Trong thời "bão giá", với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng khiến nhiều bạn trẻ chật vật xoay sở khi bám trụ tại thành phố lớn. Với hàng loạt các khoản chi tiêu đè nặng, mức thu nhập khiêm tốn trên nhiều khi không đủ để họ trang trải cuộc sống.
Chỉ đủ thuê trọ, ăn uống
Đang ở TP.HCM, nơi có mức sống đắt đỏ thứ 2 cả nước, thế nhưng thu nhập hằng tháng của N.H.H (23 tuổi), làm việc trên đường Nguyễn Gia Thiều, Q.3 (TP.HCM) chỉ dao động từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Tốt nghiệp cử nhân đại học, thế nhưng H. loay hoay mãi không tìm được công việc với mức thu nhập như ý.
“Thu nhập mỗi tháng không cố định vì nó còn phụ thuộc vào năng suất làm việc. Tuy nhiên, cũng chỉ được 6 - 7 triệu đồng/tháng, có khi hơn 5 triệu đồng. Trong khi tiền thuê trọ và chi phí điện nước đã là 2 triệu đồng, chưa kể đến những khoản khác như: ăn uống, mua sắm, đi lại”, H. nói.
Mức thu nhập từ 6 -8 triệu đồng/tháng liệu có đủ sống ở những thành phố lớn? THẢO PHƯƠNG
Với thu nhập khiêm tốn đó mà ở thành phố có mức sống đắt đỏ như TP.HCM chàng trai này đã rất chật vật trong việc chi tiêu mỗi tháng để có thể đảm bảo mọi khoản phí. “Mình hay đùa vui với bạn bè rằng đó là phí sinh tồn đủ sống tàm tạm qua ngày. Tháng nào cũng đi làm đều đặn nhưng chỉ toàn âm phải đi vay mượn thêm chứ không hề dư. Nhiều khi bạn bè rủ tụ họp nhưng sau khi nhìn lại ví tiền mình đành phải từ chối”, H. chia sẻ.
Dù cuộc sống khá chật vật nhưng với một sinh viên mới ra trường như H. vẫn muốn bám trụ lại thành phố để tìm kiếm cơ hội phát triển trong tương lai.
Không chỉ riêng H. mà nhiều người trẻ khác cũng thừa nhận rằng mức lương họ nhận được chỉ đủ chi trả cho tiền thuê trọ và ăn uống hằng tháng. Đang có ý định rẽ sang hướng đi khác vì công việc hiện tại không đáp ứng được mức lương như mong muốn, V.T.T.T (20 tuổi), ở trọ trên đường Nguyễn Thái Học, P.Tân Thành, Q.Tân Phú (TP.HCM), chia sẻ: “Vì đặc thù công việc nên mình phải đi làm xuyên suốt, mỗi tháng chỉ được nghỉ 2 ngày. Thế nhưng, mức thu nhập mỗi tháng mình nhận được là dưới 10 triệu đồng. Số tiền đó cũng chỉ đủ để mình trả tiền thuê trọ, ăn uống và đổ xăng. Trong khi đó, từ tháng sau tiền phòng trọ bắt đầu tăng, hóa đơn tiền điện cũng tăng cao chóng mặt. Nếu không khéo tiết kiệm thì có khi phải đi vay, nhiều khi chưa hết tháng mà đã cạn tiền”.
Dù thu nhập thấp, nhiều người trẻ cũng vẫn muốn bám trụ lại thành phố THẢO PHƯƠNG
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng chia sẻ rằng mức lương dưới 10 triệu đồng mà muốn sống đủ ở TP.HCM là khá chật vật. Vì vậy, bản thân mỗi người trẻ phải ý thức được vấn đề tiết kiệm chi tiêu. “Mỗi người cần có kế hoạch chi tiêu, quản lý tài chính cụ thể để không xài tiền một cách phung phí”, ông Điền nói.
Lương 7 - 8 triệu đồng nhưng mỗi tháng vẫn tiết kiệm được?
Trong thời “bão giá”, mọi thứ đều tăng duy chỉ có tiền lương là vẫn vậy. Do đó, để thích nghi không ít người trẻ phải thay đổi thói quen chi tiêu, tiết kiệm hơn để mong có một khoản tiền tiết kiệm mỗi tháng.
