Giá thuê nhà ở trung tâm thành phố, gần công ty quá cao, nhiều bạn trẻ chấp nhận ở trọ xa.
Nhiều bạn trẻ chấp nhận ở trọ xa chỗ làm để tiết kiệm chi phí - Ảnh: YẾN TRINH
Ở trọ xa, mỗi ngày các bạn dành 1 - 2 tiếng để đi đến chỗ làm. Nhờ vậy, mỗi tháng họ dư ra ít tiền, làm của để dành.
Ai cũng muốn ở trọ gần trung tâm, gần nơi làm việc, thoải mái, tiện đi chơi đi làm. Nhưng giá thuê thường chiếm nhiều phần thu nhập, gây áp lực lớn về chi phí sinh hoạt. Do đó, việc chọn nơi ở trọ phù hợp là vấn đề quan trọng.
Ở trọ cách công ty 15km
Khi TP.HCM sắp bước vào mùa mưa, mỗi buổi chiều Minh Tùng (25 tuổi) thấp thỏm xem dự báo thời tiết trên điện thoại. Chốc chốc, anh lại ra cửa sổ tòa nhà nơi công ty đang đóng trụ sở xem mây đen có đang kéo về từ hướng nào không.
Một số đồng nghiệp trêu: "Không biết ngoài đó có gì mà ở trọ mãi một chỗ, không chịu chuyển vào đây cho gần".
Tùng làm việc cho một công ty gần Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Còn nơi anh ở trọ là TP Thủ Đức, trong một căn phòng trên lầu hai, nhà chung chủ. Giá thuê là 1,8 triệu đồng mỗi tháng, tính luôn tiền điện nước.
Cầm điện thoại mở ứng dụng bản đồ, Tùng đo khoảng cách từ nơi ở trọ tới công ty. Quãng đường hiển thị hơn 15km. Tùng nói: "Ngày nào đi làm, về phòng trọ như một hành trình đi phượt vậy đó".
Mỗi ngày, chàng trai này dậy lúc 5h. Anh ăn sáng, tắm rửa rồi đi làm. "Khởi hành chỉ cần trễ 15 phút thôi là dính vô kẹt xe rối nùi", Tùng giải thích.
Nhưng bù lại, anh tiết kiệm được một khoản tiền kha khá mỗi tháng, khi mức lương anh cũng khá ổn.
Anh cho hay anh ở trọ chỗ này từ khi còn là sinh viên. Chủ trọ xem anh như con cháu trong nhà. Vì vậy suốt mấy năm nay, tiền phòng không hề tăng giá.
"Mình đi xem phòng trọ ở gần công ty, thấy không an tâm lắm về vấn đề an ninh, cháy nổ. Còn thuê phòng trong chung cư thì đắt. Chỗ mình ở trọ hiện tại rộng rãi, thoáng đãng, giá rẻ", anh chia sẻ.
Tùng cho biết thêm: "Công việc mình có khi làm OT (overtime - làm thêm giờ). Nếu trễ quá mình ngủ lại công ty luôn. Vậy nên thấy chi 6-7 triệu đồng thuê phòng trong chung cư chỉ để ngả lưng thì thật phí".
Anh tâm sự chọn ở trọ xa, cố gắng cắt giảm chi phí là để sau này mua đất.
Có thâm niên "đi phượt" như vậy, Tùng quen với việc di chuyển xa. Anh hào hứng: "Thỉnh thoảng trên đường, mình cũng nảy ra những ý tưởng giải quyết công việc mau lẹ".
Chấp nhận ở trọ xa để đỡ gánh nặng sinh hoạt phí
Thuê phòng trong dãy trọ tuy có bất tiện nhưng tiết kiệm được kha khá tiền mỗi tháng - Ảnh: YẾN TRINH
Thu Thảo (27 tuổi, nhân viên truyền thông) từng cảm thấy không thoải mái với cuộc sống chung đụng nhiều người trong ký túc xá suốt bốn năm sinh viên. Do đó, điều đầu tiên cô làm sau khi nhận lương là ra ở trọ. "Tôi thuê phòng trọ 3,5 triệu đồng ở một mình cho sướng".
Nhớ lại quãng thời gian mới đi làm đó, lương của Thảo dưới 10 triệu đồng, thử việc hai tháng nhận lương 85% chính thức. Thảo không hiểu sao mình lại dám chi quá tay để ở trọ như vậy.
Tiền ở trọ ngốn gần phân nửa lương chưa đủ sức "cảnh tỉnh" cô nàng phải tiết kiệm. Cho đến khi đứa em nhập học một trường đại học ở TP Thủ Đức, Thảo được mẹ gửi gắm phụ lo cho em ăn học.
"Mấy năm nuôi tôi ăn học, cha mẹ đã đuối sức", cô nói.
Sau một thời gian tính toán, cô quyết định chọn thuê phòng tại một dãy trọ. Nơi này gần trường để em cô tiện bắt xe buýt đi học.
Còn cô vẫn đi làm cho một công ty ở quận Gò Vấp mỗi ngày. "Dù có chuyển việc, đổi chỗ làm, mình vẫn cố ở trọ xa. Chi phí ăn ở rẻ hơn, mỗi tháng dư ra một ít làm tiền phòng thân", Thảo tâm sự.
Tuy nhiên, Thu Thảo nói rằng mình rất mệt mỏi vì 5 ngày một tuần phải chạy xe máy đi làm xa. "Vừa đau lưng, vừa nguy hiểm", cô nói.
Thảo cho biết sẽ cố thêm một năm, để em mình thu xếp thời gian học và làm thêm ổn định. Khi đó có thêm sinh hoạt phí, chị em cô sẽ ở trọ chỗ khác. Như vậy, họ có thể cân bằng quãng đường đi học, đi làm của cả hai.
Còn với Minh Tùng, tự nhận là người sống theo kiểu "thực dụng", anh chàng luôn suy nghĩ: "Suốt ngày tôi ở công ty, chỉ về phòng ngả lưng mỗi buổi tối. Nên không cần phải chi quá nhiều tiền cho việc ở trọ".
Ở trọ xa để tiết kiệm: Có đáng đánh đổi?Một số bạn trẻ cho rằng không có câu trả lời chung cho câu hỏi này. Ở trọ nơi nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố: khả năng tài chính, nhu cầu cá nhân và điều kiện di chuyển của mỗi người. Nếu tài chính hạn hẹp, việc trọ xa trung tâm có thể là lựa chọn phù hợp để bạn tiết kiệm chi phí. Đương nhiên là phải đánh đổi nhiều thứ như tiện ích, phải ngủ sớm, dậy sớm để đi làm. Hoặc đội mưa trên quãng đường dài để về nhà, kể cả chịu đựng kẹt xe. |
Theo Yến Trinh/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/chap-nhan-o-tro-xa-cho-lam-ca-chuc-cay-so-tiet-kiem-mong-mua-nha-20240528112247744.htm