Đời sống của công nhân, người lao động trẻ có thu nhập thấp vốn đã nhiều khó khăn, bây giờ giá các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ leo thang kéo theo chi phí sinh hoạt tăng nên họ càng chật vật.
Ra chợ cái gì cũng tăng giá
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, làm việc tại Công ty Việt Tiến (Q.Tân Bình, TP.HCM) sau khi chị tan ca làm. Chị Thủy cho biết dạo này cái gì cũng tăng giá, mỗi lần đi chợ phải "cân đo đong đếm" để làm sao 500.000 đồng có thể mua đủ thức ăn cho 2 vợ chồng trong vòng 1 tuần.
"Từ thịt, cá, rau, trứng, trái cây, gạo, gas… đều tăng giá. Trước kia chỉ cần 350.000 đồng là đủ cho 2 vợ chồng ăn mỗi ngày 2 bữa trong vòng 1 tuần. Còn bây giờ cầm 500.000 đồng ra chợ không biết mua thế nào cho đủ. Trong khi đó, chưa kể tiền rau phải mua mỗi ngày. Trước đây 1 bó rau có 5.000 đồng, bây giờ tăng lên 7.000 - 8.000 đồng", chị Thủy kể.
Chị Thủy trở về phòng trọ sau khi hết giờ tăng ca THẢO PHƯƠNG
Giá cả thì cứ tăng mà lương công nhân mỗi tháng của chị Thủy chỉ từ 7 - 8 triệu đồng, kể cả tiền tăng ca. Chị Thủy tâm sự: "2 vợ chồng làm công nhân chỉ đủ trang trải, nhưng cũng phải ráng tiết kiệm để phòng lúc ốm đau. Trước đây còn có thể thích gì ăn đó chứ bây giờ chỉ ưu tiên ăn cơm cho no bụng".
Tương tự, chị Nguyễn Thị Quyên (34 tuổi), làm việc tại Công ty PouYuen (Q.Bình Tân, TP.HCM), chia sẻ: "Cả 2 vợ chồng đều làm công nhân, lương chỉ đủ sống và nuôi con chứ nói để dành là điều xa xỉ. Bình thường chi tiêu đã tiết kiệm dữ lắm rồi, bây giờ vật giá tăng thì lại càng phải chắt bóp và cắt xén nhiều hơn để đủ sống".
Chị Quyên kể ở gần phòng trọ có chợ nhưng không dám mua vì giá mắc, phải chịu khó đi xa hơn để mua được đồ rẻ. Thế nhưng mấy tuần nay đi chợ, cầm món đồ nào lên chị cũng trả giá rồi cân nhắc rất lâu.
Vì tiết kiệm được khoản nào hay khoản nấy nên dù đã 19 giờ nhưng trong phòng chị Quyên vẫn tối om. "Ăn cơm xong là tắt đèn để tiết kiệm điện. Giá cả tăng nên phải tiết kiệm hơn, dù mỗi món chỉ vài nghìn đồng nhưng góp gió thành bão thôi", chị Quyên nói.
Ngoài làm công nhân, chồng chị Quyên còn tranh thủ chạy xe công nghệ vào buổi tối để kiếm thêm. Vậy mà cuộc sống của 2 vợ chồng vẫn thiếu trước hụt sau.
Chị Hòa đau đầu vì phải tính toán chi li khi vật giá tăng mỗi ngày THẢO PHƯƠNG
Mong giá cả bình ổn để bớt gánh nặng
Cũng trong tâm trạng lo lắng vì giá cả leo thang, Cao Thị Hoàng Hạnh (29 tuổi, công nhân Công ty PouYuen, Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết mấy tháng gần đây công ty có hàng trở lại nên lương cũng ổn, vừa mới mừng thì giá cả lại bắt đầu tăng.
Chị Hạnh chia sẻ: "Bây giờ ra chợ cá, thịt, rau, gạo đều tăng giá. Ngoài chi phí ăn ở, đi lại của 2 vợ chồng, mỗi tháng phải gửi khoảng 3 - 4 triệu đồng về quê để ông bà nuôi con ăn học nữa. Vậy nên không tháng nào đủ, nhiều lúc phải đi mượn".
Để có tiền trang trải cuộc sống, nhiều công nhân chấp nhận làm tăng ca. Hơn 19 giờ, chị Dương Thị Hòa, đang làm việc tại Công ty Việt Thịnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) đạp xe trở về phòng trọ sau ngày dài làm việc. Chị Hòa kể dạo này tăng ca suốt, nhưng lương 1 tháng cũng chỉ khoảng 8 triệu đồng.
Chị Hòa cho biết gia đình có 4 người, chồng và con trai ở dưới quê, còn chị sống cùng con gái lớn đang học ĐH ở trên này. "Tiền học cho con mỗi lần đóng cả chục triệu đồng, rồi ăn uống, xăng xe, tiền trọ, các khoản chi phí phát sinh nên cứ thiếu trước hụt sau, lấy tháng này đắp qua tháng kia, không đủ thì phải đi mượn. Cái gì cũng tăng giá nên đi chợ không dám mua nhiều, giờ chỉ cần ăn no bụng là được, liệu cơm gắp mắm thôi", chị Hòa chia sẻ.
Còn chị Lê Thị Non (34 tuổi), ở trọ trên đường Trần Thanh Mại (Q.Bình Tân, TP.HCM), trước kia làm ở Công ty PouYuen nhưng sau đợt cắt giảm chị bị mất việc, phải xin vào làm phụ bếp cho một trường học. Chị Non kể: "Mỗi ngày tôi được trả 250.000 đồng, một tuần làm 5 ngày nên lương ít lắm, không đủ chi tiêu. Vì còn nuôi 2 đứa con ăn học nên phải tính toán chi li thì may ra mới đủ".
Để tiết kiệm vài chục ngàn đồng, cuối tuần chị Non sẽ nhờ chồng chở sang chợ đầu mối Bình Điền ở Q.8 mua thực phẩm có giá rẻ hơn. "Gần đây cái gì cũng tăng giá, cả nhà 4 người ăn khoảng 1 triệu đồng/tuần mới đủ. Ngoài giờ làm, chồng tôi phải chạy xe công nghệ để kiếm thêm. Chỉ mong giá cả được kiểm soát để những người lao động có thu nhập thấp như chúng tôi bớt gánh nặng", chị Non bày tỏ.
Ở phòng trọ gần đó, chị Quách Kim Dung chia sẻ trước kia buôn bán ở chợ nhưng vì ế ẩm nên xin làm công nhân, lương chỉ 6 triệu đồng/tháng. Chị Dung kể: "Mỗi tháng phải đóng tiền trọ, ăn uống, xăng xe, nuôi con nên không để dành được đồng nào. Nhiều lúc tôi cũng lo lắm, lỡ đau ốm hay có chuyện gì không biết phải xoay xở thế nào".
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng, chủ nhà trọ trên đường Trần Thanh Mại (Q.Bình Tân), chia sẻ: "Nhiều năm nay tôi không tăng tiền trọ để chia sẻ phần nào với anh chị em công nhân. Sau tết, thấy mọi người đi làm đều vì công ty có hàng tôi mừng cho họ, nhưng giá cả cứ tăng thế này thì cũng lo".
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/vat-gia-tang-cong-nhan-chat-bop-tung-dong-trang-trai-cuoc-song-185240731174315336.htm