Kể lại cách tiết kiệm tiền khi sống một mình, Nguyễn Thị Xinh (26 tuổi), đang làm việc tại Công ty may Việt Tiến, Q.Tân Bình (TP.HCM), chia sẻ: “Mặc dù làm công nhân lương chỉ từ 7 - 8 triệu đồng/tháng tùy theo năng suất, nếu tăng ca nhiều thì mình được 9 triệu đồng. Thế nhưng, tháng nào mình cũng dành ra 2 - 3 triệu đồng để tiết kiệm. Vì ở trọ khu công nhân nên tiền thuê phòng và điện nước mỗi tháng chỉ tốn khoảng 1,6 triệu đồng. Các khoản chi tiêu không cần thiết mình sẽ cắt giảm bớt”.
Ngoài chi phí ăn uống, đi lại, phòng trọ, mỗi tháng Xinh còn gửi về quê cho mẹ 1 triệu đồng. Thế nhưng, cô gái này vẫn tiết kiệm được 2 - 3 triệu đồng/tháng. Với kinh nghiệm của mình, Xinh chia sẻ: “Muốn tiết kiệm được thì mình phải đặt mục tiêu để dành tiền làm gì. Mặc dù mức lương công nhân không cao nhưng lúc trước mình có đặt mục tiêu phải mua được xe tay ga. Vì vậy, hơn 1 năm cố gắng tăng ca, chi tiêu có chừng mực mình đã tiết kiệm được gần 50 triệu đồng. Vì biết nếu có tiền trong người là sẽ tiêu hết nên mình gửi tiền đó cho chị gái giữ giúp”.
"Săn" hàng giảm giá cũng là 1 trong những cách giúp tiết kiệm chi tiêu THẢO PHƯƠNG
PGS.TS Nguyễn Thành Đạt, công tác tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), chia sẻ mỗi người cần phải ý thức được rằng cho dù mức thu nhập như thế nào thì việc quản lý ngân sách, chi tiêu là hết sức quan trọng.
“Trong bất cứ tình huống nào thì nguyên tắc “bất di, bất dịch” đó là chi tiêu phải nằm trong giới hạn thu nhập. Như vậy, đối với những người trẻ với mức thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng và sinh sống ở những thành phố có mức sống cao thì việc đảm bảo nguyên tắc này thực sự là một thách thức lớn”, ông Đạt cho hay.
Chỉ ra một số cách để quản lý chi tiêu hiệu quả với mức lương khiêm tốn, ông Đạt cho biết: “Đầu tiên, cần phải lập kế hoạch chi tiêu và tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Hãy xác định các chi phí cố định như: thuê nhà, tiền điện, nước, internet và chi phí linh hoạt như: ăn uống, giải trí. Dựa trên mức lương của bạn, phân bổ một phần cho mỗi loại chi phí và cố gắng tuân thủ ngân sách này. Thứ hai, cần chỉ ra được các chi phí mà bản thân cho là cần thiết và phải ưu tiên. Cố gắng hạn chế các chi phí không cần thiết và tập trung vào những thứ quan trọng như thực phẩm, đi lại, và sinh hoạt hàng ngày. Thứ ba, tận dụng các sản phẩm, dịch vụ khuyến mãi như các chương trình giảm giá khi mua sắm hoặc đi chơi để tiết kiệm tiền. Thứ tư, nếu chưa có gia đình thì hãy cân nhắc việc chia sẻ các chi phí như thuê nhà hoặc đi lại với bạn bè, người thân để giảm bớt áp lực tài chính. Thứ năm, hãy tìm kiếm cơ hội tăng thu nhập dựa trên những thế mạnh cá nhân. Chẳng hạn, tìm kiếm cơ hội làm thêm hoặc các dự án tự do để tăng thu nhập. Cuối cùng, hãy dành thời gian và tiền bạc để phát triển kỹ năng, nâng cao trình độ học vấn có thể giúp bạn có cơ hội tăng thu nhập trong tương lai”.
Theo Thảo Phương/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/xoay-xo-the-nao-voi-thu-nhap-tu-6-8-trieu-dong-thang-o-thanh-pho-lon-185240506171837249.htm