Một chị cán bộ phụ nữ ở miền Tây cho biết mình từng gặp những vụ chồng bị vợ bạo hành nhưng rất khó để tiếp cận được để giải quyết tận ngọn nguồn.
Nhiều người nghĩ chỉ phụ nữ mới bị bạo hành gia đình, nhưng thực tế không ít đấng mày râu cũng đang sống trong cảnh buồn này - Ảnh minh họa: NAM TRẦN
Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các hành vi bị coi là bạo lực gia đình gồm hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính; cưỡng ép quan hệ tình dục trái phép...
Những nỗi niềm chôn kín
"Nhiều vụ xảy ra, khi gặp được thì nạn nhân chối bay, nhưng cũng có vụ người chồng không thể giấu giếm được là do phải... nhập viện vì bị vợ chém" - chị cán bộ phụ nữ nói.
Trong một khảo sát trước đây của Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội (ISDS) cho thấy 1/4 nam giới tham gia khảo sát của ISDS thừa nhận thấy áp lực trong cuộc sống. Trong đó, hơn 80% áp lực về tài chính và 70% áp lực về sự nghiệp.
Thực tế cho thấy có trường hợp phụ nữ đẩy chồng vào tình thế chỉ biết phục tùng, thụ động, thậm chí chẳng dám có ý kiến gì trong gia đình. Một số khác coi chồng như của riêng mình, ngăn cấm mọi giao tiếp, quan hệ của chồng với bạn bè, đồng nghiệp.
Có chị đến quậy chồng ở công ty hoặc thưa kiện làm mất danh dự của chồng. Có bà vợ còn dùng "chiêu" dọa ly dị, giành quyền nuôi con để gây áp lực với chồng hoặc khủng bố tinh thần bằng cách đập phá đồ đạc, dọa thắt cổ, uống thuốc tự tử...
Thông thường mọi người cho rằng bạo lực gia đình chỉ là việc sử dụng vũ lực để đánh đập, la mắng. Tuy nhiên, bạo lực gia đình còn có rất nhiều hình thức thông qua những hành vi khác nhau. Đó là sự thờ ơ, cô lập, chia bè phái trong gia đình cũng được xem là bạo lực. Thậm chí, dùng đồng tiền để chi phối, áp đặt, sai khiến người khác cũng là hình thức bạo lực gia đình.
Sự phân công lao động trong gia đình đã thay đổi. Nữ giới đã ngày càng được đối xử công bằng hơn. Nam giới không thể giữ mãi tư tưởng độc tôn "mình là nhất" được, mà họ cần phải chấp nhận rằng vai trò giới đã được phân công ngày càng bình đẳng.
Chính người trong cuộc cần cởi bỏ định kiến
Các số liệu thống kê trên thế giới và ở Việt Nam cũng chỉ ra rằng nữ giới bị bạo lực nhiều hơn so với nam giới, nhưng không có nghĩa rằng nam giới ở Việt Nam không bị bạo lực trên cơ sở giới.
Bạo lực gia đình tác động tiêu cực đến đời sống của nạn nhân cả về thể chất lẫn tinh thần. Nam giới thường bị trầm cảm, tăng huyết áp, tự ti, mất ngủ, chấn thương, căng thẳng sau sang chấn, thậm chí nghĩ đến việc tự sát...
Bình đẳng giới không phải lúc nào cũng là những phong trào hành động thiên về phụ nữ. Chính những người đàn ông cũng cần được chia sẻ, được lắng nghe, thấu hiểu, bởi có lúc họ là nạn nhân chứ không phải lúc nào cũng là "thủ phạm". Đặc biệt, định kiến nam phải thế này, nữ là phải thế kia cần được cởi bỏ.
Giải pháp trước mắt có thể là những hình thức xử phạt đối với các hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức cho người dân, lên án, bài trừ và mạnh mẽ tố cáo các hành vi bạo lực trong gia đình.
Cuộc sống hôn nhân là tự nguyện, mỗi người đều cần và nên được tôn trọng như nhau. Dù đàn ông ở "tiền tuyến" hay "hậu phương", họ đều xứng đáng được tôn trọng và yêu thương. Hôn nhân hạnh phúc không nằm ở việc ai thắng ai, mà ở sự đồng hành, tôn trọng và sẻ chia lẫn nhau.
Theo Thảo Nghi/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/nam-gioi-bi-bao-luc-gia-dinh-ngay-cang-tang-co-nguoi-nhap-vien-vi-bi-vo-chem-20240622005440669.htm