Sự hấp dẫn với khoản tiền hoàn lại, khuyến mãi, điểm tích lũy... của tấm thẻ quyền lực quá tiện dụng nên gần như nhiều bạn trẻ đã phớt lờ các cảnh báo.
Bảo vệ thông tin, điện thoại cá nhân, đặc biệt là mã khóa thẻ tín dụng là việc vô cùng cần thiết mà đôi khi bị nhiều người lơ là - Ảnh: C.T.
Ai dùng thẻ tín dụng đều thuộc nằm lòng: tiêu trước, trả sau. Việc thoải mái mua sắm các mặt hàng giá trị lớn rồi trả nợ sau 30 - 60 ngày tùy ngân hàng không tính lãi khiến nhiều bạn trẻ chẳng ngần ngại cà thẳng tay để rồi ôm nợ, thậm chí vào danh sách nợ xấu.
Sự hấp dẫn với khoản tiền hoàn lại, khuyến mãi, điểm tích lũy... của tấm thẻ quyền lực quá tiện dụng nên gần như nhiều bạn trẻ đã phớt lờ cảnh báo, nhất là với những bạn thiếu kỹ năng và thói quen chi tiêu không chừng mực.
Nhận tin nợ xấu, giật mình đang xài tới 5 thẻ
Công việc, thu nhập ổn định, lại có khoản tích lũy nhỏ nên anh T.N. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) dễ dàng mở được vài chiếc thẻ tín dụng hạn mức khá. Liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn mời mở thẻ online nhanh gọn từ các ngân hàng đã mở màn cho bi kịch mà N. cũng không ngờ tới.
Hồi đầu tháng 12-2023, N. bị mất ví và cả điện thoại. Anh lập tức gọi đến bốn ngân hàng xin khóa hết các thẻ đang xài. Sau một tuần, N. được nhận lại nguyên vẹn ví cùng giấy tờ. Nghĩ trong cái rủi có cái may nên gần như anh cũng không để ý đến sao kê chi tiết của các thẻ.
"Cả tháng đó tôi không cà phát nào, cũng chẳng chi tiêu, mua sắm gì nên chủ quan. Đùng cái ngân hàng gọi báo có khoản nợ đã sao kê quá hạn thanh toán tín dụng một ngày, đang bị áp lãi nợ chậm trả mới tá hỏa", N. hậm hực nói.
Hóa ra N. quên khóa tấm thẻ thứ năm và kẻ gian đã rút đi một khoản tiền mặt từ thẻ này. Khoản nợ quá hạn không quá lớn, trong khả năng chi trả của N. song mải lo trình bày, kiện cáo với ngân hàng về tính bảo mật, yêu cầu rà soát để chứng minh mình không thực hiện giao dịch đó mà vô tình đẩy khoản nợ xấu kéo dài gần nửa tháng.
"Vài chục triệu đồng nợ thẻ tín dụng bị áp lãi nợ quá hạn thì lên nhanh lắm", N. buồn bã.
Vỡ nợ vì ham hào nhoáng
Có lẽ câu "tiền trao cháo múc" chỉ đúng khi chưa có thẻ tín dụng. Còn ở hiện tại, việc bạn có thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng thì thoải mái đăng ký mở thẻ tín dụng có hạn mức gấp ba, bốn, thậm chí cả chục lần thu nhập vẫn được. Mà mở thẻ nhanh lắm, chỉ cần điện thoại có kết nối Internet, ít thao tác là ổn ngay.
T.M.Đ. (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng tập tành xài thẻ tín dụng lúc thu nhập mỗi tháng chừng 7 triệu đồng. Hiện tại khi thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng, hạn mức thẻ của Đ. đã được tăng lên gần 60 triệu đồng.
Điều kiện đi kèm cũng nhiều hơn và nếu mỗi tháng Đ. xài cao hơn 70% hạn mức thẻ, số phần trăm tiền hoàn lại sẽ cao hơn, điểm thưởng tích lũy cũng nhiều hơn.
