Xu hướng tiêu dùng tối giản đang nổi lên trong giới trẻ khắp thế giới, từ các nước ở châu Mỹ cho tới châu Á.
Xu hướng tiêu dùng tối giản tập trung vào lối sống bền vững, trái ngược với sự giàu có và dư thừa. Trong ảnh là cảnh người đi mua sắm ở TP Hamburg, Đức - Ảnh: REUTERS
Mạng xã hội từ lâu với nhiều người đã trở thành nơi để khoe khoang sự hoàn hảo, là nơi chỉ dành cho những ngôi nhà đẹp như tranh vẽ, tủ quần áo xa hoa, bộ sản phẩm làm đẹp... Nhưng một xu hướng mới đang lan rộng theo hướng ngược lại: tiêu dùng tối giản (underconsumption), thúc đẩy lối sống tái sử dụng, tiết kiệm và ưu tiên chất lượng hơn số lượng.
Có gì xài đó
Xu hướng này tập trung vào lối sống bền vững và sử dụng những gì mình có, trái ngược với sự giàu có và dư thừa đang thống trị trên Instagram, TikTok... Nhiều người trẻ giờ đây lên mạng chia sẻ về những bình nước cũ kỹ, những chiếc áo len từ thời trung học, những chiếc giẻ lau bát làm từ áo phông cũ... Họ khoe cách vẫn tiếp tục sử dụng những thứ mình có và tái sử dụng các vật dụng gia đình thay vì mua đồ mới.
Chị Christine Lan, nhà sáng tạo nội dung tại TP Montreal (Canada), chia sẻ về lối sống tập trung vào việc tiêu dùng tối giản: "Tôi trân trọng mọi thứ mình có với mức cao nhất và đảm bảo rằng khi mua thứ gì đó nó sẽ là món đồ được sản xuất với chất lượng tốt và bền lâu". Christine Lan đã có được thành công ban đầu khi chị đăng bài về cách tự làm đồ trang điểm thay vì phải tốn tiền cho các cửa hàng mỹ phẩm.
Hay như chị Andrea Cheong, một người có tầm ảnh hưởng (KOL) trên mạng xã hội tại Anh, gần đây đã chia sẻ một video theo phong cách "tiêu dùng tối giản" về việc bản thân vá quần áo cũ. Chị cho biết nhiều thanh thiếu niên đã dần hình thành "hành vi bắt buộc phải chi tiêu đến đồng bảng Anh cuối cùng cho một món đồ thời trang".
Theo Hãng tin The Canadian Press, các chuyên gia nhận định xu hướng tiêu dùng tối giản liên quan tới kinh tế và tình trạng thất nghiệp cao. "Nếu bạn không có việc làm hoặc đang phải đối mặt với áp lực kinh tế thì chắc chắn sẽ khó tiêu dùng quá mức" - ông François Côté, giám đốc điều hành Công ty Fig Financial, giải thích.
Theo báo Straits Times, hashtag #underconsumptioncore liên quan xu hướng tiêu dùng tối giản đã có hơn 39 triệu lượt xem trên khắp thế giới và đang tiếp tục tăng. Thay vì đăng video đi mua sắm hay khoe đồ xa xỉ, người dùng đăng video khoe các món đồ họ sử dụng nhiều lần. |
Vì sao?
Nhiều năm lạm phát đã khiến nhiều người nhận ra họ không thể theo kịp thói quen chi tiêu của những người hay khoe khoang trên mạng. Phân tích của Google Trends cho thấy lượt tìm kiếm về tiêu dùng tối giản tại Mỹ đã đạt mức cao nhất vào mùa hè năm nay, nổi lên cùng với những câu hỏi về "sản xuất quá mức" và "đại suy thoái".
Hơn một nửa số người thuộc gen Z (hiện tại trong độ tuổi từ 18 đến 27) tham gia khảo sát năm 2024 của Ngân hàng Mỹ (Bank of America) cho biết chi phí sinh hoạt cao là rào cản lớn nhất đối với thành công về tài chính của họ, đồng thời nói thêm nhiều người không kiếm đủ tiền để có cuộc sống mà họ mong muốn.
Mệt mỏi vì chi phí sinh hoạt tăng cao ở Mỹ, một số thanh thiếu niên trên TikTok đang lên tiếng phản đối việc chi tiêu quá mức. "Khi bạn cảm thấy như mình lúc nào cũng đang bị mời chào mua thứ gì đó và giá của món đồ đó cứ tăng lên, mọi người sẽ không còn muốn tiêu tiền nữa" - chị Kara Perez, một KOL và là chuyên gia giáo dục tài chính, chia sẻ với Hãng tin AFP.
Tại Canada, dữ liệu của cơ quan thống kê nước này cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tăng đều đặn, lên mức 6,4% vào tháng 7, trong lúc lãi suất cao làm chậm nền kinh tế. Người trẻ đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 14,2% trong tháng 7.
Tại Singapore, 9/10 người được khảo sát nói họ cảm nhận được tác động của sự gia tăng chi phí sinh hoạt. Hai cách chính để đối phó với nó là giữ ngân sách cố định và hoãn các khoản mua sắm cho đến khi giá cả trở nên hợp lý, theo báo Straits Times.
Trong bối cảnh đó, tiêu dùng tối giản là một cách để người trẻ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn. "Xu hướng tiêu dùng tối giản trên mạng xã hội là một cách khác để gen Z tận dụng tối đa số tiền của mình và đồng thời sống thân thiện với môi trường" - bà Ashley Ross, trưởng bộ phận trải nghiệm khách hàng và quản trị tại Ngân hàng Mỹ, chia sẻ.
Chị Andrea Cheong - một KOL tại Anh - nhận thấy xu hướng này thực sự vẫn là cách tiếp cận lối sống bền vững dễ dàng nhất cho những ai mong muốn. Thông điệp ở đây rất đơn giản: "Mua sắm ít thôi, mua cho tốt vào!" (Buy less, buy better).
Lợi và hại Nhà nghiên cứu Seshan Ramaswami tại Đại học Quản lý Singapore cho rằng xu hướng tiêu dùng tối giản có thể gây hại cho các nhà bán lẻ vì lợi nhuận của họ gắn chặt với chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng xu hướng này cũng có thể tạo ra các cơ hội kinh doanh khác. Các công ty tham gia lĩnh vực sửa chữa, hàng cũ, phụ tùng thay thế và các sản phẩm tự làm có thể hưởng lợi từ sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/gioi-tre-the-gioi-tu-xai-bat-mang-chuyen-sang-tieu-dung-toi-gian-20240820230250386.htm