Thẻ tín dụng ngày càng phổ biến vì tính hữu dụng, ích lợi của nó nếu người dùng tỉnh táo, biết lựa chọn đúng với phương thức thanh toán này.
Nhiều ngân hàng khá ưu đãi chủ thẻ tín dụng khi chấp nhận tỉ lệ hoàn tiền khá cao cho các đơn hàng mua sắm thời trang, du lịch - Ảnh: C.T.
Cái bắt tay giữa các ngân hàng cùng doanh nghiệp, nhãn hàng đồng nghĩa mang đến cơn mưa khuyến mãi cho người dùng. Do vậy nếu có kinh nghiệm nhiều người dùng sẽ được hưởng lợi, nhưng hệ lụy cũng khó lường nếu chẳng may quên (hay cố tình quên) trả nợ.
Không quá khó để bắt gặp những clip khoe việc bóc tem tấm thẻ đen VIP vừa nhận và thoải mái cà với những hóa đơn dài hơn sớ Táo quân đầy trên mạng.
Không ngẫu nhiên mà nhiều bạn trẻ ví von thẻ tín dụng là "chiếc thẻ quyền lực", như một cách thể hiện đẳng cấp, mức độ sành điệu, chịu chi và có khi để khoe độ giàu có với người sở hữu chiếc thẻ ấy dù chưa hẳn đã thực giàu.
Thức đêm mua hàng hộ, hưởng hoàn tiền
Một thực tế không phủ nhận rằng nếu biết tiêu xài có kế hoạch, thẻ tín dụng đang giúp nhiều bạn trẻ giải tỏa "cơn khát" du lịch, mua sắm. Cách dùng trước trả nợ sau đôi lúc phát huy công dụng tốt, nhất là trong những tình huống đột xuất, thậm chí nguy cấp. Dẫu vậy, hành trình săn các voucher, quà tặng, hoàn tiền, tích điểm... thực lòng mà nói cũng lắm gian truân.
Với mức thu nhập chừng 15 triệu đồng/tháng, không khó để anh Văn Thanh (32 tuổi, quận 3, TP.HCM) mở một vài thẻ tín dụng có hạn mức khá ổn tại một vài ngân hàng khác nhau. Thanh chỉ cân nhắc mỗi chuyện ngân hàng nào đang có mức tính phí thường niên chấp nhận được, nhất là phải thường xuyên có khuyến mãi.
Có thẻ rồi, cộng với việc từng sở hữu cả chục loại thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng khác nhau nên Thanh khá rành chuyện tiêu xài, săn khuyến mãi.
Những tháng cao điểm mua sắm, mùa săn sale, có khi tổng số tiền Thanh thanh toán qua thẻ tín dụng phải lên đến vài chục triệu đồng. Cá biệt có tháng Thanh trả tới cả trăm triệu dù anh cho biết bản thân cũng không có nhu cầu mua sắm quá nhiều. Anh cười lớn: "Tất cả chỉ là tôi mua giúp nhiều người rồi hưởng phần trăm tiền hoàn lại gọi là kiếm thêm chút".
Tùy ngân hàng, từng đợt khuyến mãi và cũng tùy mặt hàng, xuất xứ sản phẩm mà số tiền hoàn lại khác nhau. Nhưng gần như quanh năm, các ngân hàng đều có mức sàn hoàn tiền từ 3 - 15% trên tổng hóa đơn, tùy giai đoạn. Nên chỉ cần biết người thân, người quen có nhu cầu mua sắm, Thanh đều sẵn sàng cà thẻ giúp.
Chuyện thức đêm canh giờ mở bán hàng sale khi bạn bè cần mua túi xách từ nước ngoài với các thương hiệu yêu thích đã quá quen thuộc với Thanh. Có đợt khuyến mãi lớn, Thanh từng được hưởng hoàn tiền tới tận 30%, thậm chí thi thoảng còn lên đến 50%. Vài lần như thế, sơ sơ anh bỏ túi cũng cả chục triệu đồng tiền hoàn lại chứ ít gì.