"Nghe ham lắm, nên một vài lần đầu cũng gắng mua sắm thêm tí, rồi dần thành tiêu xài quá trớn. Ai quen biết cần mua gì nhờ cái cũng mua giùm nhưng có người trả có người bùng, một mình gánh hết. Khi mình không còn khả năng trả nữa, ngân hàng gọi đến công ty, mình mất luôn việc", Đ. kể.
Còn T. (quận Bình Tân) từ nhóm "Cộng đồng bị nợ xấu VN" trên Facebook nói đã khiếp vía với thẻ tín dụng sau một vài lần vung tay quá trán để rồi ôm hận, ôm luôn khoản nợ xấu. T. vốn có thu nhập ổn định, xài cùng lúc hai thẻ tín dụng của ngân hàng và một công ty tài chính có tổng hạn mức thanh toán tới 150 triệu đồng/tháng.
Thấy món tiền hoàn lại, điểm thưởng hấp dẫn quá cộng với sức hút mua sắm cùng thể hiện độ hào nhoáng khi nắm thẻ tín dụng trong tay, T. sa đà vào cuộc chi tiêu của thẻ tín dụng lúc nào không hay. T. còn dùng chiêu đăng ký để kỳ thanh toán của hai chiếc thẻ ấy xoay vòng.
Mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát vài tháng đầu. Nhưng càng mua sắm càng hăng, rồi những bức hình du lịch đây đó của T. từ điểm thưởng, tiền hoàn lại nhận được cơn mưa lượt thích, bình luận khen ngợi. Mọi thứ bắt đầu vượt ra khỏi vòng kiểm soát từ đó.
"Tôi đáo hạn liên tục, nhờ cả bên dịch vụ để đáo hạn, vì thế lãi liên tục đẻ lãi vượt xa khả năng chi trả", T. nói.
Ba tháng "lặn" mất tăm, T. lập một tài khoản ẩn danh lên "Cộng đồng bị nợ xấu VN" nghe ngóng bí kíp trốn nợ, thăm dò kinh nghiệm thương lượng mong hạ nhiệt, tránh bị đòi nợ ráo riết.
Hốt bạc với dịch vụ kiểm tra nợ xấu
Khi thông tin khách hàng nợ tín dụng 8,5 triệu đồng mà ngân hàng tính số tiền phải trả lên tới trên 8,8 tỉ đồng sau gần 11 năm rộ lên, các trang mạng xã hội, nhất là các hội nhóm chuyên về tài chính, xôn xao bàn tán. Đặc biệt, dịch vụ kiểm tra nợ xấu bắt trend ăn theo khắp cõi mạng. Và cũng chứng kiến lượng người muốn kiểm tra nợ xấu, lịch sử tín dụng đông vô kể.
Chị Như Ngọc (quận Bình Tân) cho biết cũng sợ không biết lịch sử tín dụng của mình thế nào. Chị kể đọc trên mạng thấy người ta chỉ nhau lên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tra cứu, nhưng do không rành máy móc, rồi nghe đâu đăng ký phải đợi mấy ngày chờ duyệt cũng nóng ruột nên đã tìm dịch vụ nhờ tra cứu.
Theo tìm hiểu, phí kiểm tra lịch sử tín dụng được mời chào ở một số hội nhóm như "Kiểm tra nợ xấu CIC", "Hội ngân hàng Việt Nam, hỗ trợ tài chính - tín dụng và thẻ", "Tra CIC, Check CIC"... đang có giá dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/lần. Đi kèm lời mời chào là cam kết kiểu như sau 15 phút biết ngay kết quả, rõ ràng, chi tiết...
Tuy nhiên cũng ở chính những hội nhóm trên, các bài "bóc phốt" lừa đảo từ dịch vụ này cũng không hiếm với chiêu thức khá đơn giản. Các đối tượng đăng bài, tìm đến ai đang có nhu cầu kiểm tra lịch sử tín dụng, mời chào và sau khi nhận được chuyển khoản phí dịch vụ thì các đối tượng cũng lặn mất, "thuê bao không liên lạc được".
Theo Công Triệu/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/nguoi-tre-truoc-bien-the-tin-dung-vung-tay-qua-da-no-xau-goi-ten-20240419231339226.htm