Nổi tiếng với việc vẽ chân dung tội phạm giúp lực lượng công an phá nhiều vụ án hóc búa từ hơn 30 năm trước, mới đây họa sĩ Võ Tấn Thành vừa chia sẻ thêm biệt tài vẽ chân dung trong chai khiến nhiều cư dân mạng xã hội bất ngờ.
Bằng những nét cọ đặt vào miệng chai thủy tinh hoặc chai nhựa bỏ đi, họa sĩ Võ Tấn Thành (74 tuổi, ở H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) phác họa vẽ chân dung trong lòng chai vô cùng sống động.
Vẽ những điều đặc biệt
Họa sĩ Thành sống bằng nghề cầm cọ đã hơn 50 năm. Từ năm 1999, ông bắt đầu cộng tác với Công an tỉnh Đồng Nai vẽ chân dung tội phạm, hỗ trợ phá nhiều vụ án hóc búa.
Ông Thành vẽ chân dung trong lòng chai để giải trí ẢNH: PHAN DIỆP
Công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nên để giải tỏa căng thẳng, ông tìm vui bằng cách vẽ tranh trong chai thủy tinh, chai nhựa. Biệt tài này ít được mọi người biết đến nên mới đây, khi chia sẻ những tác phẩm của mình lên mạng xã hội, ông Thành nhận được vô số lời khen ngợi. "Đọc các bình luận của mọi người dành cho mình tôi vui lắm. Đối với mọi người thì lạ nhưng tôi đã vẽ tranh trong chai được mấy chục năm rồi", họa sĩ chia sẻ.
Lúc trước, ông Thành vẽ chân dung trong chai thủy tinh. Nhưng vật liệu này dễ vỡ khi vận chuyển nên chuyển sang vẽ trong chai nhựa. Chai thủy tinh có nhiều loại dày mỏng khác nhau nên độ khúc xạ cũng khác nhau, khi nhìn trực diện có thể thấy đẹp nhưng chỉ cần đổi góc nhìn tác phẩm bên trong trông méo mó, mất thẩm mỹ. "Chai càng dày càng khó vẽ. Cổ chai càng nhỏ càng đòi hỏi người họa sĩ phải kỳ công, tỉ mẩn hơn trên từng đường nét", ông Thành chia sẻ.
Ông dùng loại sơn thông dụng, thường dùng để sơn tường và các vật liệu như sắt, gỗ để vẽ tranh. Những cây cọ của ông Thành cũng rất đặc biệt, hầu hết do ông tự chế và được bẻ cong 90 độ để có thể vẽ trong chai. Họa sĩ thích vẽ chân dung Bồ Tát Quán Thế Âm, Đức Phật Thích Ca hay những người thân trong gia đình.
"Vẽ sợi râu, sợi tóc bạc dùng một cây cọ khác, vẽ những chi tiết lớn hơn như môi, mũi… lại dùng một loại cọ khác nữa", ông Thành nói.
Ông Thành bẻ cong đầu cọ một góc 90 độ để vẽ trong lòng chai
Nhìn từ xa, mọi người có thể lầm tưởng rằng hình ảnh trên chai nhựa được ông Thành vẽ lên mặt ngoài của chai hoặc vẽ trên giấy rồi dán vào. Tuy nhiên, khi cầm trên tay chai nhựa mới thấy tranh được vẽ ngược từ bên trong. Khi đặt chai lên bàn xoay, 2 bức chân dung trong chai khác nhau sẽ xuất hiện một cách sống động.
Công phu tác phẩm vẽ tranh trong chai
Điểm đặc biệt của một bức tranh ông Thành vẽ trong lòng chai là có thể nhìn được 2 mặt. Hai bức tranh khác nhau hoàn toàn nhưng được "xếp" chồng lên nhau trong lòng chai rất độc đáo.
Mặt trước là chân dung của bản thân nhưng mặt sau có thể là chân dung của vợ, người cha hoặc con cái… Để 2 lớp của 2 bức chân dung chồng lên nhau nhưng nhìn không lem luốc, sau khi vẽ xong lớp tranh thứ nhất, ông Thành sơn thêm một lớp màu bạc, sau đó đợi khô rồi mới tiếp tục vẽ chồng lên đó bức chân dung khác. Thời gian để hoàn thiện một tác phẩm vì thế cũng mất gần cả tuần. Điều đặc biệt nữa là kích thước, hình dạng của bức tranh thứ nhất phải khớp với bức thứ 2.
Ông Thành cho rằng loại hình vẽ tranh này chẳng có bí quyết gì cao sang, điều quan trọng nhất là niềm đam mê sáng tạo và một chút tài năng của người họa sĩ.
Ông Tài Nam, một cựu chiến binh quê Nghệ An, chia sẻ đã nghe danh tiếng của họa sĩ Thành từ lâu nhưng mới có cơ hội gặp mặt tháng trước. "Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70, tôi nhờ anh Thành vẽ chân dung mình trong chai vì thấy đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo. Ở Việt Nam tôi chưa thấy ai vẽ, người họa sĩ phải có tài năng đặc biệt mới thực hiện được", ông Nam kể.
Với sự sáng tạo của mình và những đóng góp cho công việc phá án, năm 2007 Bộ Công an tặng ông Thành kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc". Cùng năm, ông nhận được bằng khen của 4 cơ quan là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ KH-CN, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khi đạt giải 3 Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 9.
Theo Phan Diệp/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/cu-ong-u75-ve-chan-dung-trong-chai-khien-dan-mang-phat-sot-185241014222015708.htm