Phân bổ thời gian hợp lý sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa công việc và gia đình
"Cuối tuần rồi, gia đình chúng tôi có một chuyến đi vòng quanh quận 1 (TP HCM) bằng xe đạp. Chuyến đi này vừa để ngắm cảnh vừa bên nhau thư giãn" - anh Nguyễn Hoàng (42 tuổi; ngụ quận 4, TP HCM) mở đầu câu chuyện khi chúng tôi bàn về chủ đề cân bằng giữa công việc và gia đình.
Tạo cơ hội gắn kết
Anh Hoàng là kỹ sư công nghệ thông tin, chị Phương Liên (vợ anh, 39 tuổi) là kế toán trưởng một công ty tư nhân. Cả hai thường xuyên phải làm việc ngoài giờ.
"Mỗi tuần, chúng tôi ngồi lại với nhau lên kế hoạch cho các hoạt động của gia đình. Từ việc học của con, công việc của ba mẹ đến việc ăn uống, dọn dẹp nhà cửa, giải trí. Cả gia đình cũng chia sẻ công việc nhà cho nhau. Ví dụ chúng tôi luân phiên đưa đón con đi học. Về nhà, vợ nấu ăn, con gái lớn rửa chén, tôi quét dọn nhà, giặt quần áo, con trai nhỏ xếp quần áo... Người nào bận quá thì những thành viên khác chia sẻ.
Có khi cuối tuần cả nhà cùng nhau nấu ăn, vệ sinh nhà cửa, đi siêu thị, xem phim… Chủ yếu là tạo cơ hội để trò chuyện và gắn kết" - chị Liên chia sẻ.
Còn theo anh Hoàng, việc lên kế hoạch giúp các thành viên kiểm soát được thời gian, tránh căng thẳng, áp lực hay thấy bị gò bó. Tất cả các thành viên luôn cố gắng duy trì một thời gian nhất định cho gia đình mỗi ngày, dù bận đến đâu.
Minh họa AI: VY THƯ
Làm việc tại một công ty xây dựng, anh Lương Anh Tuấn (38 tuổi; quận 7, TP HCM) phải đi theo công trình rất nhiều; chị Ngọc Mai (37 tuổi, vợ anh) là nhân viên ngân hàng, có những thời điểm phải làm việc đến khuya; 2 con còn nhỏ (12 và 8 tuổi).
"Với chúng tôi, để cân bằng giữa gia đình và công việc không đơn giản, phải tận dụng tối đa thời gian rảnh. Gay go nhất là chuyện đón con. Có khi anh đi công tác tỉnh, tôi phải về trễ vì xử lý công việc. Lúc đó chỉ biết cầu cứu bên nội và bên ngoại" - chị Mai nói.
Ngoại trừ những lúc công việc khiến gia đình rơi vào thế bị động, còn lại 2 ngày cuối tuần, họ dành 1 ngày về nhà nội, ngoại; ngày còn lại cả nhà đi siêu thị, nhà sách, dã ngoại, xem phim.
Nếu quá bận, cố gắng dành 1 - 2 giờ trong ngày đi ăn kem, uống nước hoặc cùng ra tiệm ăn sáng. "Điều quan trọng là không bỏ lỡ những khoảnh khắc bên con, để con cảm nhận tình yêu thương của ba mẹ, sự gắn kết của gia đình" - chị Mai đúc kết.
Quản lý thời gian hiệu quả
Có một nhà hàng chay, kinh doanh khá thành công, chị Lê Kiều Hạnh (46 tuổi; quận Tân Phú, TP HCM) càng khiến bạn bè ngưỡng mộ khi có một gia đình hạnh phúc với người chồng là giảng viên một trường đại học, con gái đang là bác sĩ nội trú, con trai học tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
"Công việc của chúng tôi đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết. Chúng tôi phải bàn bạc, áp dụng các biện pháp quản lý thời gian sao cho thật hiệu quả" - chị Hạnh cho biết.
Theo đó, vợ chồng chị Hạnh lập kế hoạch công việc một cách chi tiết, ưu tiên những việc quan trọng, trong đó có việc dành thời gian cho gia đình.
Thường sáng thứ bảy hoặc sáng chủ nhật, từ 8 giờ đến 11 giờ, trước khi chị ra nhà hàng, các thành viên gia đình sẽ họp ở ban công nhà, vừa nhấm nháp cà phê, ăn sáng vừa trò chuyện cùng nhau.
Cũng có khi thay đổi không khí bằng việc ra hàng quán vỉa hè ngắm người qua lại và chuyện trò. Đặc biệt, bận gì thì bận, mỗi sáng chị đều pha cà phê, nấu món ăn sáng cho cả nhà trước khi đi làm.
Chị Hạnh nói khi phải đặt công việc và gia đình lên bàn cân, nhiều người đắn đo, không biết nên chọn gia đình hay công việc. Bởi lẽ, thời gian có hạn mà cuộc sống lại không ngừng phát triển, con người ngày càng phải làm việc nhiều, đồng nghĩa phải rút ngắn thời gian dành cho gia đình.
"Để hoàn thành tốt vai trò của mình ở mọi mặt là một thử thách không hề đơn giản. Phải học cách cân bằng công việc và gia đình. Tùy hoàn cảnh, tính chất công việc của mỗi người mà sắp xếp sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, theo tôi, việc luôn ủng hộ nhau, thấu hiểu và coi trọng vai trò, công việc của mỗi người trong gia đình là chìa khóa giúp giữ gìn hạnh phúc, con đường thăng tiến nhờ đó cũng vô cùng thuận lợi" - chị Hạnh đúc kết.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Hoàng cũng cho rằng công việc và gia đình là hai khái niệm không tách biệt mà có sự liên kết nhất định.
Để có thể cân bằng giữa hai khía cạnh này, phải nắm rõ những ảnh hưởng của chúng đối với bên còn lại.
Công việc mang đến nguồn thu nhập cho gia đình, nuôi dưỡng các thành viên. Tuy nhiên, áp lực từ công việc cũng sẽ tác động đến tình cảm gia đình, đôi khi dẫn đến những rạn nứt.
Nên đặt ra quy định cụ thể thời gian dành cho công việc và gia đình, tránh để việc này trùng việc kia. Điều quan trọng nhất là thiết lập ranh giới cụ thể để khi làm việc không bị phân tâm bởi những vấn đề từ gia đình, cũng như trong những phút giây thư giãn bên người thân không bị công việc quấy rầy.
"Một điều cần nhớ, gia đình là nơi giúp chúng ta giải tỏa mọi căng thẳng và vất vả trong cuộc sống, công việc. Hãy chia sẻ với người thân về công việc của mình, có thể họ sẽ đưa ra những giải pháp hiệu quả, phù hợp. Hơn nữa, những lời yêu thương, động viên từ gia đình là "liều thuốc bổ" tiếp thêm sức mạnh để chúng ta đối mặt với mọi rắc rối trong cuộc sống và công việc" - anh Hoàng nhắn gửi.
Khi mọi người cùng gác lại công việc để dành thời gian vui chơi và thư giãn cùng nhau thì sự gắn kết trong gia đình cũng sẽ được gia tăng đáng kể. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/can-bang-giua-cong-viec-va-gia-dinh-196240713192045228.htm