Nhiều gia đình trẻ, người trẻ cho biết mức thu nhập của họ không quá thấp, nhưng do chi phí sinh hoạt ở TPHCM khá cao, nên dù làm chăm chỉ, cật lực mỗi ngày nhưng vẫn không có hoặc có rất ít khoản tiền tiết kiệm hằng tháng.
Theo công bố mới nhất của Numbeo - website lớn trong mảng dữ liệu về giá cả, chi phí sinh hoạt trên toàn cầu, 1 người sinh sống ở TP.HCM ước tính chi phí hằng tháng là 12,5 triệu đồng, không có tiền thuê nhà, cao hơn 5,3% so với Hà Nội; còn gia đình 4 người chi tiêu khoảng 44 triệu đồng/tháng. Từ con số thống kê này, các bạn trẻ, gia đình trẻ sinh sống ở TP.HCM đã có chia sẻ thực tế mức chi tiêu hằng tháng của mình.
Thu nhập 30 triệu đồng/tháng cũng không đủ, nếu...
Là nhân viên văn phòng của 1 công ty tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), mỗi tháng chị Hồ Thị Diễm Trinh (32 tuổi), ngụ chung cư Hà Đô, P.3, Q.Gò Vấp, nhận lương hơn 15 triệu đồng. Thu nhập của chồng chị khoảng 20 triệu đồng/tháng. Chị cho biết lương tháng nào tiêu xài hết tháng nấy, cả năm chỉ tiết kiệm được chút tiền thưởng tết.
“Căn hộ chung cư mà gia đình đang sinh sống có giá thuê 7 triệu đồng/tháng, nếu tính phí dịch vụ và điện, nước thì tiền nhà lên đến 9 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, tiền học cho 2 con ở trường mầm non đã hết 6 triệu đồng, tiền sữa, đồ dùng cá nhân cũng gần 2 triệu đồng nữa. Tiền ăn uống, sinh hoạt cũng gần đến 10 triệu đồng. Đó là chi phí cơ bản, chưa tính việc đi đám tiệc, đôi lúc gửi tiền cho ông bà 2 bên nữa”, chị Diễm Trinh chia sẻ.
Sinh sống ở TP.HCM, gia đình trẻ phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý với mức lương ẢNH MINH HỌA: PHÚC KHA
Anh Nguyễn Hồng Tân (34 tuổi), hiện sinh sống ở hẻm 465, Nguyễn Văn Công, Q.Gò Vấp, cho biết gia đình anh có 6 người gồm 2 vợ chồng, 2 con nhỏ đang tuổi ăn học và ba, mẹ. Vợ chồng anh có tổng mức thu nhập hằng tháng là 30 triệu đồng. Anh nói rằng thu nhập như vậy không thể đủ nếu không biết tính toán hợp lý chi phí sinh hoạt.
Mỗi ngày, gia đình anh Tân tốn khoảng 300.000 đồng cho ăn uống, mỗi tháng chi khoảng 9 triệu đồng. Tiền điện, nước, internet, xăng xe khoảng 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí cho 2 con đi học bao gồm học phí ở trường, học thêm tiếng Anh khoảng 10 triệu đồng; tiền sữa cho con, thuốc uống, sữa cho ông bà khoảng 3 triệu đồng/tháng….
“Dù tôi và vợ cố gắng thắt chặt chi tiêu, hạn chế đi nhậu nhẹt, ăn uống cùng bạn bè, nhưng vẫn tiêu tốn hết khoảng 30 triệu đồng. Nếu muốn có những bữa ăn ngon hoặc đưa cả gia đình đi ăn nhà hàng, chúng tôi phải tính toán rất cẩn thận để khoản chi trong tháng không bị vượt hạn mức cho phép. Gia đình tôi có nhà ở thành phố nên không tốn tiền thuê trọ, nếu ở trọ thì chắc chịu không nổi”, anh Tân nói.
Anh Tân nói thêm: “Sắp tới vào năm học mới, vợ chồng tôi phải tốn tiền mua sắm quần áo, sách vở, đóng tiền bảo hiểm y tế… cho các con. Nghĩ tới thôi cũng thấy ngán rồi”.
Các cặp vợ chồng trẻ cho biết chi phí cho việc học tập, ăn uống, vui chơi của các con chiếm phần lớn chi tiêu của gia đình PHÚC KHA
“Lương 10 triệu đồng tháng chưa thể có cuộc sống chất lượng”
Với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, Lê Võ Khánh Duy (23 tuổi), đang làm truyền thông cho 1 trường đại học, cảm thấy đủ sống ở TP.HCM, chứ chưa hẳn là có cuộc sống chất lượng. Duy sống tiết kiệm, thuê trọ có giá 1,5 triệu đồng/tháng ở 225 đường số 8, P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức, cách xa chỗ làm khoảng 15km. Duy rất ít đi tụ tập cùng bạn bè, hạn chế ăn ngoài, thay vào đó là tự nấu ăn mỗi ngày, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa giảm chi phí. Hiện tại, Duy vẫn độc thân vui tính nên đỡ tốn kém chi phí hẹn hò.
“Mỗi tháng, mình dư khoảng 3 triệu đồng, gửi tiết kiệm trong ứng dụng ví điện tử. Mình nghĩ rằng bản thân biết chi tiêu hợp lý thì sẽ có khoảng tiết kiệm hằng tháng. Trước khi quyết định mua món đồ gì, mình cũng đều cân nhắc rất kỹ. Ở thành phố này, mình phải có khoảng dự phòng, nếu có chuyện gì không hay thì biết mượn tiền ở đâu”, Duy nói.
Duy thường nấu ăn tại nhà để tiết kiệm chi phí NVCC
Chi phí thuê trọ chiếm khá lớn trong khoản tiền sinh hoạt hằng tháng của người trẻ PHÚC KHA
Nguyễn Lê Kiều Oanh (23 tuổi), ngụ ở hẻm 73, Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, hiện đang thuê trọ với mức giá 4 triệu đồng/tháng. Với thu nhập 15 triệu đồng/tháng, Kiều Oanh cho biết không thể nào đủ sống ở thành phố.
Những khoản chi tiêu “cứng” của Kiều Oanh là tiền trả phòng trọ, 5 triệu đồng cho ăn uống, 2 - 3 triệu đồng tiền xăng xe, mua đồ dùng cá nhân, quần áo... mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Còn lại là các khoản phí không cố định như đám tiệc, thuốc men, sửa xe…
“Với mức lương và cách chi tiêu như thế, làm sao mình dám mơ ước đến chuyện mua nhà, kết hôn, ổn định cuộc sống tại thành phố đắt đỏ này”, Oanh nói.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/gia-dinh-tre-o-tphcm-ton-khoang-44-trieu-dong-thang-cho-sinh-hoat-185240728155439279.htm