Tuổi nghỉ hưu của người lao động đang dần tiến đến 60 với nữ và 62 với nam. Tuy nhiên, hàng loạt lao động phổ thông ở độ tuổi 40 - 50 bị mất việc do doanh nghiệp giải thể, cắt giảm nhân sự và tình trạng này đang gây nhiều hệ lụy.
Tìm việc làm mới sau khi bị cắt giảm - Ảnh: V.THỦY
Không ít người chật vật tìm cuộc mưu sinh mới khi không tìm được việc làm mới. Không thể xin vào công ty để có hợp đồng lao động nên đành phải làm ở xưởng nhỏ. Thôi thì làm đến đâu hay đến đó, họ dẹp lúc nào đâu biết được. Chỉ mong sắp tới xưởng vẫn có nhiều đơn hàng để tôi lo được đến lúc con học xong. |
Tuyển dụng công nhân U30 - U40
Công ty sản xuất bao bì ni lông cần tuyển công nhân nam/nữ máy cắt tuổi từ 18 - 33; tuyển công nhân nguội chế tạo, nam tuổi từ 20 - 35; tuyển 200 nam/nữ thời vụ tuổi từ 18 - 40; tuyển công nhân sản xuất bao bì giấy tuổi từ 20 - 30...
Lướt một loạt mẩu tuyển dụng công nhân, lao động phổ thông nhiều ngành nghề hầu hết đều giới hạn đến 40 tuổi, nới tay lắm cũng chỉ đến 45. Không ít nơi chỉ tuyển người đến 30 tuổi, thậm chí có tuyển dụng còn yêu cầu chỉ đến 28 tuổi.
Nói về lý do nhiều công ty sản xuất chỉ muốn tuyển người dưới 40 - 50 tuổi, người phụ trách tuyển dụng một công ty may mặc khá lớn cho biết với mức lương cơ bản từ 5,5 - 6 triệu đồng, để có thu nhập 8 - 11 triệu đồng như thông tin tuyển dụng, công nhân phải có sức tăng ca đến 7h, thậm chí 8h tối.
Nhiều công việc kho bãi rất cần sức khỏe để còn lên xuống hàng, mang vác vật nặng.
Chị Nguyễn Thu Thảo - phụ trách tuyển dụng lao động một công ty sản xuất - cho biết nhiều năm qua phần lớn công ty đều đưa ra yêu cầu độ tuổi tuyển dụng công nhân dưới 40 - 45 tuổi, nói rõ trong thông báo tuyển dụng. Trước đây số lao động trẻ nhiều, người tìm việc đông nên các công ty cũng kén chọn.
Lao động nhà máy chủ yếu công việc tay chân, cần người khỏe nên đương nhiên cần người trẻ hơn. Việc tuyển công nhân gần đây ngày càng khó khăn nhưng giai đoạn này vẫn còn cắt giảm lao động vì không nhiều đơn hàng.
Do đó, theo chị Thảo, công ty vẫn chưa thay đổi độ tuổi tuyển dụng, vẫn chủ yếu tuyển lao động trẻ.
Tự bơi giữa muôn thứ khó
Ở tuổi 48, khi công ty giải thể đầu năm 2023 và cho gần 350 lao động nghỉ việc, chị Trần Thị Hồng Châu - công nhân may tại quận 7 (TP.HCM) - rất vất vả xoay xở mới có thể tiếp tục nuôi con gái đang học năm cuối đại học.
"Lúc công ty giải thể, tôi vẫn chưa trả xong khoản vay 30 triệu đồng của CEP (Tổ chức tài chính vi mô CEP hỗ trợ khoản vay nhỏ lãi suất thấp cho người lao động thu nhập thấp), con gái còn đang học nên lo lắm. Đi khắp các công ty nhưng họ nói lớn tuổi không nhận. Bí quá tôi cố xin vào xưởng may gia đình để làm" - chị Châu kể.
Làm ở xưởng may gia đình, từ lao động khu vực chính thức chuyển thành lao động tự do, chị Châu không có hợp đồng lao động và các chế độ bảo hiểm xã hội. Xưởng không có phiếu lương, làm hết tháng chỉ gửi cái phong bì.
Nên lúc trả xong khoản vay cũ cho CEP, chị Châu xin vay thêm để cho con yên tâm học xong nhưng không được. Bởi nếu không có hợp đồng lao động cần phải có hộ khẩu thành phố mới được vay.
Tuy nhiên với tình cảnh hiện tại, có việc với mức thu nhập tới 10 triệu đồng/tháng như chị Châu là may mắn. Chị Châu nói làm công nhân phải tăng ca nhiều mới có mức thu nhập đó, cũng may hơn năm nay đơn hàng của xưởng đều nên còn có việc và thu nhập đều.
Là một trong hơn 9.000 công nhân bị công ty cắt giảm sau thời gian dịch COVID-19 của một công ty da giày ở quận Bình Tân (TP.HCM), chị L.T.No (42 tuổi) giờ chỉ có thể làm công việc không ràng buộc hợp đồng tại một bếp ăn trường học với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng.
Những công nhân "đứt gánh giữa đường" như chị rất khó tìm được một công việc chính thức với mức lương ổn định và có bảo hiểm xã hội.
Chị đã làm công ty da giày thâm niên cũng hơn chục năm, lương chừng 10 triệu đồng. Công ty cắt giảm buộc phải nghỉ nhưng rất khó để xin vào được một công ty khác có điều kiện tương tự như nơi cũ.
"Vợ chồng tôi đang phải nuôi hai con đi học, vẫn đang chờ đủ một năm để rút bảo hiểm xã hội một lần lo cho con. Còn tôi giờ làm đến đâu hay đến đó, chưa tính tiếp được" - chị No tâm sự.
Không tự ý cắt giảm lao động lớn tuổi Theo một khảo sát được công bố đầu năm 2024 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khoảng 13,5% trong gần 11.000 doanh nghiệp được khảo sát đã cắt giảm lao động trong năm 2023, có doanh nghiệp đã phải cắt giảm hàng ngàn lao động. Ông Trần Văn Triều - giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động TP.HCM) - cho biết việc các công ty lợi dụng để cắt giảm người lao động lớn tuổi có thể xảy ra nhưng có thể ngăn chặn được nếu công đoàn công ty theo dõi kịp thời và bảo vệ người lao động. Ông Triều phân tích công ty có thể lên phương án cắt giảm số lao động trong cùng một chuyền, một tổ, một xưởng, một nhà máy chứ không thể "bốc" người lao động ở các xưởng khác nhau để cắt giảm. Theo quy định, phương án cắt giảm phải được thông qua người lao động, công đoàn công ty sau đó trình lên cơ quan quản lý lao động. "Nếu phát hiện doanh nghiệp cố tình cắt giảm lao động lớn tuổi, giữ lại người trẻ tuổi để làm việc, công đoàn công ty có thể báo cáo lên cơ quan quản lý lao động, phòng lao động các quận, huyện hay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để ngăn chặn" - ông Triều nêu. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nghen-ngao-khi-mat-viec-o-tuoi-50-20240417090839021.htm