "hàng rào bảo vệ da". Lớp dầu này được sản sinh từ tuyến bã nhờn dưới da, có công dụng giữ ẩm và ngăn ngừa tình trạng khô da. Nó cũng có tính kháng khuẩn, bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và các yếu tố gây hại từ môi trường. Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng các hóa chất mạnh, lớp dầu bảo vệ này có thể bị mất đi, khiến da trở nên yếu ớt, dễ bị kích ứng và viêm nhiễm bởi các tác nhân bên ngoài".
Chính vì thế, việc đắp mặt nạ dưỡng ẩm liên tục mỗi ngày có thể tác động tiêu cực đến cơ chế tiết bã nhờn tự nhiên của da. Khi da liên tục được cung cấp độ ẩm từ mặt nạ, hoạt động của tuyến bã nhờn có thể giảm sút. Da sẽ quen dần với việc nhận độ ẩm từ mặt nạ, dẫn đến tình trạng "lười biếng" trong việc sản xuất bã nhờn tự nhiên. Hậu quả là, khi không còn sử dụng mặt nạ, da có thể trở nên khô hơn, dễ bị nứt nẻ và mất khả năng tự bảo vệ trước các yếu tố môi trường. Điều này dễ gây ra lão hóa da sớm, từ đó bạn sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn trong quy trình chăm sóc da.
Bác sĩ Thanh cũng cho biết thêm lớp dầu tự nhiên này còn giúp duy trì độ pH ổn định, gián tiếp hỗ trợ vi sinh vật tự nhiên phát triển, từ đó bảo vệ da khỏi những thứ có hại. Vì thế, nếu lớp dầu này bị thay đổi, cũng sẽ kéo theo độ pH thay đổi. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ vi sinh vật trên da, gây ra nguy cơ tiềm ẩn có hại cho sức khỏe làn da.
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh, chuyên gia da liễu của Trinh Lê Lê Science & Skincare ở TP.Cần Thơ, cũng bày tỏ lo ngại về việc ngày càng nhiều bạn trẻ vô tư sử dụng mặt nạ mà không tìm hiểu kỹ lưỡng về độ phù hợp với tình trạng sức khỏe da của mình. Bác sĩ Cẩm Trinh lưu ý rằng trong quá trình tư vấn và livestream của người bán, đôi khi họ tập trung quá nhiều vào công dụng sản phẩm mà bỏ qua sự phù hợp với từng loại da. "Cụm từ "mặt nạ phù hợp với mọi loại da" thường xuyên được người bán sử dụng, nhưng điều này là không hoàn toàn chính xác", bác sĩ Trinh nhấn mạnh.
Theo đó, bác sĩ Trinh khuyến khích các bạn trẻ nên tự tìm hiểu về làn da của mình trước, xác định xem bản thân thuộc loại da nào (da dầu, khô, nhạy cảm hay hỗn hợp). Sau khi hiểu rõ, nếu muốn sử dụng mặt nạ, bạn cần xác định tình trạng da hiện tại và thời tiết ở thời điểm ấy, từ đó lựa chọn mặt nạ phù hợp với mục đích sử dụng. Chẳng hạn, nếu bạn có da tiết dầu nhiều, nên dùng mặt nạ đất sét để kiềm dầu. Còn da khô có thể dùng mặt nạ giấy hoặc gel để dưỡng ẩm. Nếu da có mụn, thì nên chọn mặt nạ giảm viêm…
Bên cạnh đó, bác sĩ Cẩm Trinh cũng đặc biệt lưu ý rằng các bạn trẻ nên chủ động tìm hiểu về những thành phần trong mặt nạ để xác định đúng công dụng của chúng, tránh trường hợp mua nhầm sản phẩm không phù hợp. "Việc nắm rõ thành phần không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về lợi ích mà mặt nạ mang lại mà còn giúp phát hiện các chất có thể gây kích ứng cho làn da. Có rất nhiều trường hợp đến phòng khám với tình trạng da bị kích ứng nặng do sử dụng mặt nạ không phù hợp trong thời gian dài", bác sĩ Trinh cho hay.
Theo Kim Anh/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/dap-mat-na-lien-tuc-lieu-co-hieu-qua-nhu-loi-don-18524102208081286.htm