Facebook là có lẽ là một trong những diễn đàn phổ biến nhất với nhiều bạn trẻ Việt Nam. Từ đây, nhiều nhóm cộng đồng đã được xây dựng lên với nhiều giá trị tích cực và lượng thành viên đông đảo. Vậy nhưng số phận của các nhóm cộng đồng lại thật mong manh, khi thời gian gần đây, các nhóm liên tục bị tấn công và mất quyền kiểm soát.
Hụt hẫng, tiếc nuối vì mất nhóm
"Sắp tới đây em sẽ đi du học. Đây là lần đầu em đi khỏi nhà lâu như vậy nên có nhiều thứ bỡ ngỡ không biết nên mua gì. Do nhóm cũ trên facebook bị "bay màu" nên các thông tin mọi người chia sẻ gần như mất cả. Vì vậy em xin phép đăng bài này để xin thông tin từ các anh chị đi trước". "Có một bài hướng dẫn visa thăm thân rất chi tiết bên nhóm cũ đã bị mất, không biết anh chị đó có vô tình đọc được bài này thì có thể đăng lại được không ạ?"…
Với các du học sinh, các nhóm online là nơi chia sẻ thông tin rất nhanh chóng và hữu ích NVCC
Đó là những tâm tư đầy tiếc nuối của các thành viên nhóm Facebook Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Phần Lan gần đây, khi nhóm cũ bị đánh sập. Trần Anh, người sáng lập nhóm cho biết: "Nhóm được thành lập đã hơn 11 năm, với 31.000 thành viên. Nơi đây biết bao thông tin bổ ích về học tập, đời sống, việc làm… đã được các thành viên chia sẻ. Bỗng một ngày, kho dữ liệu ấy bất ngờ biến mất!".
Cùng chung hoàn cảnh, nhóm Facebook dành cho các giáo viên giảng dạy tiếng Anh People of TESOL/TEFL/Linguistics cũng năm lần bảy lượt bị tấn công. Nhóm thành lập từ năm 2021 và trở thành nơi cung cấp nhiều tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm và sân chơi sôi nổi cho các thầy cô giáo. Nhóm chỉ để ở chế độ riêng tư nhưng số lượng lên tới 25.000 thành viên. Với phương châm "Chia sẻ lại những gì mình học được" (We share what we learn), nhiều thành viên đã và đang học thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước chia sẻ lại cho cộng đồng các kiến thức, công cụ dạy học tiên tiến để học hỏi nhau đưa vào giảng dạy.
Hoạt động offline "Giao tiếp không đánh giá" của các thầy cô giáo tiếng Anh trong nhóm People of TESOL NVCC
Ấy vậy mà anh Đỗ Khoa, giảng viên tiếng Anh của một số trường cao đẳng và đại học tại TP.HCM, người sáng lập đồng thời là admin của nhóm cũng phải gửi tâm thư khẩn thiết tới những kẻ tấn công: "Hiện giờ nhóm chúng mình đang trải qua một giai đoạn khó khăn vì bị tấn công liên tục… Gửi nhóm đang liên quan đến việc này: mục đích duy nhất và quan trọng nhất của nhóm mình là chia sẻ kiến thức và tạo môi trường trò truyện cho giáo viên. Nghề của chúng ta khó và khác với những nghề khác ở chỗ ta không có cơ hội nói chuyện nhiều về chuyên môn với đồng nghiệp của mình. Những cộng đồng online như thế này là cơ hội quý để chúng ta cùng trao đổi chuyên môn. Các bên liên quan, xin các bạn hãy nghĩ đến điều mình nói ở trên và cùng mình giữ cộng đồng giáo viên lành mạnh này". Đăng tâm thư xong thì anh cũng… bị mất nick!
Đánh sập nhóm: dễ như trở bàn tay
Cả 2 nhóm trên đều bị kẻ xấu đánh sập bởi một cách rất đơn giản. Trần Thịnh, admin Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Phần Lan thuật lại tình huống mà nhóm gặp phải: "Hồi tháng 4, có bài đăng gồm 12 tấm hình về chiếc đồng hồ giống nhau lên nhóm. Và ngay lập tức nhóm bị Facebook thông báo khóa vì vi phạm bản quyền. Vô cùng đơn giản như vậy thôi! Bài chưa đăng, đang nằm trong mục chờ duyệt cũng có thể bị Facebook đánh gậy. Ngoài ra, đối thủ cũng có thể thuê các bên thứ 3 (công ty từ nước ngoài hoặc Việt Nam) dùng mạng lưới hàng trăm, ngàn tài khoản để báo cáo vi phạm chính sách cộng đồng".
