Giống như người lớn, trẻ nhỏ không bao giờ hài lòng với những gì chúng có mà luôn muốn thứ gì đó lớn hơn hoặc tốt hơn.
Việc nuôi dạy những đứa trẻ biết ơn và biết hài lòng bắt đầu từ bố mẹ. (Ảnh: ITN).
Trong xã hội luôn chú trọng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, thật khó để dạy con cái chúng ta hài lòng khi thế giới xung quanh lôi kéo chúng bằng những thứ mới hơn, bắt mắt hơn hoặc giá trị hơn. Nhưng sự thật là dù sở hữu bao nhiêu đi chăng nữa, chúng ta cũng không bao giờ hài lòng.
Bài viết này cung cấp cho bạn một số cách thực tế để bạn giúp con mình học cách hài lòng.
Cha mẹ nên học cách hài lòng trước tiên
Việc nuôi dạy những đứa trẻ biết ơn và biết hài lòng bắt đầu từ bố mẹ. Con bạn có nhận thấy bạn đang biết ơn không? Hay chúng thấy bạn phàn nàn về hoàn cảnh và không bao giờ hài lòng? Khi trái tim và tâm trí của chúng ta được đặt đúng chỗ, chúng ta mới có thể làm gương cho con mình.
Một cách thiết thực để làm gương cho con về sự hài lòng là nói cho chúng biết bạn đang cảm thấy biết ơn về điều gì. Dưới đây là một vài ví dụ:
- “Thật tiếc là hôm nay trời mưa, nhưng bố/mẹ rất biết ơn vì chúng ta có ô và ủng đi mưa!”.
- “Bố/mẹ rất biết ơn vì con có một cơ thể khỏe mạnh để con có thể chạy nhảy và vui chơi".
- “Bố/mẹ thực sự biết ơn vì hôm nay bà đến chơi với con. Con thật may mắn khi có một người bà yêu thương con”.
Khuyến khích nói lời cảm ơn
Hãy chủ động khuyến khích con nói lời cảm ơn. (Ảnh: ITN).
Hãy chủ động khuyến khích con nói lời cảm ơn. Khi bạn làm điều gì đó cho con hoặc khi bạn tặng con điều gì đó đặc biệt, hãy khuyến khích con nói “cảm ơn”. Ngay cả khi ban đầu điều đó không chân thành, câu “cảm ơn” cũng sẽ giúp con điều chỉnh lại suy nghĩ và nghĩ đến người khác ngoài bản thân.
Trong gia đình, trước khi các con được phép rời khỏi bàn ăn tối, chúng nên nói “Cảm ơn mẹ vì bữa tối, con có thể xin phép vào phòng được không?”
Bên cạnh một số hoạt động vui nhộn, thiết thực để bạn dạy con về sự hài lòng và lòng biết ơn, ý tưởng dưới đây cũng rất đáng xem xét:
Mọi người trong gia đình viết hoặc vẽ điều gì đó mà họ biết ơn vào mỗi ngày trong tháng và đặt mảnh giấy vào lọ. Ngày cuối tháng, hãy lấy tất cả các tờ giấy đó ra và cùng nhau đọc, sau đó dành chút thời gian để cảm ơn nhau.
Học cách kiểm soát ham muốn
Nếu con có thói quen ăn kẹo mỗi ngày sau giờ học hoặc bất cứ khi nào con muốn, con sẽ trở thành nô lệ cho cảm giác thèm ăn.
Là cha mẹ, chẳng phải chính chúng ta cũng bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng sao? Chẳng phải chúng ta có xu hướng tin rằng con mình sẽ vui hơn nếu chúng có một ít kẹo hoặc có những thiết bị mới nhất hay sao? Suy cho cùng thì đó cũng không phải là vấn đề gì to tát.
Nhưng nếu con không được dạy cách kiểm soát ham muốn và thoải mái với những gì mình đang có thì làm sao con có thể trở nên khác biệt ở tuổi thiếu niên? Các bậc cha mẹ cần hỗ trợ con trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Và, điều đáng ngạc nhiên là hạnh phúc không liên quan đến việc thỏa mãn những ham muốn mà là làm chủ những đam mê.
Hạnh phúc với những điều nhỏ bé
Ví dụ, chỉ bằng cách trải nghiệm cảm giác vượt qua được cơn thèm ăn, đứa trẻ sẽ nhận thức được niềm vui nhỏ bé trong trái tim mình.
Niềm vui này được nuôi dưỡng khi con “thành công” trong việc không để mình bị lôi kéo vào cơn cám dỗ, cũng như khi con “thành công” trong việc chia sẻ với người khác, trong việc nói những điều tốt đẹp với anh chị em mình.
Bằng cách không nhượng bộ những thú vui nhanh chóng và dễ dàng, chúng ta dạy trẻ hạnh phúc với con người mình và với những gì mình có. Chúng ta cũng rèn luyện ý chí của con, và với điều này, con sẽ học cách xây dựng hạnh phúc của mình.
Chúng ta đừng quên, điều chúng ta nên tìm kiếm không phải là sự thỏa mãn những ước muốn, mà là học cách nếm trải niềm vui đích thực.
Theo Thủy Kiều/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/day-con-biet-cach-hai-long-kem-che-truoc-cam-do-post691546.html