Các ngành nghề gặp khó, công việc trồi sụt, cộng với giá cả nhiều thứ tăng khiến nhiều người, trong đó có không ít bạn trẻ buộc phải có những thay đổi đáng kể trong thói quen mua sắm, tiêu dùng khi tình hình thu nhập ngày càng eo hẹp.
Anh Cả (ngụ Lâm Đồng) cùng con gái út đi trung tâm thương mại nhưng chỉ lòng vòng đi chơi là chính chứ gần như không dám mua gì - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Cả năm qua, bảng lương nhân viên truyền thông mà Ngọc Quỳnh (31 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) nhận được đã ba lần thay đổi, nhưng chỉ toàn thấy cắt và giảm hết khoản này đến khoản khác chứ không có tăng.
Săn sale, có khuyến mãi mới mua sắm
Từ được hưởng các khoản tiền như chế độ hiếu nghĩa, bảo hiểm sức khỏe cho gia đình, tiền trang điểm, trang phục, du lịch và thậm chí cả tiền gửi xe, nhưng sau đó lương của Quỳnh cứ lần lượt bị công ty hạ dần rồi xóa hẳn các mục nói trên. Vì vậy, dù nhận mức lương trên dưới 30 triệu đồng mỗi tháng, Quỳnh đã tự kiểm đếm lại và tự rút bớt trong các khoản chi tiêu cá nhân.
Việc đầu tiên là cắt giảm mua sắm. Thay cho việc hay mua quần áo, mỹ phẩm hàng hiệu được nhập khẩu như trước, hiện Quỳnh chủ động săn tìm đồ trong nước có mức giá mềm hơn rất nhiều. "Cũng nhờ việc này mà tôi ngộ ra nhiều điều, ngẫm lại thấy trước giờ mình hơi phung phí quá vì chiếc áo cũng chỉ ngần đó công dụng" - Quỳnh thổ lộ.
Theo Thúy Ngân, một nhân viên văn phòng tại quận Phú Nhuận (TP.HCM), cô gái đã bắt đầu cắt giảm tối đa chi tiêu của mình từ tháng 4 năm ngoái. Đúng là chuỗi ngày khá chật vật và phải quyết tâm lắm Ngân mới làm được và đến hiện tại bước đầu đã mang lại kết quả khá ưng ý.
Khó nhất theo cô bạn 25 tuổi này là giảm mua sắm quần áo, túi xách, giày dép... mà Ngân tự nhận rằng "quay quắt lắm đó, không đùa được đâu". Rồi Ngân tự ra một quy định chi tiêu rõ ràng. Lương tháng được chia thành nhiều khoản chi, loại quỹ khác nhau. Mỗi khi định mua sắm gì đó, Ngân đều phải tính toán cặn kẽ, hỏi đi hỏi lại chính mình rằng liệu có thật sự cần thiết và nếu không mua có sao không!
Nếu là món đồ thực sự cần, cô gái bắt đầu công cuộc săn các mã giảm giá, canh đợt khuyến mãi. Chỉ khi nào gặp đúng giá mình kỳ vọng, Ngân mới quyết định xuống tiền. "Nhiều khi cứ săn sale nhưng không chốt deal cũng là một thử thách lớn với tín đồ mua hàng online đó" - Ngân cười.
Tìm cách tăng thu nhập
Vợ chồng cùng hai con đang tuổi ăn học chủ yếu dựa vào khoản lương thợ sửa xe ô tô của anh Văn Cả (ngụ tỉnh Lâm Đồng) nên hầu như lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Thế mà hơn cả năm qua lượng công việc ít lại, lương tháng của anh Cả giảm khoảng 20% nên càng chật vật.