Các hội nhóm trên Facebook cần phải có phương án bảo mật thật tốt để không bị "bay màu
Bản thân Trần Thịnh đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản lý sản phẩm phần mềm, là một người có chuyên môn trong ngành công nghệ thông tin, nhận xét: "Mình thấy việc báo cáo các nhóm hoặc tài khoản cá nhân vi phạm quy định trên Facebook quá dễ dàng bởi mạng lưới các thiết bị công nghệ bị nhiễm phần mềm độc hại (botnet), cho thấy chính sách của Meta (công ty chủ của Facebook) còn nhiều lỗ hổng. Đặc biệt, việc không có bộ phận kiểm tra lại các báo cáo ẩn danh khiến cho việc gian lận và báo cáo sai sự thật trở nên phổ biến. Dù đã gửi email đến bộ phận hỗ trợ khách hàng của Meta tại Châu Âu, ban quản trị nhóm vẫn chưa nhận được phản hồi sau nhiều tháng".
Cũng bị đánh sập nhóm bằng cách tương tự như trên, admin Đỗ Khoa cũng liên tục gửi thư khiếu nại lên Facebook và sau rất nhiều nỗ lực thì được giới thiệu tới một công ty trung gian. Công ty trung gian này tự nhận mình là hacker và yêu cầu số tiền 1.000 đô la Mỹ để lấy lại nhóm!!! "Đừng bao giờ mất tiền để lấy lại nhóm! Bởi vì việc đánh sập nhóm quá dễ, nên mất tiền rồi cũng không đảm bảo nhóm không bị mất lần nữa!", Trần Thịnh chia sẻ.
Bản thân các admin cũng liên tục bị tấn công tài khoản cá nhân. Anh Đỗ Khoa cho biết trong tháng 7, anh bị mất tới 3 nick Facebook, cứ lập nick mới là lại bị cho "bay màu". Trần Thịnh và Trần Anh cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Thậm chí nick Facebook của người thân admin cũng mất luôn như một cách hacker dằn mặt khiến admin đó phải chùn bước.
Giải pháp nào cho các nhóm cộng đồng?
Trước sự thiếu hỗ trợ của Facebook, admin các nhóm cộng đồng vẫn tâm huyết bám trụ để giữ lại những thông tin hữu ích. Anh Đỗ Khoa đã xác định đây là cuộc chiến dai sức, ai kiên trì hơn thì thắng: "Những nội dung quan trọng mình đều lưu trữ lại, để lỡ mất nhóm này thì sẽ xây lại nhóm khác!".
Dành vài tiếng mỗi ngày để duyệt bài và trả lời câu hỏi của các thành viên, tâm huyết Trần Thịnh dành cho nhóm là rất lớn nhưng anh cũng sẵn sàng tạo nhóm lại nếu tiếp tục bị tấn công: "Nếu mình chịu thua thì hacker sẽ là người thắng! Nếu nhóm sập thì các du học sinh và các bạn đang tìm hiểu con đường du học sẽ không có diễn đàn để giải đáp thắc mắc. Chính vì vậy mà ban quản trị vẫn kiên trì bám trụ đến cùng! Cần lưu ý bảo mật đối với nick của từng admin và đối với nhóm. Các nhóm nên chuyển sang quản lý bằng nhiều tài khoản fanpage thay vì cá nhân, vì có nhiều người cùng quản lý fanpage thì hacker sẽ khó đánh sập hơn".
Hiện các nhóm ngoài duy trì trên Facebook, là nơi dễ tiếp cận thành viên, đều xây thêm "nhà phụ" trên các nền tảng khác như: Linkedin, Threads, Notion, YouTube, Spotify, Instagram, Zalo… Xem ra, việc bảo vệ các nhóm cộng đồng ngày càng cam go.
Còn về phía thành viên các diễn đàn, nếu thấy thông tin nào hữu ích thì nên chụp lại màn hình để lưu giữ lại máy tính hoặc điện thoại của mình, phòng khi nhóm sập không thể tìm kiếm được nữa.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/cac-nhom-cong-dong-tren-facebook-mat-trong-tich-tac-185240821100313077.htm