Đã chấp nhận cuộc chơi thẻ tín dụng, điều quan trọng nhất không bao giờ được quên chính là thời điểm và khoản trả nợ định kỳ chứ nếu không là dễ dính phạt như chơi. Anh VĂN THANH (quận 3, TP.HCM) |
Du lịch nhờ... tích điểm, quay thưởng
Dạo một vòng quanh các trang web nhiều ngân hàng khác nhau, khá dễ nhận ra hầu hết ngân hàng chạy đua tung ra không ít chương trình ưu đãi, gói giảm giá dành cho chủ thẻ tín dụng. Có những chương trình khuyến mãi ưu đãi tới 20 - 30% giá trị đơn hàng khi mua sắm trên một số sàn thương mại điện tử.
Không chỉ mua sắm, các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng đưa ra nhiều lựa chọn ưu đãi cho khách hàng chủ thẻ tín dụng các mức khác nhau. Chưa hết, chuyện tích điểm đổi quà, voucher khuyến mãi rồi cơ hội quay thưởng nhận quà khủng cũng rất được các bạn trẻ quan tâm.
Bạn Hồng Ly (quận 7, TP.HCM) kể riêng năm 2023 vừa qua đã đi du lịch năm chuyến, bốn chuyến trong nước và chuyến đi Thái Lan. Điều làm nhiều người bất ngờ hơn khi Ly khoe du lịch nhiều nơi vậy nhưng số tiền cô bạn chi ra chỉ chừng 30 triệu đồng. Tính trung bình mỗi chuyến hết sương sương khoảng 5 triệu đồng.
Ly bình thản kể đúng ra mỗi chuyến như thế giá không hề rẻ. Nhưng vì có kinh nghiệm xài thẻ tín dụng, biết cách tích điểm, săn voucher nên mới ra giá đó. Cô bạn kể tháng nào cũng cà thẻ tín dụng từ 20 - 150 triệu đồng và phần lớn là mua hàng, vé máy bay, trả góp giùm người khác.
Thế nên sau mỗi lần thanh toán, ngoài khoản tiền hoàn lại, Ly còn tích thêm vô số điểm thưởng mà tùy ngân hàng sẽ có cách quy đổi trị giá đơn hàng thành điểm khác nhau. Khi số điểm thưởng tích lũy cao, cô bạn đổi thành các voucher mua hàng, đặt phòng nghỉ, vé máy bay... "Đó là lý do mình có những chuyến du lịch giá rẻ chứ đã đi nghỉ lấy đâu ra giá rẻ vì rẻ quá chắc chắn phải bay vào khung giờ không thuận tiện, chưa kể khách sạn cũng thấp sao thôi" - Ly cười.
Ôm hận vì vài phần trăm tiền hoàn lạiCách đây vài tuần, anh Hồng Quang (nhân viên kinh doanh tại quận 6, TP.HCM) phải cầu cứu vài người bạn khi bị nợ thanh toán tín dụng quá hạn một tuần với số tiền 30 triệu đồng. Nguyên do khá trớ trêu, Quang nhận mua hàng giùm người bạn nhưng đến kỳ hẹn trả tiền, thuê bao của người này "ngoài vùng phủ sóng". Lương tháng chỉ 18 triệu đồng, có đắp sang khoản nợ trên trời rơi xuống đó Quang vẫn còn thiếu hơn chục triệu đồng nữa. Vấn đề là ở kỳ thanh toán ấy, số tiền Quang phải trả thẻ tín dụng đến gần 200 triệu đồng, chủ yếu là do mua hàng giùm để hưởng hoàn tiền. "Dù chỉ thiếu 10 triệu đồng nhưng ngân hàng đâu có tính cho mình chỉ riêng số tiền ấy mà luôn tính trên tổng số tiền cần thanh toán của kỳ. Tức là nếu không thanh toán đủ sẽ phải chịu mức lãi phạt đóng của 200 triệu đồng, chậm vài ngày mất thêm vài triệu đồng ngay" - Quang ủ rũ. |
Theo Công Triệu/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/nguoi-tre-truoc-bien-the-tin-dung-du-lich-mua-sam-ca-tha-ga-20240419100521035.htm