Ưu tiên lớn nhất là việc ăn học của hai con nên đáp ứng tối đa. Để tiết kiệm, gia đình chỉ ăn cơm nhà. Thói quen tìm đến các điểm vui chơi, trung tâm thương mại để giải trí, mua sắm như trước của cả nhà cứ thưa dần. "Lâu lâu cũng có dẫn con đi chơi trung tâm thương mại nhưng ít khi mua sắm gì lắm, tay toàn đút túi quần" - anh Cả cười.
Trọng Tín (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) thừa nhận công việc liên tục gặp khó trong nhiều tháng trở lại đây nhưng không thể hạn chế ngoại giao, giảm tiêu xài hay bỏ các sở thích cá nhân. Đổi lại, anh chọn làm nhiều hơn trước để tăng thu nhập. Thay vì chỉ làm một việc, nhận một đầu lương, nay bất kỳ công việc bán thời gian nào miễn làm được Tín đều nhận.
Những bản thiết kế chuyên về quảng cáo, kể cả đồ nội thất, ngoại thất trước đây từng thực hiện được Tín đăng rao, chào mời khách khắp các nhóm mạng. "Thời gian đầu ít người biết đến nên cũng không nhận được mấy việc, nhưng sau này làm nhiều, có nhiều sản phẩm rồi cứ thế mang đi chào khách và hiện đang khá ổn định" - Tín kể.
Anh nói cũng không ngờ từ mục tiêu ban đầu chỉ là kiếm thêm thu nhập bù lại khoản lương bị giảm nhưng hiện tại anh lại đang sống khỏe nhờ thu nhập từ các đầu việc qua mạng. Mấy tháng gần đây, mỗi tháng Tín đều kiếm được chừng bốn dự án để làm thêm. Tùy yêu cầu của khách hàng, độ phức tạp của công việc nhưng mức thù lao Tín có được cho mỗi dự án không dưới 4 triệu đồng.
Giải thích thêm, Tín nói công ty đang làm ít việc nên không khí làm việc, yêu cầu công việc mỗi ngày cũng không quá căng thẳng. Dĩ nhiên anh vẫn phải tập trung hoàn thành tốt nhất các dự án được công ty giao. "Lương giảm nên sếp cũng hiểu và không quá khắt khe, còn chủ động nói anh em có việc ngoài cứ tranh thủ làm để kiếm thêm thôi" - Tín cho biết.
Không cắt khoản đầu tư phát triển bản thân Làm việc trong lĩnh vực tư vấn bán hàng đã lâu nhưng khi thị trường gặp khó, chị Ngọc Bích (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) không ngần ngại chuyển nghề. Nói vậy nhưng không phải muốn là chuyển được ngay, nhất là khi thu nhập gần như không còn. Như mọi người, chị Bích cắt giảm gần hết các khoản chi tiêu, mua sắm không cần thiết với phương châm "có thể cảm thấy cần đó nhưng chưa quá cần cũng thôi luôn". Bù lại, chị đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển bản thân, đăng ký các khóa học ngoại ngữ, huấn luyện bán hàng. "Dù thị trường sẽ vẫn còn khó, mình có thể không dám ăn tiêu nhiều như trước nhưng việc học, đầu tư phát triển bản thân để thoát ra khỏi làn sóng này là điều cần thiết và tôi phải làm" - chị Ngọc Bích khẳng định. |
Cắt giảm chi tiêu từ ngắn sang dài hạn Bà Đặng Thúy Hà - giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng (NielsenIQ Việt Nam) - vừa công bố một nghiên cứu do đơn vị này thực hiện cho thấy người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu từ ngắn hạn sang dài hạn. Theo đó, trong quý 3-2023 có 66% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết lựa chọn nấu ăn tại nhà, đến quý 4-2023 là 60% và quý 1-2024 con số này là 62%. Cùng với đó, 50% người tiêu dùng nói giảm bớt mua sắm những món đồ sang trọng, 31% hoãn các chi phí lớn... |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/thu-nhap-lien-tuc-giam-nguoi-tre-cho-sale-moi-mua-sam-20240807083428277.htm