Tận dụng phế phẩm nông nghiệp là rơm rạ, nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh đã nghiên cứu làm ra gỗ nhân tạo có độ bền cao.
Tác giả của ý tưởng làm gỗ nhân tạo từ rơm rạ là nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh: Sơn Trần Minh Mẫn (ngành công nghệ thông tin), Nguyễn Xuân Thành (ngành âm nhạc học) và Nguyễn Thị Thùy Dương (ngành tài chính ngân hàng).
Nhóm 3 sinh viên sản xuất rơm rạ thành gỗ nhân tạo ẢNH: DUY TÂN
Minh Mẫn chia sẻ, những năm gần đây, rừng tự nhiên bị mất do khai thác gỗ dẫn đến lũ lụt, sạt lở đất… Trong khi đó, giá thành gỗ nhân tạo hiện rất cao, người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận. Bên cạnh vấn đề về rừng, sau mỗi mùa thu hoạch, nông dân thường đốt bỏ rơm rạ, vừa lãng phí nguồn tài nguyên quý giá, vừa gây ô nhiễm không khí. Từ thực tế đó, nhóm nảy sinh ý tưởng dùng rơm rạ sản xuất ra gỗ nhân tạo thân thiện môi trường.
Công nghệ chính được sử dụng trong sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm là công nghệ ép nóng. Công nghệ này sử dụng nhiệt độ và áp suất cao để nén các sợi rơm thành các tấm hoặc khối gỗ nhân tạo; giúp tạo ra sản phẩm gỗ nhân tạo có độ bền cao và khả năng chịu nước tốt. Sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp mới, tạo việc làm cho người dân nông thôn, nâng cao đời sống kinh tế và thúc đẩy phát triển địa phương. Hơn nữa, quy trình sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm ít tiêu tốn năng lượng hơn so với gỗ tự nhiên, giúp giảm lượng khí thải, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Gỗ nhân tạo làm từ rơm rạ có độ bền cao và khả năng chịu nước tốt ẢNH: DUY TÂN
"Dự án này không chỉ giải quyết vấn đề phế phẩm nông nghiệp mà còn tạo ra một loại vật liệu xây dựng có tính bền vững cao. Gỗ nhân tạo từ rơm thân thiện với môi trường, độ bền cao, có thể ứng dụng rộng rãi trong ngành xây dựng và sản xuất nội thất", Mẫn nói.
Vừa qua, ý tưởng sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm giành giải nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên 2024" do Trường ĐH Trà Vinh tổ chức. Chia sẻ về hướng đi sắp tới, Mẫn cho biết nhóm có một kế hoạch phát triển rõ ràng trong thời gian tới. Sau 1 năm, nhóm dự kiến hoàn thiện quy trình sản xuất và thu thập phản hồi từ thị trường thử nghiệm. Sau 2 năm sẽ mở rộng quy mô sản xuất, khai thác thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển các ứng dụng mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Sau 3 năm, sẽ tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí và nghiên cứu các sản phẩm tiếp theo từ các nguồn nguyên liệu tái tạo khác.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: "Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để sinh viên có thể phát triển ý tưởng và hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp. Chúng tôi luôn đồng hành cùng các em trong suốt hành trình khởi nghiệp, từ giai đoạn ý tưởng đến khi thành lập doanh nghiệp thực thụ".
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/sinh-vien-san-xuat-go-tu-rom-ra-185241003191700676.htm